Tình hình kinh tế sa sút tại Trung Quốc khiến thị trường thế giới bị tràn ngập với thép dư thừa được Trung Quốc bán ra rất rẻ. Trong khi các nước phản ứng với chuyện này thì Bắc Kinh vẫn chưa thể cải các ngành thép rất kém hiệu năng của họ. Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu bài toán đó của Trung Quốc và của thế giới qua phần phân tích của chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa.
Thanh Trúc: Xin kính chào ông Nghĩa. Thưa ông, tại phiên họp kỳ ba của Quốc hội khóa 12, Thủ tướng Trung Quốc thông báo chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế cho năm nay sẽ là 7%, mức thấp nhất từ hơn một chục năm nay. Nhưng tình trạng sa sút đó lại sớm gây hậu quả là thép ế ẩm của Bắc Kinh tràn ngập các thị trường thế giới làm nhiều quốc gia Âu-Mỹ-Nhật đang tìm cách đối phó. Xin đề nghị ông trình bày cho thính giả của chúng ta nội dung của vụ Thép Trung Quốc.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi xin khởi sự với bối cảnh kinh tế của Trung Quốc, sau đó mới nói về ngành thép và phân tích hậu quả lâu dài cho các nước.
- Thứ nhất, khai mạc phiên họp của Quốc hội hôm Thứ Năm tuần trước, Tổng lý Quốc vụ viện là Thủ tướng Lý Khắc Cường thông báo chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế năm nay chỉ là 7% so với 7,5% của năm ngoái. Sau 11 ngày họp hành, tại cuộc họp báo, ông ta nói nước đôi, rằng khó đạt chỉ tiêu này, nhưng Bắc Kinh vẫn còn nhiều khí cụ đối phó trong tay. Sau đó thì tùy quan điểm mà báo chí loan tải lại chuyện này. Nơi thì nhấn mạnh đến đà tăng trưởng thấp nhất từ nhiều năm, nơi lại cho là lãnh đạo xứ này vẫn còn khả năng đối phó.
- Thế rồi, khi thiên hạ còn bán tín bán nghi về khả năng thật của Trung Quốc thì tin tức cho thấy lượng thép Trung Quốc đã tràn ngập thị trường quốc tế làm các nước chuẩn bị thủ tục khiếu nại về nạn bán tháo và gây thiệt hại cho ngành thép của họ. Giữa bối cảnh ấy, ta mới nhắc lại là từ ba bốn năm nay, Bắc Kinh đã tìm cách cải thiện ngành thép của họ mà không xong, và điều ấy cũng cho thấy tính chất viển vông của kế hoạch "Made in China 2025" mà Bắc Kinh vừa thông báo tuần trước. Chúng ta sẽ lần lượt đi vào từng điểm của hồ sơ này.
Thanh Trúc: Nếu vậy, thưa ông, ta sẽ khởi sự với đà tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Từ đã lâu, lãnh đạo Bắc Kinh vẫn cho là kinh tế phải tăng trưởng ít ra 8% một năm thì xã hội mới khỏi bị loạn vì thất nghiệp. Rốt cuộc thì mức gia tăng sản xuất của họ cứ giảm từng năm so với chỉ tiêu đã được hạ thấp. Một ngày trước khi Thủ tướng Trung Quốc thông báo chỉ tiêu 7% thì thống kê của họ cho thấy sự sa sút trong hai tháng đầu năm, rồi Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF điều chỉnh lại dự báo là mức tăng trưởng năm nay chỉ còn là 6,8%. Sự thật có lẽ còn bi đát hơn và Bắc Kinh không có nhiều cách dối phó đâu. Nhân đây cũng phải nói rằng ta nên dè chừng cách tường thuật của truyền thông hay học giả vì còn một số người vẫn cứ nói về phần lạc quan tích cực của Trung Quốc, dù là ngày một ít hơn.
