Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Thép Việt dồn dập bị kiện

Trong cùng 1 ngày, đinh thép, ống thép dẫn dầu của Việt Nam bị Hoa Kỳ ra quyết định áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp. Thép mạ kẽm cũng bị Úc khởi xướng điều tra chống bán phá giá.

Thép mạ kẽm mới bị Ủy ban chống bán phá giá Úc khởi xướng điều tra. Ảnh internet.

Tin từ Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương), ngày 11-7, Ủy ban Thương mại quốc tế Hoa Kỳ (ITC) ra quyết định sơ bộ, khẳng định tồn tại thiệt hại đối với ngành sản xuất nội địa Hoa Kỳ trong vụ điều tra chống trợ cấp và chống bán phá giá với đinh thép nhập khẩu từ Việt Nam và Hàn Quốc, Malaysia, Ô man, Đài Loan.

Dự kiến Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) sẽ đưa ra kết luận sơ bộ đối với vụ việc chống bán phá giá vào ngày 22-8-2014, và vụ việc chống trợ cấp vào ngày 5-11-2014. Trước đó, ngày 18-6-2014, DOC đã chính thức thông báo khởi xướng và tiến hành điều tra vụ việc trên.

Cùng ngày, DOC cũng đã công bố kết luận cuối cùng khẳng định sự tồn tại của hành vi bán phá giá một số sản phẩm ống thép dẫn dầu nhập khẩu từ Việt Nam và một số quốc gia khác.

Đối với Việt Nam, bị đơn bắt buộc trong cuộc điều tra là Công ty thép SeAH VINA nhận biên độ phá giá cuối là 24,2%. Công ty Hot Rolling Pipe, một bị đơn bắt buộc khác, do từ chối trả lời bản câu hỏi điều tra của DOC, đã bị xem xét dựa trên các chứng cứ sẵn có và suy luận bất lợi và phải nhận biên độ phá giá bằng với biên độ phá giá toàn quốc của Việt Nam là 111,47%. Đây cũng là biên độ phá giá cao nhất theo cáo buộc của nguyên đơn.

Trước đó, ngày 18-2-2014, DOC đã ban hành kết luận sơ bộ trong vụ việc. Theo đó, các công ty Việt Nam nhận biên độ phá giá từ 9,6% tới 111,5%. ITC dự kiến sẽ đưa ra kết luận cuối cùng về thiệt hại đối với ngành công nghiệp nội địa của Mỹ do sản phẩm nhập khẩu từ Việt Nam và một số nước gây ra vào ngày 25-8-2014.

Theo đó, nếu ITC đưa ra kết luận cuối cùng khẳng định việc nhập khẩu sản phẩm ống thép gây ra thiệt hại đáng kể hoặc đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành công nghiệp nội địa Mỹ, DOC sẽ ban hành lệnh áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp từ các nước nói trên (dự kiến ngày 2-9-2014), trừ Ukraine. Trong trường hợp ITC kết luận phủ định về thiệt hại hoặc đe dọa thiệt hại, cuộc điều tra sẽ được chấm dứt.

Cũng theo Cục Quản lý cạnh tranh, ngày 11-7, Ủy ban chống bán phá giá Úc đã ra quyết định khởi xướng điều tra chống bán phá giá sản phẩm thép mạ kẽm nhập khẩu từ Ấn Độ và Việt Nam. Đây là vụ kiện chống bán phá giá thứ hai từ thị trường Úc nhằm vào mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam, sản phẩm bị điều tra trước đây là máy biến thế (năm 2013).

Nguyên đơn là Công ty BlueScope Steel Limited cáo buộc rằng, hàng hoá xuất khẩu sang Úc với giá thấp hơn giá trị thông thường và việc bán phá giá đã gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành công nghiệp của Úc qua việc kìm giá, suy giảm lợi nhuận, suy giảm tỷ lệ hoàn vốn đầu tư, suy giảm số lượng việc làm và làm giảm khả năng tăng vốn tái đầu tư.

Theo nhiều chuyên gia, khi hàng rào thuế quan càng hạ thấp, các biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ hàng hóa nội địa sẽ được các nước dựng lên càng nhiều. Đây là vấn đề tất yếu không thể tránh khỏi do áp lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Hiện một số quốc gia chưa coi Việt Nam là nền kinh tế thị trường nên áp dụng thuế bất bình đẳng, so sánh giá với một nước thứ ba nên giá luôn cao hơn, đồng nghĩa với việc doanh nghiệp Việt Nam luôn bán phá giá. Để ứng phó, không chỉ nhà nước mà doanh nghiệp cần chủ động, coi đấu tranh chống bị kiện bán phá giá là việc thường xuyên và phải làm chuyên nghiệp.

Nguồn tin: Hải quan

ĐỌC THÊM