Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Thép Trung Quốc, thách thức bài toán "chuyển, đẩy"

Thép được coi là biểu tượng “tồi tệ” nhất trong nền kinh tế Trung Quốc: một ngành công nghiệp được nhà nước hỗ trợ đặc biệt, trong khi nợ nần đầm đìa và liên tục bán tháo sản phẩm dư thừa ra thị trường nước ngoài, bóp méo giá cả trên toàn thế giới, triệt hạ những nhà cạnh tranh ngoài Trung Quốc.

Chính vì thế, nhà kinh tế trưởng Brian Jackson tại IHS Markit (Trung Quốc) cho rằng, ngành thép là một dấu hiệu quan trọng để đánh giá những cải cách của Trung Quốc hiện nay.

Hội nghị thượng đỉnh Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và đang nổi hàng đầu thế giới (G20) vừa qua tại Trung Quốc đã lên tiếng kêu gọi cắt giảm sản lượng thép trên toàn cầu. Mặc dù G20 không chỉ đích danh tên Trung Quốc, song quốc gia này hiện chiếm khoảng một nửa tổng sản lượng thép toàn cầu, tăng so với mức tương ứng 1/3 hồi năm 2008.

Vài năm trước, các công ty Trung Quốc từng đẩy mạnh công suất sản xuất thép với hy vọng nhu cầu tiêu thụ tăng. Tuy nhiên, điều này không xảy ra, dẫn đến tình trạng thua lỗ hàng loạt trong ngành công nghiệp thép. Theo số liệu của Wind Information, tổng thua lỗ của các doanh nghiệp thép Trung Quốc đã tăng từ 678 triệu NDT (101,7 triệu USD) năm 2014 lên mức kỷ lục 150 tỷ NDT (22,5 tỷ USD) trong năm 2015.

Hiện tại, Trung Quốc đang nỗ lực giải quyết những tình trạng tồn đọng tại ngành thép theo hai hướng: kiểm soát chặt chẽ sản lượng, tiến hành tái cấu trúc các công ty và khuyến khích các doanh nghiệp thép nội địa dịch chuyển các tài sản bao gồm nhà máy, thiết bị, công nghệ,… ra nước ngoài.

Theo hướng thứ nhất, các nhà quản lý muốn cân bằng giữa việc cắt giảm thua lỗ trong ngành thép, đồng thời duy trì sự ổn định xã hội thông qua tạo việc làm cho người lao động và hoàn thuế cho chính quyền địa phương tại các khu vực sản xuất thép.

Báo chí Trung Quốc gần đây đã khẳng định nỗ lực của nước này trong việc đưa lĩnh vực sản xuất thép hoạt động hiệu quả hơn. Mới đây, hai Tập đoàn thép khổng lồ là Baosteel và Wuhan Iron and Steel Group cho biết, họ đang trong tiến trình đàm phán để cùng tái cấu trúc, có thể hợp nhất về sản lượng giữa nhà sản xuất thép lớn thứ 5 và thứ 11 thế giới này.

“Việc hợp nhất ngành thép, thông qua các vụ sáp nhập những công ty thép lớn, sẽ giúp doanh nghiệp thép cân đối năng suất và cải thiện tính cạnh tranh nói chung trên thị trường”, chuyên gia Zou của Moody’s nhận định. Tuy nhiên, khi triển vọng trong trung hạn vẫn chưa rõ nét, nếu các biện pháp hỗ trợ từ chính phủ kết thúc, giá thép vẫn phải chịu nhiều sức ép trong trung hạn.

Theo hướng thứ hai, từ tháng 11/2015, thông điệp từ Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) và một số bộ ngành khác cho thấy, các doanh nghiệp thép sẽ nhận được sự hỗ trợ mạnh về tài chính để “đi ra bên ngoài”.

“Chúng tôi có những tài sản có thể dịch chuyển ra nước ngoài, tới các khu vực có nhu cầu như Đông Nam Á và Đông Âu, cũng như tới các quốc gia như Indonesia, hay khu vực châu Phi, nơi nhu cầu sử dụng thép lớn trong khi năng lực sản xuất rất thấp”, Deng Qilin, Chủ tịch Wuhan Iron and Steel Group, nhà sản xuất thép lớn thứ tư Trung Quốc cho biết.

Trong quá trình “chuyển, đẩy” ngành thép sang hướng mới, Đông Nam Á trở thành khu vực có ý nghĩa quan trọng của chiến lược thay đổi ngành thép Trung Quốc. Theo số liệu mới nhất của Viện nghiên cứu Thép và quặng sắt Đông Nam Á (SEAISI), trong 6 tháng đầu năm 2016, Trung Quốc xuất khẩu sang ASEAN 19,3 triệu tấn thép, tăng 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Lượng xuất khẩu sang ASEAN chiếm tới 34% tổng lượng thép xuất khẩu của quốc gia này, tăng mạnh so với thị phần chỉ 29% trong năm 2015 và 15% năm 2008.

Một trong những lý do Đông Nam Á trở thành đích ngắm của ngành thép Trung Quốc là bởi lĩnh vực này tại ASEAN vẫn đang trong quá trình tăng trưởng và tự tái cấu trúc. Chỉ một số ít các công ty sản xuất thép tại Indonesia, Malaysia và Việt Nam có đủ điều kiện để xử lý quặng sắt, tạo ra chế phẩm. Theo SEAISI, năng lực sản xuất của các quốc gia thành viên ASEAN mới đáp ứng được 50% nhu cầu tiêu thụ thép nội địa. Đa phần các chuỗi cung cấp sản phẩm nội địa phụ thuộc vào các sản phẩm nhập khẩu.

Điều này khiến các quốc gia ASEAN trở thành thị trường tốt để các doanh nghiệp Trung Quốc dịch chuyển dần các tài sản (thiết bị, công nghệ…) theo đúng chiến lược cải tổ của mình.

Nguồn tin: ĐTCK

ĐỌC THÊM