Ngành thép Việt Nam sẽ phải chịu một sự cạnh tranh cực kỳ khủng khiếp từ những người khổng lồ trong ngành công nghiệp thép của thế giới là Nga và Trung Quốc. Đặc biệt để chuẩn bị trước cho việc hội nhập đã tích cực chuẩn bị từ lâu, kể từ khi VN đàm phán gia nhập WTO, các cơ quan, ban nghành Việt Nam hiện đang tích cực chuẩn bị những động thái trước sự việc các nước áp dụng thuế chống bán phá giá và áp chuẩn chất lượng đối với mặt hàng này trước khi vào thị trường Việt Nam.
Kiểm tra chất lượng thép nhập khẩu
Nhằm tránh gian lận, đảm bảo công bằng giữa các doanh nghiệp nhập khẩu, Tổng cục Hải quan đã có văn bản số 10671/TCHQ-TXNK ngày 28/8/2014 về việc thực hiện kiểm tra chất lượng thép nhập khẩu theo quy định tại Thông tư liên tịch số 44/2013/TTLT-BCT-BKHCN quy định về quản lý chất lượng thép sản xuất trong nước và thép nhập khẩu, có hiệu lực từ ngày 01/6/2014.
Tổng cục Hải quan yêu cầu Cục Hải quan tỉnh, thành phố chỉ đạo các Chi cục Hải quan thực hiện nghiêm quy định tại điểm b, khoản 3 và điểm d khoản 4 Điều 6 của Thông tư liên tịch số 44/2013/TTLT-BCT-BKHCN.
Đặc biệt, đối với mặt hàng thép quy định tại Phụ lục II của Thông tư liên tịch số 44/2013/TTLT-BCT-BKHCN, để làm thủ tục thông quan, ngoài quyết định miễn, giảm kiểm tra chất lượng thép của Bộ Công Thương hoặc chứng thư giám định hoặc giấy chứng nhận lô hàng, tổ chức, cá nhân nhập khẩu thép phải bổ sung các giấy tờ sau:
Trường hợp tổ chức, cá nhân nhập khẩu thép đồng thời là người sử dụng thép thì phải nộp Bản đăng ký mục tiêu, năng lực sản xuất có xác nhận của Bộ Công Thương.
Trường hợp tổ chức, cá nhân nhập khẩu thép không phải là người sử dụng thép thì tổ chức, cá nhân nhập khẩu thép phải nộp Hợp đồng mua bán hoặc ủy quyền nhập khẩu với người sử dụng.
Việt Nam lần đầu đánh thuế chống bán phá giá thép không gỉ
Bộ Công Thương vừa ban hành Quyết định số 7896/QĐ-BCT về việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép không gỉ cán nguội, có mã HS: 7219.32.00; 7219.33.00; 7219.34.00; 7219.35.00; 7219.90.00; 7220.20.10; 7220.20.90; 7220.90.10; 7220.90.90 nhập khẩu vào Việt Nam từ các nước/vùng lãnh thổ Trung Quốc, Đài Loan, Malaysia và Indonesia.
Theo Quyết định này, doanh nghiệp của Đài Loan bị đánh thuế cao nhất, mức thuế áp cho Yuan Long Stainless Steel Corp lên tới 37,29% và 13,79% đối với Yieh United Steel Corporation và các nhà sản xuất khác.
Đối với Trung Quốc, mức thuế chống bán phá giá 6,87% sẽ áp dụng cho Fujian Southeast Stainless Steel Co., Ltd; mức 4,64% áp cho Lianzhong Stainless Steel Corporation và mức 6,58% áp cho các công ty khác.
Đối với Indonesia, mức thuế 3,07% áp cho PT Jindal Stainless Indonesia và các nhà sản xuất khác. Đối với Malaysia, mức thuế 10,71% dành cho Bahru Stainless Sdn. Bhd và các nhà sản xuất khác của Malaysia.
Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 30 ngày kể từ ngày ký.
Trước đó, Việt Nam lần đầu tiên tiến hành điều tra chống bán phá giá thép ngoại vào tháng 7/2013 sau khi Công ty TNHH Posco VST và Công ty Cổ phần Inox Hòa Bình gửi văn bản tới Bộ Công Thương yêu cầu áp thuế chống bán phá giá bình quân 20% đối với sản phẩm thép không gỉ nhập từ Trung Quốc, Malaysia, Indonesia và Đài Loan (Trung Quốc). Posco VST và Hòa Bình đang chiếm 80% thị phần inox trong nước.
Thép không gỉ là nguyên liệu đầu vào cho ngành sản xuất đồ gia dụng như bồn rửa bát, xoong, nồi, đồ nội thất dạng ống, hệ thống nước nóng, bồn tắm hoặc các bộ phận của xe hơi, vật liệu xây dựng... Hàng nhập từ Trung Quốc, Malaysia, Indonesia và Đài Loan hiện hưởng thuế suất 0% do có quan hệ AFTA nên mức thuế hiện là 0%.
Theo Posco VST và Inox Hòa Bình, giá thép không gỉ nhập khẩu từ 4 nước trên thấp hơn 25% sản phẩm trong nước, thậm chí thấp hơn giá thành tại chính thị trường của họ. Điều này đã tác động tiêu cực tới sản xuất trong nước như công suất giảm, tỷ lệ thua lỗ tăng cao, doanh thu giảm, giảm giá bán, lượng hàng tồn kho tăng...
Đến tháng 12/2013, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) đã công bố kết luận điều tra của mình trong giai đoạn điều tra theo đề nghị của 2 doanh nghiệp trên. Kết luận của cơ quan này là có hiện tượng chống bán phá giá, và đề nghị áp dụng mức thuế tạm trong thời gian 120 ngày, với mức thuế dao động từ 6,45% đến 30,73%.
Tiếp đến, ngày 13/8 vừa qua, Hội đồng xử lý vụ việc chống bán phá giá đã họp biểu quyết và nhất trí về các nội dung đã kết luận nên đồng tình với biện pháp áp thuế. Tuy nhiên, có thể thấy mức thuế áp dụng với mặt hàng này đã được điều chỉnh còn cao hơn so với mức thuế đề xuất tạm thời vào cuối năm ngoái.
Mức thuế cho vụ kiện chống bán phá giá thép không gỉ nhập khẩu vào Việt Nam thấp nhất là 3,07% và cao nhất là 37,29%. Như vậy, mức thuế áp dụng cho vụ kiện này còn cao hơn so với mức thuế đề xuất tạm thời.
Nguồn tin: Xây dựng