Khi kinh tế suy trầm và tiêu thụ giảm vì sự sa sút của khu vực gia cư, xây cất hạ tầng và cả sự suy sụp ngân sách chính quyền địa phương thì sản lượng lại không giảm theo mức tương ứng nên xứ này bị nạn dư thừa thép. Vì vậy họ mới bán tháo ra ngoài làm thế giới bị ngộp vì thép
Nguyễn-Xuân Nghĩa
Thanh Trúc: Bây giờ ta bước qua chuyện thép Trung Quốc đang tràn ngập thị trường thế giới. Thưa ông, sự thể là như thế nào?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Trung Quốc là quốc gia tiêu thụ và sản xuất thép nhiều nhất thế giới, với sản lượng chung là khoảng 800 triệu tấn một năm, bằng tất cả các nước khác gộp lại. Thế rồi, khi kinh tế suy trầm và tiêu thụ giảm vì sự sa sút của khu vực gia cư, xây cất hạ tầng và cả sự suy sụp ngân sách chính quyền địa phương thì sản lượng lại không giảm theo mức tương ứng nên xứ này bị nạn dư thừa thép. Vì vậy họ mới bán tháo ra ngoài làm thế giới bị ngộp vì thép.
- Một cách cụ thể thì năm nay sản lượng thép Trung Quốc có thể giảm 1% sau khi tăng 7,5% vào năm kia và 0,9% vào năm ngoái. Hai khu vực tiêu thụ đến gần 60% của sản lượng đó là gia cư và xây dựng đều suy sụp, mà yêu cầu của các ngành sản xuất thiết bị, xe hơi hay đồ gia dụng như máy giặt máy xấy vẫn khó thu hút được lượng thép ế này. Tình hình sẽ còn bi đát như vậy khá lâu và thế giới sẽ gặp vấn đề này trong nhiều năm tới.
Thanh Trúc: Vấn đề ấy là như thế nào thưa ông và các nước đã phản ứng ra sao?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tháng Giêng vừa qua, mức xuất khẩu thép của Trung Quốc tăng hơn 60% so với tình hình một năm trước và tăng 59% so với năm 2013. Năm nay, họ có thể bán ra hơn 80 triệu tấn và hàng loạt quốc gia như Âu Châu, Hoa Kỳ, Ấn Độ, Nam Hàn và cả Nhật Bản đều bị ảnh hưởng. Thép của Trung Quốc là loại hạ đẳng có phẩm chất kém mà vẫn có thể giành được một phần thị trường khá cao nhờ bán rẻ và gây thiệt hại cho nhà sản xuất, kể cả các hãng thép của Mỹ khi lượng thép Tầu tăng đến 40%. Họ bắt đầu sa thải nhân công vì lẽ đó.
- Trước làn sóng bất lợi ấy, nhiều quốc gia nghiên cứu phí tổn sản xuất và giá bán để lập hồ sơ khiếu nại lên Tổ chức Thương mại Thế giới WTO. Trong tháng này, ngành thép Mỹ sẽ điều trần trước Quốc hội. Song song, Liên Âu đang điều tra sáu trường hợp vi phạm và có thể đề nghị giá biểu trừng phạt vì cạnh tranh bất chính, Úc thì có khoảng 12 hồ sơ. Cuối năm ngoái, hai tập đoàn thép Nam Hàn đệ nạp chính phủ đề nghị nâng mức thuế quan từ 18% lên 33% để ngăn thép quá rẻ của Trung Quốc. Nói chung, tình hình kinh tế sa sút khiến thể giới đều thừa nguyên nhiên vật liệu làm giá bán sút giảm, nhưng Trung Quốc bán ra lại còn rẻ hơn nên mới gây vấn đề.
Thanh Trúc: Hồi nãy ông nói rằng từ ba bốn năm nay, Bắc Kinh đã muốn cải thiện ngành thép mà không thành công. Phải chăng vì vậy mà họ không tiết giảm được số cung theo mức giảm sút của số cầu nội địa? Mà tại sao họ không thành công?
