Nhiều doanh nghiệp còn ngại kiện cáo, sợ phức tạp. Do vậy, Việt Nam sử dụng công cụ phòng vệ thương mại còn kém.
Tại hội thảo “Phát triển công nghiệp thép Việt Nam trong tình hình mới- cơ hội và thách thức” do Hiệp hội Thép Việt Nam tổ chức ngày 29/9, nhiều doanh nghiệp sản xuất thép Việt lo ngại thép Trung Quốc ồ ạt vào Việt Nam với thuế nhập khẩu thấp khiến doanh nghiệp Việt ngạt thở, khó cạnh tranh.
Ông Trần Tuấn Dương, Tổng Giám đốc Thép Hòa Phát trăn trở câu chuyện thép Trung Quốc dùng tiểu xảo để được miễn thuế, hoàn thuế khi xuất khẩu thép vào Việt Nam.
Thép có chứa hợp kim của Trung Quốc được hoàn thuế làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành thép thế giới trong đó có Việt Nam. Ngành thép nên đề ra tiêu chuẩn phôi thép rõ ràng hơn, phôi thép có chứa thành phần Bo không phải là phôi thép, phôi thép có chứa chất hợp kim không được sử dụng xây dựng, không phù hợp với Việt Nam. Do đó phôi thép có chứa các thành phần hợp kim như Bo của Trung Quốc thì hạn chế nhập khẩu vào Việt Nam hoặc không nhập khẩu.
Ông Dương cũng đề nghị ngành thép có những hàng rào tiêu chuẩn kỹ thuật rõ ràng hơn. Tổng Giám đốc thép Hòa Phát thừa nhận doanh nghiệp thép Việt Nam phần lớn có quy mô nhỏ và còn yếu trong nhìn nhận tiếp cận thông tin các vấn đề hội nhập. “Doanh nghiệp sản xuất như chúng tôi rất cần có những cuốn sách hướng dẫn về hội nhập hay trung tâm hội họp giải đáp các thắc mắc liên quan đến hội nhập”, ông Dương cho hay.
Về câu chuyện doanh nghiệp sản xuất thép Việt Nam cạnh tranh như thế nào khi Trung Quốc xuất khẩu thép ồ ạt vào Việt Nam, ông Lê Minh Tú, Tổng Giám đốc công ty thép Việt Úc (Hải Phòng) lo ngại:
"Tôi băn khoăn không biết mức thuế áp dụng của thép Trung Quốc vào Việt Nam khi nào thì bằng 0%. Theo xu thế hội nhập, tự do thương mại, hàng thép Trung Quốc vào Việt Nam ngày càng nhiều hơn mà câu hỏi này dường như vẫn bỏ ngỏ, doanh nghiệp còn khá mơ hồ về thông tin. Nhu cầu thép của Việt Nam ước tính năm 2020 là 40 triệu tấn, nếu thép Trung Quốc vào Việt Nam với thuế nhập khẩu 0% thì e rằng ngành công nghiệp thép Việt Nam có tồn tại được hay không, sẽ phải quy hoạch lại ngành thép thế nào?
Trả lời băn khoăn này, đại diện Vụ hợp tác quốc tế, Bộ Tài chính cho biết thép thuộc danh mục hàng nhạy cảm cao nên đến năm 2021 vẫn được giữ mức thuế từ 5%-10% tùy mặt hàng khi nhập vào Việt Nam.
Ông Trần Thanh Hải, Cục phó Cục xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương khẳng định ngành thép được nhà nước quan tâm đặc biệt, sẽ có chính sách bảo hộ thép một cách hợp lý, chính đáng và đúng luật chơi để khuyến khích ngành phát triển. Ông Hải cho biết hết 8 tháng Việt Nam nhập khẩu 10 triệu tấn thép, trong đó riêng từ Trung Quốc khoảng 6 triệu tấn. Cạnh tranh với doanh nghiệp Trung Quốc, cách doanh nghiệp phải tìm hiểu các biện pháp phòng vệ thương mại, tự vệ, chống bán phá giá để làm công cụ bảo vệ mình.
Ông Hải cho rằng hiện nhiều doanh nghiệp còn ngại kiện cáo, khiến Việt Nam sử dụng công cụ tự vệ thương mại còn kém. “Chúng ta cố gắng ngắn chặn thép Trung Quốc, đặc biệt là thép xây dựng đội lốt thép hợp kim nhưng có mẫu thuẫn một số doanh nghiệp thành viên của Hiệp hội thép là các doanh nghiệp thương mại vẫn nhập khẩu sản phẩm này, cạnh tranh với doanh nghiệp sản xuất trong nước dẫn đến không đồng nhất”, ông Hải nhấn mạnh.
Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam Hồ Nghĩa Dũng cho biết: “Cả thế giới đang lên án chính sách xuất khẩu thép của Trung Quốc, đặc biệt ngành thép ASEAN không được hưởng lợi gì. Chúng ta cần xây dựng hàng rào kỹ thuật tốt hơn để bảo vệ hàng trong nước chính đáng”
Nguồn tin: Vinanet