Trong cuộc cạnh tranh đầy gay gắt với thép Trung Quốc, các công ty thép của Việt Nam sẽ phải chọn hướng đi nào để không bị ngã quỵ?
Chưa năm nào trong lịch sử của mình, Thép Tiến Lên, một trong những “anh cả” ngành thép ra đời ngay sau cột mốc Đổi Mới (1986), lại lâm vào tình trạng lỗ lã như trong năm 2015 (lỗ 169 tỉ đồng). Công ty này hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và phân phối thép, với quy mô doanh thu khoảng 3.600 tỉ đồng (năm 2015). Sản xuất và phân phối thép là 2 lĩnh vực quan trọng bên cạnh lĩnh vực phôi thép (nguyên liệu cho thép). Cả 3 lĩnh vực này hợp thành ngành thép, đóng vai trò quan trọng và được ví như “bánh mì” của nền công nghiệp.
Trong văn bản điều trần với nhà quản lý chứng khoán về tình trạng thua lỗ, Thép Tiến Lên đã nhấn mạnh rằng, họ bị ảnh hưởng nặng nề bởi sự sụt giảm giá thép trên thế giới (cả nguyên liệu phôi thép dùng cho sản xuất lẫn thép thành phẩm phục vụ cho phân phối). Điều này được lý giải là do nguồn cung dư thừa trong cuộc chạy đua những năm trước đó, trong khi các thị trường hấp thụ lớn nguồn thép, đơn cử như Trung Quốc, tăng trưởng chậm lại. Do vậy, các doanh nghiệp sản xuất thép đành phải giảm giá bán dưới giá thành để có thể “sống sót qua ngày”.
Ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch Thép Tiến Lên, cũng đã chia sẻ với NCĐT rằng ông không nghĩ giá nguyên liệu phôi thép xuống thấp đến thế (chỉ còn 265 USD/tấn) năm 2015, trong khi ở những giai đoạn trước đó, giá có thể lên đến cả ngàn USD. “Cú trượt chân” gây lỗ của Thép Tiến Lên cũng đến từ đây khi họ “bỗng chốc” bị tồn hàng trăm ngàn tấn thép cán nóng với mức giá quá thấp khó có thể bán có lời: 285 USD/tấn.
Câu chuyện tưởng sẽ chuyển biến theo chiều hướng khó cứu vãn thì giá thép nói chung của thế giới và Việt Nam lại tăng mạnh trở lại trong những tháng đầu năm 2016 (do tình hình kinh tế Trung Quốc tốt hơn, thị trường bất động sản Việt Nam khởi sắc, cung cầu tái lập cân bằng).
Những tháng đầu năm 2016, giá phôi thép thế giới từ đáy 265 USD/tấn đã tăng đến khoảng 400 USD/tấn, còn giá thép Việt Nam tăng phi mã đến xấp xỉ 50%. Như vậy, nếu tính sơ bộ, Thép Tiến Lên tự nhiên chuyển bại thành thắng khi lượng hàng “đắp chiếu” năm vừa qua của họ lại được lời 120 USD/tấn, tính chung sẽ lời khoảng 36 triệu USD (tương đương 800 tỉ đồng). Có thể thấy, các công ty ngành thép dường như cũng hên xui may rủi như khi chơi một canh bạc.
Bàn cân phôi thép với Trung Quốc
Câu chuyện ngành thép nóng nhất có liên quan đến nguồn thép từ Trung Quốc. Cũng cần nhắc lại là tại Việt Nam, ngành thép (gồm thép và tôn mạ) được chia thành 3 mô hình: luyện thép tạo phôi (nguyên liệu), sản xuất thép và phân phối thép. Còn Trung Quốc vừa là thị trường xuất khẩu phôi lớn nhất, vừa là thị trường nhập khẩu thành phẩm thép lớn thứ 2, sau Mỹ. Và vòng lẩn quẩn phát sinh từ đây.
Với vai trò là nhà xuất khẩu phôi vào Việt Nam, Trung Quốc có lợi thế giá phôi rẻ hơn, do doanh nghiệp phôi thép Trung Quốc được chính phủ nước này ưu đãi mạnh về thuế suất bên cạnh lợi thế về quy mô sản xuất. Điều này dẫn đến những quan ngại về năng lực cạnh tranh, thậm chí là tín hiệu cầu cứu nhà chức trách khá ồn ào gần đây của các doanh nghiệp thép lớn Việt Nam như Tập đoàn Hòa Phát, Thép Việt Ý, Thép Thái Nguyên và Thép Miền Nam (thuộc VNSteel). Kết quả là Việt Nam đã dựng tạm thời hàng rào “bảo vệ” 200 ngày với mức thuế 23,3% áp cho phôi thép và 14,2% cho thép dài Trung Quốc. Hàng rào “bảo vệ” này là cần thiết, khi các doanh nghiệp sản xuất phôi thép Việt Nam như Thép Việt Ý, Thép Thái Nguyên, Thép Pomina đều tổn thất lớn về lợi nhuận trong 3 năm vừa qua, nhưng hệ lụy không phải là không có.
