Việt Nam tham gia sâu vào thị trường quốc tế thì hàng hóa xuất khẩu bị kiện phòng vệ gia tăng là dễ hiểu, nhất là với ngành thép, quan trọng là doanh nghiệp phải có năng lực thích ứng.
18 năm, dính 66 vụ kiện
Thép là một trong hơn 30 ngành xuất khẩu trên 1 tỷ USD của nước ta bị dính nhiều vụ việc phòng vệ thương mại nhất từ các quốc gia nhập khẩu. Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), từ năm 2004 đến tháng 10/2021, ngành này đã dính 66 vụ kiện phòng vệ thương mại.
Tại Tọa đàm “Nâng cao năng lực phòng vệ thương mại hướng tới cán cân xuất nhập khẩu bền vững” mới đây, ông Nghiêm Xuân Đa, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), kiêm Chủ tịch Hiệp hội Thép Đông Nam Á chia sẻ, các vụ kiện phòng vệ thương mại với ngành thép không chỉ xảy ra ở các thị trường lớn như Mỹ, Canada, Australia, châu Âu…, mà còn xảy ra ngày càng nhiều ở các nước khu vực như Thái Lan, Indonesia, Malaysia…
Theo Bộ Công thương, nếu năm 2001, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt 30 tỷ USD, thì cuối năm 2020 đã vượt 545 tỷ USD, dự kiến năm 2021đạt trên 600 tỷ USD. Năng lực sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam tăng nhanh là lý do chính khiến các biện pháp phòng vệ thương mại với các mặt hàng xuất khẩu cũng gia tăng.
Ông Đinh Quốc Thái, Tổng thư ký VSA cho rằng, Việt Nam đã có 15 hiệp định thương mại tự do được ký kết, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa. Đối với ngành thép, 5 năm gần đây, tăng trưởng bình quân xuất khẩu đạt hơn 20%/năm, trong đó riêng xuất khẩu thép thành phẩm tăng khoảng 12%/năm. Lũy kế đến ngày 15/11, kim ngạch xuất khẩu sắt thép đã vượt 10 tỷ USD, tăng 136,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
“Việt Nam tham gia sâu vào thị trường quốc tế thì hàng hóa xuất khẩu bị kiện phòng vệ gia tăng là điều dễ hiểu và hết sức bình thường, nhất là đối với những ngành quan trọng, đóng vai trò xương sống của ngành công nghiệp như ngành thép. Quan trọng là doanh nghiệp phải có năng lực thích ứng”, ông Thái khẳng định.
Nâng cao năng lực thích ứng
Các chuyên gia trong ngành lưu ý, một trong những giải pháp để ngành thép giảm thiểu rủi ro với các vụ kiện phòng vệ thương mại là các doanh nghiệp cần đa dạng hóa sản phẩm và thị trường xuất khẩu để phân tán rủi ro, tránh tập trung xuất khẩu với khối lượng lớn vào một thị trường, cần phát triển các chuỗi giá trị và gia tăng nguồn nguyên liệu trong nước.
Ông Nghiêm Xuân Đa cho biết, 10 năm trước, ASEAN là thị trường xuất khẩu chủ yếu, hiện vẫn chiếm 1/3 tổng lượng thép xuất khẩu của Việt Nam. Song thời gian qua, các doanh nghiệp đã từng bước đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Thép Việt đã có mặt ở các thị trường lớn, đòi hỏi khắc khe về tiêu chuẩn chất lượng, môi trường như Mỹ, châu Âu, Australia…
Vượt qua được giai đoạn lúng túng, thiếu kinh nghiệm và hạn chế về năng lực phòng vệ ở thời kỳ đầu, đến nay, năng lực ứng phó trong các vụ việc phòng vệ của doanh nghiệp trong ngành đã cải thiện nhiều. Những doanh nghiệp lớn như Tập đoàn Hòa Phát, Tập đoàn Hoa Sen, Tôn Đông Á… xuất khẩu sang Mỹ, EU thường xuyên bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại, đã dành nguồn lực thỏa đáng cho việc ứng phó và thu được kết quả tích cực trong không ít vụ việc.
Ông Lê Triệu Dũng, Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương) nhấn mạnh, phòng vệ thương mại là lĩnh vực rất phức tạp, khi có những quy định cụ thể nhưng vẫn bị thay đổi thường xuyên, đặc biệt là vấn đề pháp lý liên quan đến nội dung kỹ thuật, tài chính, kế toán kiểm toán và thậm chí cả bất đồng ngôn ngữ. Trong các vụ việc phòng vệ thương mại, các ngành sản xuất đều phải có chiến lược ứng phó kịp thời và chi tiết.
Do đó, các doanh nghiệp xuất khẩu cần hạn chế tình trạng tăng xuất khẩu đột biến sang một thị trường, đồng thời lưu trữ tốt hồ sơ về quá trình sản xuất, xuất khẩu hàng hóa đó với từng thị trường để chủ động ứng phó khi có tình huống không mong muốn xảy ra. “Doanh nghiệp cũng cần lưu ý xu thế gia tăng bảo hộ từ nhiều quốc gia, đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch Covid-19”, ông Dũng khuyến cáo.
Nguồn tin: Đầu tư