Nhiều doanh nghiệp "khóc ròng" khi xu hướng nhập khẩu thép đang tăng trở lại, tới 3,9 tỉ USD trong năm tháng đầu năm. Vì sao lại có nghịch lý này khi Việt Nam có những nhà máy thép hàng đầu khu vực?
Thép nhập khẩu ùn ùn nhập về Việt Nam, trong khi doanh nghiệp trong nước dư hàng, bán ế ẩm - Ảnh: T.L.
Việc nhập khẩu tràn lan có thể khiến ngành thép trong nước đứng trước khó khăn, cắt giảm sản xuất, giảm nhân sự. Nhiều ý kiến cho rằng biện pháp quản lý chưa hợp lý.
Khó ngay trên sân nhà
Tại Việt Nam, các doanh nghiệp như Hòa Phát, Tôn Hoa Sen, Tôn Đông Á... sản xuất đa dạng sản phẩm từ thép xây dựng, thép cuộn cán nóng, cán nguội, tôn mạ... đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu sang Mỹ, châu Âu, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc. Công suất sản xuất ngành thép Việt Nam đang xoay quanh mức 29 - 30 triệu tấn/năm, vượt nhu cầu sử dụng trong nước.
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), năm tháng đầu năm 2023, sản xuất thép thành phẩm của các doanh nghiệp trong hội đạt 11 triệu tấn, giảm 21,8% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, thép Trung Quốc nhập vào Việt Nam vẫn tăng rất mạnh, theo VSA, đạt tới hơn 2,65 triệu tấn, chiếm hơn 52% tổng sản lượng thép nhập khẩu.
Trung Quốc chiếm tới trên một nửa sản lượng thép trên thế giới. Ông Trần Đình Long - chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát - khi phát biểu tại đại hội cổ đông gần đây cho rằng khi Trung Quốc tăng cường xuất khẩu là áp lực lớn với ngành thép trong nước. Thực tế này đã khiến không ít doanh nghiệp ngành thép lâm vào cảnh loay hoay, công nhân "bí" việc.
Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, nhiều doanh nghiệp thép lớn đã phải dừng nhiều lò, hoạt động chỉ khoảng 50% công suất, thậm chí thấp hơn.
Nghịch lý đang diễn ra?
Ông Nghiêm Xuân Đa - chủ tịch VSA - cho rằng thép là ngành công nghiệp xương sống, chất lượng thép tác động đến nhiều ngành kinh tế khác nhau. Tiêu thụ trong nước lao dốc, xuất khẩu khó trong khi sản phẩm nhập khẩu ùn ùn khiến các doanh nghiệp thép lao đao.
Vấn đề là theo quy định của Việt Nam, thép không nằm trong mặt hàng nhóm 2 gây mất an toàn nên không yêu cầu công bố hợp quy, kiểm tra sản phẩm, hàng hóa nhập khẩu. Thép được nhập khẩu đa phần được hưởng mức thuế 0%, trong khi thép Việt Nam xuất khẩu sang nhiều nước phải chịu thuế rất cao.
Ví dụ, thép HRC của các nhà sản xuất Việt Nam bán vào thị trường Thái Lan chịu thuế hơn 42%. Hay thép cán nguội từ Việt Nam (sử dụng nguyên liệu thép cán nóng nhập khẩu từ lãnh thổ Đài Loan và Hàn Quốc) xuất khẩu vào Mỹ bị áp thuế hơn 450%, nhưng cũng sản phẩm này từ Trung Quốc vào Việt Nam chỉ phải chịu thuế chống bán phá giá dao động trong khoảng 4,43 - 25,22%...
Hơn nữa, các biện pháp phòng vệ thương mại như tự vệ phôi thép đã bị dỡ bỏ, các sản phẩm thép khác như tôn mạ, tôn màu, thép cuộn cán nóng (HRC), ống thép, thép dự ứng lực... đều không phải chịu bất kỳ biện pháp phòng vệ thương mại nào.
Một doanh nghiệp lớn trong ngành thép nhấn mạnh thép Việt xuất khẩu sang các nước phải có giấy chứng nhận sản phẩm theo tiêu chuẩn của riêng từng nước khá khắt khe. Trong khi đó, Việt Nam vẫn chấp nhận tiêu chuẩn do doanh nghiệp tự soạn và công bố.
Cần hàng rào kỹ thuật chuẩn quốc tế
Lãnh đạo một doanh nghiệp thép có trụ sở tại quận Phú Nhuận (TP.HCM) cho rằng doanh nghiệp trong nước căng mình chịu trận khó khăn để duy trì sản xuất, giữ chân lao động, trong khi mỗi năm vẫn chi hàng tỉ USD nhập khẩu thép hưởng thuế 0% và không phải chịu bất kỳ biện pháp phòng vệ thương mại nào là một nghịch lý.
Do đó cần thiết lập hàng rào kỹ thuật chất lượng nhằm mục đích kiểm soát tuân thủ chất lượng, điều tiết lượng hàng nhập khẩu. Bởi thực tế nhiều nước đã dựng hàng rào quy chuẩn kỹ thuật khắt khe.
Vị này dẫn chứng như xuất khẩu thép vào Indonesia, các sản phẩm phải được cấp chứng nhận SNI là tiêu chuẩn quốc gia của Indonesia. Hàng loạt tiêu chí như khi cấp SNI cần có người đại diện, công ty ở Indonesia, sau đó tiếp tục xin cấp sử dụng nhãn SNI...
Đồng quan điểm, ông Trần Tuấn Đại - tổng giám đốc Công ty CP công nghiệp Á Mỹ - cho rằng hàng rào kỹ thuật Việt Nam tuy có nhưng rất đơn giản khi chỉ đánh giá sản phẩm mẫu. Cần lập hàng rào kỹ thuật theo chuẩn mực quốc tế để ngăn chặn hàng nhập khẩu kém chất lượng.
Ông Nghiêm Xuân Đa cho rằng cần xây dựng quy trình, thủ tục kiểm tra chất lượng thép nhập khẩu vào Việt Nam. Theo đó, thép nhập khẩu cần phải có giấy chứng nhận tuân thủ tiêu chuẩn chất lượng của Việt Nam.
Cũng nên tăng cường điều tra áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại phù hợp để hạn chế sản phẩm thép cạnh tranh không lành mạnh, bảo vệ ngành sản xuất thép trong nước. Ngoài ra, cần xây dựng và ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thép tôn mạ kim loại và sơn phủ màu...
Thép Việt bán ra giảm gần 20%
Theo nhiều doanh nghiệp, hầu hết các nước đều tập trung đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp thép để tăng sức cạnh tranh. Như Trung Quốc miễn giảm, hoàn thuế với thép hợp kim, thép cuộn... để đẩy mạnh xuất khẩu. Mỹ, EU, Hàn Quốc tăng cường các biện pháp phòng vệ thương mại.
Theo VSA, thép Việt bán ra năm tháng qua chỉ đạt 10,4 triệu tấn, giảm 19,3% so với cùng kỳ năm 2022, dù từ đầu năm đến nay thép trong nước đã có 13 phiên giảm giá.
Nguồn tin: Tuổi trẻ