Theo thống kê của các cơ quan chức năng, tính đến thời điểm hiện nay đã có 128 vụ việc phòng vệ thương mại được khởi xướng điều tra đối với hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam. Có tới 85% các vụ điều tra khởi kiện liên quan đến ngành Thép. Điều này cho thấy, ngành sản xuất thép đang đối mặt với các vụ kiện tự vệ, áp thuế nhiều nhất, cũng như dự báo các sản phẩm từ thép sẽ gặp nhiều khó khăn trong xuất khẩu.
Sản xuất khép kín sẽ giúp ngành thép Việt Nam hạn chế và chủ động trước những vụ điều tra khởi kiện thương mại. Ảnh minh họa: Internet
Thép Việt liên tục phải đối mặt với các vụ khởi kiện
Theo thống kê của Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương tính đến thời điểm hiện tại, có 128 vụ việc phòng vệ thương mại được khởi xướng điều tra. Dẫn đầu là các vụ việc điều tra chống bán phá giá với 77 vụ việc, thứ hai là các vụ việc tự vệ 23 vụ, tiếp theo là các vụ việc chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá 17 vụ việc cuối cùng là các vụ việc chống trợ cấp 11 vụ việc.
Trong 128 vụ điều tra, khởi kiện thì có tới đến 85% liên quan đến ngành thép. Tổng cộng có 11 thị trường đã khởi kiện Việt Nam như Mỹ, EU, Liên minh Kinh tế Á Âu. Riêng khu vực châu Á hiện chỉ có Đài Loan và Hàn Quốc chưa khởi kiện đối với các sản phẩm thép Việt Nam.
Con số các vụ điều tra khởi kiện còn rõ nét hơn khi theo thống kê của Hiệp hội Thép Việt Nam, chỉ trong vòng khoảng 1 tháng vừa qua, ngành thép phải đối mặt với 8 vụ kiện phòng vệ, chống bán phá giá đến từ 7 thị trường khác nhau.
Gần đây nhất ngày 22/8, Cục Ngoại thương Thái Lan đã khởi xướng vụ việc điều tra chống bán phá giá đối một số sản phẩm gồm ống, ống dẫn bằng sắt hoặc thép nhập khẩu từ Việt Nam, theo đơn khởi kiện điều tra của Công ty TNHH Cotcometalworks, Công ty TNHH Thai Metal (TMT), Công ty TNHH Pacific Pipe (PAP), Công ty TNHH Asia Metal (AMC), Công ty TNHH Thép Thai Coon. Các nguyên đơn cáo buộc rằng sản phẩm bị điều tra nói trên đang gia tăng về số lượng và đang bị bán phá giá tại thị trường Thái Lan gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất nội địa.
Trước đó, Bộ Thương mại Thái Lan đã khởi xướng điều tra gia hạn lần 2 biện pháp tự vệ đối với sản phẩm thép tấm không hợp kim cán nóng dạng cuộn và không cuộn.
Liên minh châu Âu (EU) áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời trong vụ việc điều tra, áp dụng biện pháp tự vệ với một số sản phẩm thép nhập khẩu. Trong đó, sản phẩm từ thép nhập khẩu từ Việt Nam gồm: Thép cán nguội hợp kim và không hợp kim; thép tấm mạ kim loại và thép không gỉ cán nguội dạng tấm và thanh.
Cơ quan Biên phòng Canada (CBSA) cũng đã khởi xướng điều tra bán phá giá đối với một số sản phẩm ống thép hàn các bon có xuất xứ hoặc nhập khẩu từ Pakistan, Philippines, Thổ Nhĩ Kỳ và Việt Nam.
Bộ Công nghiệp và Thương mại Quốc tế Malaysia (MITI) đã khởi xướng điều tra bán phá giá đối với một số sản phẩm sắt hoặc thép cuộn hợp kim và không hợp kim cán phẳng mạ hoặc tráng kẽm có xuất xứ hoặc nhập khẩu từ Trung Quốc và Việt Nam.
Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã khởi xướng điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với sản phẩm thép chống ăn mòn nhập khẩu từ Việt Nam do nghi ngờ có sự lẩn tránh thuế...
Khép kín quy trình sản xuất nâng cao năng lực cạnh tranh, chống khởi kiện
Lý giải cho một phần các vụ điều tra khởi kiện thương mại thường tập trung vào ngành sản xuất thép, ông Nguyễn Phương Nam, Phó Cục trưởng Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương cho biết trên thế giới có hơn 1.500 các vụ việc phòng vệ thương mại trong đó ngành thép chiếm hơn 30% trong tổng số các vụ việc.
Trong bối cảnh đó, xuất khẩu thép của Việt Nam đứng trước những thách thức lớn khi các nước nhập khẩu liên tục điều tra và áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đối với thép Việt Nam. Nguyên nhân chính là do thế giới đang trong tình trạng dư thừa công suất sản xuất thép toàn cầu và Hoa Kỳ áp dụng mức thuế 25% đối với các sản phẩm thép nhập khẩu vào Hoa Kỳ với lý do bảo đảm an ninh quốc gia khiến cho nhiều quốc gia khác phải đối phó bằng cách sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại để hạn chế nhập khẩu thép.
Điều này đặt các doanh nghiệp thép Việt Nam trước những khó khăn trong việc tìm giải pháp đối mặt với các vụ kiện, giữ vững thị trường xuất khẩu.
Theo ý kiến của nhiều chuyên gia về phòng vệ thương mại, để ứng phó và tránh được tối đa các vụ kiện phòng vệ, bản thân doanh nghiệp nên chủ động phòng tránh bằng cách đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tránh phát triển quá nóng một thị trường. Cùng với đó, đa dạng hóa mặt hàng, cạnh tranh bằng chất lượng sản phẩm với giá cao, giảm dần cạnh tranh bằng giá rẻ.
Các doanh nghiệp thép cần hướng đến tự chủ được các nguồn nguyên liệu sản xuất đầu vào ngay trong nước. Hoàn thiện hơn quy trình sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh. Đặc biệt, cố gắng khép kín từ khâu đầu vào đến sản xuất để loại trừ dần nguồn gốc xuất xứ nguyên liệu sản xuất đến từ các nước, giảm thiểu việc các nước cho rằng Việt Nam lẩn tránh thuế.
Dưới góc độ cơ quan quản lý, Cục Phòng vệ thương mại đưa ra khuyến nghị đối với doanh nghiệp đó là để hạn chế thấp nhất việc bị khởi kiện phòng vệ thương mại khi tham gia vào các vụ kiện, các doanh nghiệp nên tự bảo vệ mình bằng cách trang bị cho mình những kiến thức cơ bản về pháp luật phòng vệ thương mại.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp nên thường xuyên có hoạt động trao đổi thông tin với hiệp hội và cơ quan quản lý nhà nước, nhằm nắm bắt được những thông tin cảnh báo sớm về khả năng bị khởi kiện tại thị trường xuất khẩu, từ đó lên phương án điều chỉnh hoạt động kinh doanh để tránh bị khởi kiện.
Để tạo điều kiện thuận lợi trong việc tham gia các vụ kiện phòng vệ thương mại, doanh nghiệp Việt Nam cần phải củng cố quan hệ với các bạn hàng, đối tác bên phía nước ngoài vì nhóm những đối tác này cũng là một bên có lợi ích bị ảnh hưởng bởi vụ việc điều tra phòng vệ thương mại.
Mặt khác, doanh nghiệp cần đa dạng hoá thị trường, tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới và nghiên cứu kỹ khi có ý định khi mở rộng công suất. Doanh nghiệp phải tăng cường phối hợp với các doanh nghiệp cùng ngành, hiệp hội để xử lý được các vấn đề, thống nhất câu trả lời trước những cuộc điều tra khởi kiện đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ.
Nguồn tin: Thanh tra