Trước hết, điều này có thể phát sinh tình trạng “găm hàng đầu cơ” tăng giá (đã có dấu hiệu trên thị trường) và chính người tiêu dùng Việt Nam sẽ chịu một mức giá cao. Công ty Chứng khoán Bảo Việt cũng cho rằng các công ty mang 2 mô hình (vừa luyện phôi thép cán nóng, vừa sản xuất) sẽ được lợi. Những công ty thuộc nhóm này, theo quan sát, gồm Tập đoàn Hòa Phát, Thép Việt Ý, Thép Pomina và một số công ty gang thép thuộc VNSteel. Trong khi đó, có rất nhiều công ty chỉ sản xuất và phân phối thép lại không được hưởng lợi từ chính sách này, kể cả các công ty thuộc nhóm tôn, mạ như Tôn Đông Á, Tôn Hoa Sen, Thép Nam Kim. Đó là chưa kể khi giá phôi tăng do tình trạng đầu cơ sẽ kéo theo giá sản phẩm tăng, ảnh hưởng đến thế mạnh xuất khẩu giá tốt bấy lâu của các doanh nghiệp sản xuất thép Việt Nam.
Rõ ràng, chính sách phòng vệ là để duy trì sự toàn vẹn của chuỗi 3 mô hình ngành thép (tạo phôi, sản xuất, phân phối) nhưng những hệ lụy “mất cân bằng” đã bắt đầu lộ diện. Vấn đề đặt ra là sau 200 ngày phòng vệ với “ông láng giềng khổng lồ”, ngành thép Việt Nam sẽ lại đứng trước câu hỏi “đi về đâu” và rằng, Việt Nam có đủ mạnh để duy trì 3 mô hình trong một ngành ngày càng nhiều áp lực hay không?! NCĐT đã tìm hiểu xuyên suốt câu chuyện này từ nhiều người trong cuộc sau đây.
Luyện phôi, sản xuất hay phân phối?
Đầu tiên, hãy quan sát mô hình phôi thép. Đối với mô hình luyện phôi, Việt Nam làm được, nhưng giá thành lại cao hơn nhiều so với phôi nhập khẩu từ Trung Quốc.
Điều này xuất phát từ chính sách ưu đãi của Trung Quốc dành cho ngành thép, với tham vọng duy trì vị trí “công xưởng thế giới”. Xét ở quy mô doanh nghiệp, các doanh nghiệp phôi thép Trung Quốc cũng triển khai những ứng dụng công nghệ cao bằng hồ quang trong luyện thép tạo phôi với quy mô lớn. Ngược lại, về phía doanh nghiệp Việt Nam, chính sách chưa khuyến khích, công nghệ luyện bằng điện, quy mô nhỏ, diện tích nhà máy thì hạn chế. Kết quả theo tìm hiểu, giá thành phôi thép do Việt Nam sản xuất cao hơn khoảng 20-40% so với Trung Quốc. Điều này đặt ra 2 kịch bản.
Thứ nhất, theo bản chất kinh doanh, dù yêu nước cỡ mấy, các doanh nghiệp sản xuất thép Việt Nam vẫn dễ “ưu tiên” mua phôi nhập từ Trung Quốc. Khi giá phôi thấp, các doanh nghiệp sản xuất sẽ tạo được lợi thế thành phẩm phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu. Nhưng kịch bản thứ 2 là nếu chúng ta bảo hộ ngành phôi thép, chống phụ thuộc phôi Trung Quốc thì doanh nghiệp sản xuất liệu có còn lợi thế xuất khẩu về giá thành phẩm và toàn cầu hóa hay không? Hay nói khác đi là sẽ có hiện tượng các doanh nghiệp Việt “tự dìm nhau” về giá phôi.
Trong một lần trả lời báo giới gần đây, ông chủ của Công ty Ống thép Việt Đức cho biết, việc mua phôi của các doanh nghiệp Việt Nam là rất khó khăn bởi số lượng làm ra có hạn và thời gian đặt hàng lâu (các doanh nghiệp làm phôi nội địa thường chỉ đủ sản lượng cho sản xuất thép của chính công ty họ), nên chuyện doanh nghiệp của vị này phải mua phôi nguyên liệu giá thấp hơn từ nước ngoài là đương nhiên.
Một số doanh nghiệp thép khi NCĐT phỏng vấn cho biết, họ nghĩ rằng, lĩnh vực phôi thép Việt Nam phải chọn cuộc chơi bài bản và đào thải những cái cũ nếu vẫn muốn duy trì. Vấn đề không phải là số lượng doanh nghiệp phôi thép, mà là doanh nghiệp nào sẽ có thể đại diện về năng lực cạnh tranh và dĩ nhiên, chịu sự quản lý chặt chẽ từ nhà chức trách về “bình ổn giá”. Ngoài ra, ngành luyện phôi thép còn rất dễ gây ô nhiễm nặng, mà ngay cả các nhà chức trách của Trung Quốc cũng lưu tâm.
