Ngành thép Việt Nam đang trong những ngày tháng "lên hương" với mức tăng trưởng phi mã về cả sản xuất và đặc biệt là xuất khẩu, từ đó giúp cho cổ phiếu của nhóm ngành này không ngừng tăng giá trong những tháng qua.
Điểm sáng sản lượng và hưởng lợi xuất khẩu
Theo cập nhật mới nhất từ Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), trong tháng 7.2021, sản xuất thép các loại đạt 2.398.028 tấn, giảm 6,48% so với tháng trước nhưng tăng 13,8% so với cùng kỳ năm 2020.
Về kinh doanh, bán hàng thép các loại đạt 2.101.200 tấn, ngang mức tháng 6.2021 nhưng tăng 7,4% so với cùng kỳ 2020. Trong đó, thép xuất khẩu các loại đạt 658.207 tấn, tăng 5,96% so với tháng trước, và tăng mạnh đến 55% so với cùng kỳ tháng 7.2020.
Tính gộp 7 tháng đầu năm 2021, sản xuất thép các loại đạt 18.325.583 tấn, tăng 33,5% so với cùng kỳ 2020. Doanh số bán hàng đạt 16.161.179 tấn, tăng 30,7% so với cùng kỳ 2020. Trong đó, thép xuất khẩu các loại đạt 4.078.190 tấn, tăng 78,9% so với 7 tháng năm 2020.
Trong khi đó, theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, các sản phẩm thép Việt Nam xuất khẩu nhiều nhất sang Mỹ, tiếp đó là EU và đứng thứ ba là thị trường Nhật Bản.
Xuất khẩu thép Việt Nam hưởng lợi trong thời gian qua nhờ vào việc Mỹ mở cửa nền kinh tế với chương trình thúc đẩy đầu tư hàng ngàn tỉ USD từ chính quyền Tổng thống Joe Biden, trong đó gồm xây dựng hạ tầng đã thúc đẩy nhu cầu về nguyên vật liệu xây dựng.
Tuy nhiên, sự hưởng lợi còn nhờ vào việc "cường quốc thép" Trung Quốc tiếp tục gia hạn các biện pháp cắt giảm sản lượng thép tại Đường Sơn cho đến hết tháng 3.2022 trong nỗ lực giảm 40% mức độ ô nhiễm không khí ở nơi này trước khi Thế vận hội mùa Đông 2022 diễn ra ở Bắc Kinh vào tháng 2 năm tới. Được biết, sản xuất thép ở Đường Sơn chiếm khoảng 8% tổng sản lượng thép toàn cầu. Chính vì thế, các thị trường nhập khẩu thép chủ lực từ Trung Quốc phải tìm kiếm nguồn nhập khẩu khác, trong đó có Việt Nam.
Hưởng lợi thị trường trong nước và giá cổ phiếu
Ngoài việc hưởng lợi về xuất khẩu trên thị trường thế giới, các doanh nghiệp thép Việt Nam còn hưởng lợi từ nhu cầu thị trường trong nước. Minh chứng là từ đầu năm 2021 đến tháng 6, giá thép xây dựng trong nước liên tục tăng và tăng đột biến.
Đến mức, Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam đã phải kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ về việc xem xét, thanh tra tình trạng giá thép xây dựng tăng nóng khiến nhiều công trình có nguy cơ vỡ trận.
Cùng với việc giá thép tăng mạnh và nóng trong 6 tháng đầu năm thì giá cổ phiếu của các doanh nghiệp thép hàng đầu như Thép Hòa Phát (HPG), Tôn Hoa Sen (HSG), Thép Nam Kim (NKG)… đã tăng phi mã từ mức khoảng 50% (HPG) lên đến hơn 75% (HSG) và thậm chí hơn 100% (NKG).
Có thể nói, đây là một trong những giai đoạn ăn nên làm ra nhất từ trước đến nay của các doanh nghiệp thép Việt Nam. Đơn cử như Tôn Hoa Sen, tính đến tháng 7.2021 là tháng thứ 10 trong niên độ tài chính của doanh nghiệp này, HSG đã hoàn thành vượt mức kế hoạch về cả doanh thu và lợi nhuận, hệ số EPS (mức lợi nhuận trên cổ phiếu) đạt “khủng” khoảng 7.500 đồng.
Hay HPG, lợi nhuận quý 2 vừa qua đạt cao nhất từ trước đến nay ở mức 9.745 tỉ đồng, tăng gấp 3,5 lần so với cùng kỳ năm 2020.
Trên thị trường chứng khoán hiện nay, nhóm mã ngành thép là một trong những nhóm quan trọng đã đóng góp vào tăng trưởng lớn cho chỉ số VN-Index thời gian qua nhờ vào việc giá liên tục tăng.
Nguồn tin: Lao động