Năm 2012, Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Bắc Kinh đã đặt tiêu chuẩn cao hơn về phẩm chất của thép nội địa và Quốc vụ viện là Hội đồng Chính phủ cũng nêu đòi tiết giảm sản lượng khi kinh tế đã có dấu hiệu suy trầm và số cầu về thép sẽ giảm. Vậy mà chuyện đó không thành nên ngày nay mới có nạn thép ế đem bán rẻ
Nguyễn-Xuân Nghĩa
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi nghĩ là có hai chuyện đáng chú ý trong hệ thống sản xuất thép của Trung Quốc. Một là hiệu năng sản xuất, hai là chính sách của nhà nước.
- Thứ nhất, xứ này có tới năm ngàn lò sản xuất có hiệu năng thấp, gây ô nhiễm cao và khó phối hợp với nhau về sản lượng. Giữa năm 2012, Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Bắc Kinh đã đặt tiêu chuẩn cao hơn về phẩm chất của thép nội địa và Quốc vụ viện là Hội đồng Chính phủ cũng nêu đòi tiết giảm sản lượng khi kinh tế đã có dấu hiệu suy trầm và số cầu về thép sẽ giảm. Vậy mà chuyện đó không thành nên ngày nay mới có nạn thép ế đem bán rẻ.
- Lý do không thành là vì từng địa phương đều có nhu cầu duy trì các cơ sở sản xuất ấy để tạo ra công ăn việc làm hầu tránh động loạn. Điều ấy cũng cho thấy khả năng điều hợp rất kém của Trung ương. Hậu quả của tình trạng này là hiệu năng sản xuất kém còn khiến giá nguyên liệu cho ngành thép lại tăng dù số cầu lại giảm nặng và doanh nghiệp sản xuất bị lỗ, các tỉnh thì mắc nợ nhiều hơn để duy trì hệ thống lạc hậu đó.
Thanh Trúc: Xin hỏi ông ngay một câu là khi đó Chính quyền Trung ương tại Bắc Kinh cũng có chỉ thị cải cách để củng cố ngành thép và tiết giảm sản lượng mà vì sao lại không thành công?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Một là vì Trung ương chẳng bảo ai được và việc sát nhập các cơ sở manh mún lạc hậu đã chẳng được chấp hành từ năm 2012. Hai là vì khi ấy, chính Trung ương cũng sợ là kinh tế sa sút sẽ gây vấn đề xã hội và chính trị nên lại đảo ngược quyết định, đó là cho phép lập ra nhiều đơn vị mới, với công xuất là triệu tấn một năm. Các tỉnh bèn ào ạt lập nhà máy mới với công nghệ lạc hậu và chỉ gây thêm ô nhiễm với một lượng thép tồi và ế. Ngày nay, thế giới đang bị ngộp với loại thép này nhất là khi đồng bạc Trung Quốc lại mất giá so với nhiều ngoại tệ khác nên có sức cạnh tranh cao hơn. Vi thế họ mới đang gây ra làn sóng phản đối.
Thanh Trúc: Ông nói đến hai vấn đề của kỹ nghệ thép Trung Quốc là hiệu năng và chính sách. Về hiệu năng thì mình đã thấy. Còn về chính sách thì có gì đáng chú ý?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Là nước đi sau, Trung Quốc cũng muốn có chính sách công nghiệp hóa và Bắc Kinh thì chú ý đến việc nâng cao khả năng cạnh tranh của các ngành họ coi là chiến lược. Về ngành thép thì Trung Quốc phải chế tạo phép từ nguyên liệu chính là quặng sắt. Vì có sản lượng thép cao nhất thế giới, họ rất cần đến quặng sắt hay "thiết khoáng" với giá rẻ.
