Không loại trừ khả năng có một cuộc đối đầu pháp lý để phân định quyền vào thị trường Mỹ của sản phẩm thép cán nguội và thép tôn mạ từ VN.
Người Mỹ đã không nói chơi. Cảnh báo năm 2014 hướng tới những sản phẩm thép nhập khẩu từ 7 quốc gia Séc, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, Ba Lan và Trung Quốc không chỉ thành hiện thực chỉ với các quốc gia này. Sự liên đới của Việt Nam tiếc thay lại là một sự tất yếu trong rất nhiều những điều không thể khác đang tồn tại. Người Mỹ với chiến lược bảo hộ mậu dịch, thay cho chiến lược toàn cầu hóa, sẽ khó có thể thay đổi, ít nhất trong vòng 3-5 năm tới.
Có quá muộn để ngồi bàn cãi về cách hành xử của những người có trách nhiệm với cảnh báo đỏ cho thép Việt, dù cảnh báo này đã được đưa ra 3 năm về trước?
Trên thực tế Việt Nam không có tên trong danh sách các nước bị điều tra, thế nhưng mối liên hệ chặt chẽ giữa các sản phẩm đóng mác “Made in Vietnam” với các dòng phân khúc nguyên liệu nhập từ Trung Quốc là một sự thật không gây tranh cãi. Chúng ta đã không đánh giá đúng mức thực tế này.
Thảm đỏ vẫn cứ chào đón doanh nghiệp đầu tư nước ngoài của Việt Nam một mặt giúp họ tận dụng chính sách ưu đãi, nguồn nhân công giá rẻ, mặt khác tạo điều kiện để họ hưởng thụ hiệu lực của các thỏa thuận thương mại tự do và tránh né các lệnh điều tra như trường hợp của thép Việt. Có thể thấy, người Mỹ không vô duyên vô cớ dựng lên rào chặn kỹ thuật như vậy.
Đã phải tính tới khả năng kiện Mỹ áp đặt các biện pháp bảo hộ không phù hợp lên các
sản phẩm từ thép nhập vào thị trường Mỹ của Việt Nam. Ảnh minh họa
Đấu tranh pháp lý là lựa chọn buộc phải tính đến trong trường hợp thép Việt. Việc này không chỉ bảo vệ doanh nghiệp thép Việt đã xuất khẩu tôn mạ kẽm sản xuất từ thép cán nóng và cán nguội Trung Quốc kể từ 4/11/2016 khỏi phải nộp thay các nhà nhập khẩu Hoa Kỳ khoản thuế tương đương 238,48% giá trị xuất khẩu nhằm giữ khách hàng và thị trường.
Nếu thành công, nó còn giúp doanh nghiệp Việt tránh một án lệ bất lợi, cản trở con đường đưa hàng sang Mỹ. Tất nhiên, không thể quên, gót chân Asin hàng hóa có nguồn gốc Trung Quốc không chỉ tồn tại ở ngành thép.
Nhưng nếu vụ kiện không thành công, viễn cảnh với sản phẩm thép xuất sang Mỹ và nhiều mặt hàng khác nữa có thể sẽ vấp phải nhiều rào cản kỹ thuật tương tự.
Vậy chúng ta có căn cứ gì để thắng cuộc? Theo một vị lãnh đạo của Hiệp hội Thép Việt Nam, một số doanh nghiệp Việt Nam đã đưa ra các bằng chứng cho thấy tôn mạ kẽm của Việt Nam có mức chuyển đổi lớn, khoảng 30-50% so với thép cán nóng của Trung Quốc. Đây là tỷ lệ phù hợp với quy định của WTO và thông lệ quốc tế.
Ngoài ra, Hiệp định Chống bán phá giá, Chống trợ cấp, Hiệp định về nguồn gốc xuất xứ và Báo cáo của Ban công tác Việt Nam khi gia nhập WTO không có điều khoản nào cho phép Hoa Kỳ sử dụng giá trị thay thế của nước thứ 3 trong điều tra chống lẩn tránh thuế. Trong khi, để áp đặt cáo buộc này với sản phẩm thép từ Việt Nam, Mỹ đã sử dụng giá trị thay thế của Indonesia.
Những lý lẽ tưởng chừng rất hợp lý này có thể sẽ vấp phải một trở ngại rất lớn. Để đưa ra quyết định áp thuế chống phá giá và chống trợ cấp, Bộ Thương mại Mỹ đồng ý với nhận định của các hãng sản xuất trong nước Mỹ, rằng 90% giá trị số thép này là đến từ Trung Quốc.
Tuy nhiên, hiện Mỹ vẫn chưa có quy định cụ thể về hàm lượng giá trị gia tăng cho các loại thép xuất khẩu vào nước này. Điều này khiến cho việc xác định tỷ lệ phần trăm giá trị sản xuất hay gia công thép thuộc về Trung Quốc hay Việt Nam gần như phụ thuộc hoàn toàn vào người Mỹ.
