Tiếp tục phải đối mặt với khó khăn trong tiêu thụ và chịu sức ép của thép nhập khẩu (NK), đã có thêm doanh nghiệp (DN) trong ngành thép không thể trụ vững, phải ngừng hoạt động và sản xuất cầm chừng.
Ông Nguyễn Tiến Nghi - Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), cho biết như vậy khi chia sẻ về tình hình khó khăn của DN thép trong các tháng đầu năm.
Ông đánh giá thế nào về tình hình sản xuất, kinh doanh của các DN thép trong các tháng đầu năm?
Kết thúc năm 2012, chúng tôi đã có nhận định tình hình sản xuất và tiêu thụ thép sẽ còn gặp nhiều khó khăn. Thực tiễn diễn ra trong 2 tháng đầu năm và đầu tháng 3 đúng là như vậy. Tháng 1 là tháng giáp Tết, lượng tiêu thụ thép xây dựng khá hơn, được 403.000 tấn và mức tồn kho là gần 300.000 tấn. Bước sang tháng 2 với gần 9 ngày nghỉ Tết, lại là tháng chỉ có 28 ngày, nên thời gian làm việc ít hơn. Do đó, tiêu thụ thép trong tháng này được rất ít, chỉ đạt 252.000 tấn, thấp hơn tháng 1 gần 38% và tồn kho cũng ở mức 300.000 tấn. Chúng tôi dự báo khả năng tháng 3 có thể tốt hơn tháng 2 nhưng cũng không bằng được tháng 1, với mức tăng lên thêm khoảng 100.000 tấn, tức là khoảng 350.000 tấn. Nếu như 3 tháng diễn ra như vậy thì lượng thép tiêu thụ trong quý I thấp so với các năm trước.
Trong bối cảnh tiêu thụ khó khăn, các DN trong ngành lại có thêm nhiều áp lực khi giá nguyên liệu đầu vào là phôi thép, thép phế tăng. Trong khi đó, giá nhiên liệu tác động lớn đến giá thành sản xuất, như: xăng dầu, điện tăng. Tuy nhiên, giá bán thép ra thị trường lại không tăng theo và sự cạnh tranh giữa các DN với nhau khá quyết liệt, bởi thị trường luôn luôn ở trong tình trạng cung lớn hơn cầu. Sức ép này càng nặng nề đối với DN nhỏ, là những DN chưa có thương hiệu và có khả năng cạnh tranh thấp, nên hết sức khó khăn.
Ông Nguyễn Tiến Nghi - Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép VN |
Trong tháng 2 vừa rồi, đã có 4 DN đã phải dừng sản xuất, mà nguyên nhân chính là không tiêu thụ được sản phẩm. Chưa kể một số DN khác sản xuất cầm chừng, hạn chế sản xuất vì chắc chắn làm ra sẽ không tiêu thụ được. Hiện lượng tồn kho 2 tháng đầu năm ở trong khoảng 300.000 tấn, là mức cao, nên chắc chắn các DN sẽ không dám để mức này cao hơn nữa. Thực tế hiện nay, hầu hết DN sản xuất - kinh doanh đều dựa vào vốn vay ngân hàng, nên nếu không tiêu thụ được, chắc chắn sẽ phải điều tiết hoạt động. Với mức đầu vào tăng cao nhưng đầu ra tăng không tương ứng, nhiều DN thép hiện đang lỗ.
Tình hình có vẻ như đang bi quan hơn so với năm 2012. Thế nhưng thực tế thì các sản phẩm thép NK vẫn ồ ạt vào Việt Nam. Điều này liệu có đáng lo ngại?
Chúng ta vẫn cần NK những sản phẩm cần thiết mà trong nước chưa sản xuất được. Ví dụ như thép cán tấm nóng phải nhập với 3 triệu tấn/năm với trị giá 3 tỷ USD. Các loại thép đặc biệt, như: thép hợp kim, thép chế tạo hoặc nguyên liệu cho sản xuất, như: thép phế, phải nhập tới 70 - 80% theo nhu cầu thị trường.