Thay vào đó, không ít doanh nghiệp cho rằng, ngành thép Việt Nam nên tiến công mạnh mẽ hơn trong mô hình thứ 2 là sản xuất phục vụ trong nước và gia công xuất khẩu để tối đa hóa lợi nhuận.
Trong thống kê của Công ty Chứng khoán Thiên Việt (TVS) với 24 công ty thép, tôn mạ trên thị trường chứng khoán Việt Nam qua 3 năm (2013-2015) thì những công ty bền vững về doanh thu và lợi nhuận (luôn dương) đều là các công ty mạnh về sản xuất như Tập đoàn Hòa Phát, Tập đoàn Hoa Sen, Thép Nam Kim, Thép Thủ Đức, Thép Biên Hòa, Ống thép Việt Đức, trong khi các công ty có yếu tố phôi đều chịu những giai đoạn lỗ lã như Thép Việt Ý, Gang thép Thái Nguyên, Thép Pomina (xem bảng thống kê doanh thu và lợi nhuận các công ty thép giai đoạn 2013-2015).
Nhưng ngay cả ở lĩnh vực sản xuất, năng lực của các công ty thép Việt Nam cũng hạn chế. Phần lớn sản phẩm làm ra phục vụ thị trường trong nước, số còn lại xuất khẩu loay hoay ở các thị trường lân cận trong châu Á, ít khi vào được các thị trường Mỹ, châu Âu bởi những hạn chế về chất lượng. Năm 2015-2016 ghi nhận các nỗ lực xuất khẩu của Tôn Đông Á, Hoa Sen vào thị trường Mỹ. Bên cạnh đó, bất kỳ khi vào thị trường nào, đối thủ của các công ty sản xuất thép Việt vẫn là Trung Quốc.
Có thể thấy, thị trường Mỹ là thị trường “đáng ước mơ” của các doanh nghiệp thép Việt, nhưng chỉ khi Mỹ dựng rào chắn chống phá giá thép từ Trung Quốc thì thép Việt Nam mới có cơ hội vào. Ngay cả những thị trường xuất khẩu khác trong Đông Nam Á, nếu thép Việt Nam bán phá giá, ảnh hưởng đến doanh nghiệp nước sở tại cũng sẽ nhanh chóng bị áp thuế tự vệ, như cách mà Việt Nam áp thuế phôi thép với Trung Quốc.
Như vậy, câu chuyện hiện tại vẫn là doanh nghiệp sản xuất nên theo đuổi mô hình gia công để bảo toàn lợi nhuận. Một chủ doanh nghiệp sản xuất thép lớn (không muốn nêu tên) cho rằng, ngành này đầu tư rất nhiều tiền, nhưng chỉ một thành phẩm không xuất được là thành đồ phế thải. Và công ty của ông chủ trương làm gia công một số chi tiết thành phẩm như là chiến lược chính. Tuy nhiên, trong thời gian tới, công ty của ông sẽ thử liên doanh với nhà sản xuất quốc tế để tạo ra các thành phẩm thật sự cao cấp, như một cách “đứng trên vai người khổng lồ”, để xuất khẩu vào các thị trường khó hơn.
Trong khi đó, mô hình thứ 3 là phân phối thép đang trở thành xu thế mới trong ngành này, do không quá phức tạp về kỹ thuật và có lợi nhuận biên tốt. Hiện nay, quy mô lớn nhất trong phân phối thép công nghiệp là Thép Tiến Lên và gần đây có thêm Công ty SMC (từ sản xuất thép mở rộng sang phân phối thép), phân phối đủ các loại thép Trung Quốc, Nhật, Hàn Quốc. Tuy nhiên, đây là lĩnh vực cần có mối quan hệ lâu dài với bạn hàng, có thể gặp rủi ro nếu không dự đoán được biến động thường xuyên giá thép thế giới.
Chuyện SMC thua lỗ nặng khi mở rộng từ sản xuất sang phân phối trong năm 2015 là bài học điển hình cho những ai muốn tham gia sân chơi này (lỗ 195 tỉ đồng trong khi 2 năm trước đó lãi lần lượt 19 tỉ đồng và 26 tỉ đồng). Ông chủ Thép Tiến Lên cho rằng, lĩnh vực này mang lại cho họ sự phát triển ổn định hơn 30 năm với mức lợi nhuận kỳ vọng, nhưng giờ đây, ông dự báo sẽ có một làn sóng các doanh nghiệp thép mở rộng thêm thương mại bên cạnh sản xuất trước tình trạng cạnh tranh khốc liệt của Trung Quốc trong lĩnh vực phôi và thành phẩm thép.
Cho đến hiện tại, bài toán đau đầu của ngành thép là có nên tiếp tục chuyên tâm vào sản xuất hay chỉ nên làm phân phối, trước một đối thủ sản xuất láng giềng quá mạnh là Trung Quốc.
Nguồn tin: NCĐT