- Quặng sắt của Trung Quốc có đặc tính là phẩm chất thì tồi mà giá quá cao, và trữ lượng tại các tỉnh bên trong lại ở quá xa các nhà máy tại vùng duyên hải vì vậy họ tìm quặng sắt ở bên ngoài. Trên thế giới, hai phần ba trữ lượng quặng sắt lại nằm tại bốn quốc gia là Nga, Úc, Nam Phi và Brazil, mà việc cung cấp nằm trong tay bốn tập đoàn lớn nhất là Compagna Vale do Rio Doce, Rio Tinto, BHP Billiton và Fortescue Metals Group. Với cái thế là nơi tiêu thụ số một, Bắc Kinh tìm cách hợp tác, chi phối và thậm chí bắt bí các tập đoàn ấy tới độ ào ạt bán quặng sắt ra ngoài để làm giảm giá trên thị trường quốc tế. Song song, họ cũng đầu tư vào các nước có quặng sắt tại Phi Châu, hay tại Chile và Việt Nam.
Bắc Kinh sẽ nói rõ về kế hoạch gọi là "Made in China 2025" nhằm yểm trợ và củng cố các tập đoàn kinh tế nhà nước với cái thế cạnh tranh mạnh hơn và tập trung hơn. Qua thất bại của họ khi muốn củng cố và sát nhập kỹ nghệ thép và qua việc bán thép ra ngoài với giá rẻ và thường thì bị lỗ
Nguyễn-Xuân Nghĩa
- Chuyện mỉa mai là các tập đoàn quốc tế đó đều có trình độ kỹ thuật cao và không ngừng cải tiến nên làm giảm giá thành, từ vài trăm bạc nay chỉ còn 60 đô la một tấn khi kinh tế các nước còn bị suy trầm nên giá nguyên liệu đều giảm. Vì vậy các cơ sở đầu tư của Trung Quốc ở nước ngoài mới chết vì cạnh tranh không nổi. Các dự án bauxite của Việt Nam đang chết vì lý do đó.
Thanh Trúc: Nói tiếp về chính sách thì chúng ta thấy Bắc Kinh có chủ ý nâng đỡ kỹ nghệ nội địa và gia tăng sức cạnh tranh của các tập đoàn kinh tế nhà nước trên trường quốc tế. Thưa ông, riêng trong lĩnh vực sắt thép này thì tình hình xoay chuyển ra sao?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tôi xin được nêu hai trường hợp cụ thể để thính giả của chúng ta thấy ra đòn phép của Bắc Kinh rồi mình mới nói về kết quả cho sau này.
- Năm 2009, Bắc Kinh làm áp lực với tập đoàn Rio Tinto và gây mâu thuẫn với Chính quyền Úc khi truy tố một doanh gia Úc gốc Hoa làm việc cho Rio Tinto tại Trung Quốc về tội gián điệp và hối lộ chỉ vì ông này nghiên cứu về thị trường sắt thép Trung Quốc, Chương trình chuyên đề của chúng ta có phân tích chuyện ấy từ sáu năm trước. Chuyện thứ hai là đầu năm 2012, Bắc Kinh cấm các tầu chở hàng loại lớn được bốc rỡ quặng sắt tại các bến cảng của mình, để ngăn chặn thương thuyền lớn của tập đoàn Vale của Brazil. Quyết định ấy nhằm vào hai việc là 1) bảo vệ chu trình cung cấp nguyên liệu cho các doanh nghiệp sắt thép nội địa và 2) tạo cơ hội kinh doanh cho ngành hàng hải và đóng tầu của họ.
- Cuối cùng, trong tháng này, Bắc Kinh sẽ nói rõ về kế hoạch gọi là "Made in China 2025" nhằm yểm trợ và củng cố các tập đoàn kinh tế nhà nước với cái thế cạnh tranh mạnh hơn và tập trung hơn. Qua thất bại của họ khi muốn củng cố và sát nhập kỹ nghệ thép và qua việc bán thép ra ngoài với giá rẻ và thường thì bị lỗ, người ta đã thấy trước những khó khăn của Bắc Kinh trong một kế hoạch đầy tính chất duy ý chí!
Thanh Trúc: Xin cám ơn ông Nghĩa về bài phân tích rất đa diện vừa qua.
Nguồn tin: HNS