Tuy nhiên, điều đáng nói là có những sản phẩm mà trong nước sản xuất đang dư thừa vẫn được NK. Hiện lượng thép xây dựng được gắn "mác" là thép hợp kim được nhập vào Việt Nam để trốn thuế (từ 5 - 10% xuống còn 0%) vẫn đang tiếp tục diễn ra. Trong khi đó, thép xây dựng trong nước vẫn sản xuất được và hiện đang dư thừa, nên nếu loại thép xây dựng gắn mác hợp kim trên mà vẫn tiếp tục được NK thì là vô lý, sẽ ảnh hưởng đến thị trường, chiếm thị phần trong nước.
Vậy ông có thể nói rõ những tác động đối với DN thép là gì?
Việc NK sẽ làm giảm thị phần của các DN trong nước đối với sản phẩm này. Vì hiện loại thép này được nhập chủ yếu là thép dạng dây, mà loại này ở Việt Nam vốn chiếm cơ cấu từ 20 - 25% thị phần. Thế nhưng, đến khi loại này được NK mạnh, thị phần đã giảm xuống chỉ còn dưới 20%. Điều đó có nghĩa thép của nước ngoài đã chiếm mất thị phần, thị trường và buộc DN trong nước, do không thể cạnh tranh được với mức giá ấy, đã phải giảm sản lượng, hoặc chuyển sang sản xuất mặt hàng khác, và không sản xuất mặt hàng ấy nữa.
Được biết là từ năm ngoái, VSA đã có những động thái và kiến nghị để tháo gỡ vấn đề này. Vậy tại sao đến nay thép nhập theo hình thức gian lận thương mại để trốn thuế vẫn tiếp diễn?
Lượng thép ngoại được NK chủ yếu là từ Trung Quốc. Việc gian lận thương mại này không riêng gì ở Việt Nam, mà các nước Đông Nam Á cũng phải đối mặt. Do đó, chúng tôi đã phối hợp với hiệp hội thép ở các nước để có những đối thoại với Hiệp hội Thép Trung Quốc để có trách nhiệm can thiệp và xử lý. Năm nay cũng sẽ tiếp tục có đối thoại, nhưng làm ở mức tích cực hơn là đề nghị với Tổng thư ký ASEAN, với tính chất Nhà nước đề nghị, chứ không phải chỉ là các Hiệp hội, để có tác động đúng mức nhằm tạo ra môi trường thương mại phát triển lành mạnh.
Ngoài ra, VSA cũng đề nghị với hải quan là các DN khi nhập thép về thì phải đề nghị họ khai báo đúng mác NK. Chúng tôi đã cung cấp một số mác thép hợp kim của Trung Quốc để yêu cầu, nhập mác nào thì phải cung cấp rõ, chứ không thể nói chung chung như hiện nay. Khi kê khai đúng, việc kiểm soát gian lận mới được đảm bảo. Đồng thời, VSA cũng yêu cầu hải quan có chương trình hậu kiểm, tức là kiểm tra xem thép khi nhập về thì sử dụng vào việc gì, đi theo đường nào, hướng nào.
Tuy nhiên, phải nhận thấy rằng đây là vấn đề rất khó khăn và không thể làm trong "một sớm một chiều". Thực chất của việc này là gian lận thương mại để trốn thuế, chuyển từ thép xây dựng sang hợp kim do lợi dụng quy chuẩn thép của thế giới. Tức là với quy định, thép có chứa nguyên tố Bo theo tỷ lệ sẽ là thép hợp kim, nên sẽ rất khó để có thể thay đổi quy định ngay trong thời gian ngắn. Hiện chúng tôi đang phối hợp với Hiệp hội Thép Đông Nam Á để đưa ra quy chuẩn phù hợp và có tính pháp lý.
Nguồn tin: NDHMoney