Trong tình thế này, đưa vụ việc ra WTO có vẻ như là một lựa chọn hợp lý và sáng suốt. Đặc biệt, năm 2011, Việt Nam cũng từng được WTO xử thắng trong vụ kiện Mỹ áp thuế chống phá giá lên mặt hàng tôm đông lạnh. Nhưng không thể quên rằng, dù đồng ý với phán quyết của WTO, Mỹ vẫn liên tục trì hoãn, không thực thi phán quyết.
Ngày 17/1/2013, Việt Nam đề nghị thành lập Ban hội thẩm trong khuôn khổ DSB để yêu cầu Mỹ thực thi phán quyết. Hơn ba năm sau, Mỹ và Việt Nam mới ký được thỏa thuận giải quyết vụ tranh chấp. Vậy là sau 8 năm kiên trì theo đuổi, Việt Nam mới giành được chiến thắng.
Cần lưu ý, sản phẩm thép muốn thắng kiện sẽ trắc trở hơn rất nhiều. Về mặt chủ quan, thực tế rõ ràng là Việt Nam đã nhập thép cán nóng của Trung Quốc về để gia công, tạo ra các sản phẩm trong diện bị áp thuế nói trên. Về mặt khách quan, nước Mỹ thời Tổng thống Donald Trump đã khác trước.
Vì lợi ích của nước Mỹ, họ thậm chí có thể phủ nhận cả thực thể đưa ra những phán quyết bất lợi cho xứ cờ hoa. Ông chủ Nhà Trắng đã quy trách nhiệm cho "các chính quyền tiền nhiệm” đã để thâm hụt thương mại với Trung Quốc “vượt ngoài tầm kiểm soát". Nghĩa là họ sẽ không chấp nhận thêm nữa gánh nặng thâm hụt đi đường vòng nhờ việc xuất khẩu từ nước thứ ba.
Có thể thấy, nếu kiện lên WTO, khả năng thắng kiện chỉ là một cánh cửa hẹp. Kể cả với kịch bản lạc quan nhất, có thể đoán trước, doanh nghiệp Việt “chưa được vạ thì má đã sưng”. Nhưng cũng không thể không hành động.
Do đó, trước hết, cần xác định kim chỉ nam cho mọi quyết sách. Bởi lẽ, dù doanh nghiệp đạt được mức chuyển đổi tới 30-50% giá trị thì phần giá trị chiếm ưu thế còn lại vẫn thuộc về nguồn thép nhập khẩu, chính là các doanh nghiệp xuất khẩu Trung Quốc. Chưa kể, thép của doanh nghiệp FDI đang chiếm bao nhiêu % thị phần xuất khẩu sang Mỹ?
Bảo vệ ngành thép Việt có đồng nghĩa với bảo vệ doanh nghiệp Việt? Những câu hỏi nhức nhối này cần phải được giải đáp công khai minh bạch, trước khi đưa ra bất cứ quyết sách nào.
Mặt khác, khi chỉ chăm chăm lo thiệt hại bởi tâm lý e ngại các cuộc điều tra lẩn tránh thuế khác đối với các sản phẩm được sản xuất tại Việt Nam sử dụng nguyên liệu thép cán nóng được nhập khẩu từ các nước khác, ngành sản xuất này vẫn chăm chăm “chọn dễ bỏ khó”, tiếp tục phát triển ngành thép trên xương sống nguyên liệu nhập khẩu từ các nước khác, mà chủ yếu là Trung Quốc.
Cứ mãi duy trì tư duy này, có thể tin rằng, rủi ro cho xuất khẩu thép Việt Nam ngày càng cao.
Giải pháp cho sự phát triển bền vững và ổn định xem ra cũng không quá xa vời. Còn nhớ, trước khi chỉ tập trung đào khoáng sản thô để xuất khẩu đổ đồng giá rẻ sang Trung Quốc, chúng ta đã từng có ngành luyện kim, từng làm được từ A tới Z những máy công cụ cho sản xuất nông nghiệp.
Vấn đề căn bản nhất nằm ở giá thành sản phẩm và đây thực sự là điểm yếu rất khó khắc phục của Việt Nam.
Dù đi lại con đường cũ cũng có nghĩa là phải chấp nhận đối diện với sự tụt hậu của chính mình, nhưng nếu không nhìn thẳng vào sự thật, chúng ta sẽ mãi an phận gia công, xuất khẩu hộ các nước khác.
Quả thật, trái đắng vừa qua có thể trở thành ‘thuốc đắng giã tật’ không chỉ với thép Việt mà còn với nhiều ngành sản xuất đang phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc.
Nguồn tin: Đất việt