Từ trước đến nay phía Mỹ không đưa ra quy định cụ thể về hàm lượng giá trị gia tăng của hàng hóa xuất khẩu từ VN, nên cáo buộc điều tra nói trên sẽ gây khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu khi bị đánh thuế chung.
Tối 11-12, Hiệp hội Thép VN (VSA) cho biết sau khi Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đưa ra quyết định sơ bộ trong vụ việc điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá (AD) và thuế chống trợ cấp (CVD) đối với thép carbon chống ăn mòn (thường được gọi là tôn mạ) và thép cán nguội nhập khẩu từ VN, VSA cho biết sẽ phối hợp với Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương) và các doanh nghiệp để theo dõi diễn biến tiếp theo của vụ việc.
Đồng thời, VSA sẽ có kế hoạch hành động để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của doanh nghiệp, phù hợp với quy định tại các hiệp định có liên quan của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
VSA cũng khuyến nghị các doanh nghiệp sản xuất thép VN giữ vững đạo đức kinh doanh và văn hóa doanh nghiệp, tích cực phối hợp khi DOC thẩm tra tại chỗ.
Trước đó, từ năm 2015, Mỹ đã khởi xướng điều tra để áp thuế AD và CVD đối với hai sản phẩm nói trên của Trung Quốc. Năm 2016, Mỹ chính thức áp thuế AD là 199,43% và CVD là 39,05% đối với tôn mạ của Trung Quốc. Đối với thép cán nguội, mức thuế AD là 265,79% và CVD là 256,44%.
Theo VSA, hiện nay sản xuất thép cán nguội và thép tôn mạ của VN là những công đoạn quan trọng trong quy trình sản xuất khép kín của một nhà máy sản xuất thép dẹt hiện đại. Các công ty thép của VN đã đầu tư hàng trăm triệu USD để xây dựng dây chuyền sản xuất thép cán nguội và mạ kẽm với các thiết bị máy móc, dây chuyền sản xuất từ các nhà cung cấp thiết bị tiên tiến hàng đầu thế giới.
Các doanh nghiệp trong nước thường sử dụng nguồn nguyên liệu nhập khẩu thép cán nóng (HRC) hoặc sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước (sau khi qua hàng loạt công đoạn) để sản xuất ra sản phẩm cuối cùng là tôn mạ kẽm hoặc mạ lạnh (sau khi thêm công đoạn phủ màu, hoặc gia công xẻ băng).
Trong đó, công đoạn cán nguội là một bước quan trọng trong dây chuyền cán thép dẹt, tạo ra giá trị gia tăng từ 30-40% trong giá thành sản phẩm.
VSA cho rằng điều này cho thấy cán nguội hoàn toàn không phải là khâu "gia công hay lắp ráp" mà là "một sự chuyển đổi căn bản" để tạo ra sản phẩm mới với những tính chất hoàn toàn ưu việt hơn thép cuộn cán nóng (độ dày, dung sai kích thước, chất lượng bề mặt, cấu trúc tế vi, cơ tính...). "Sự chuyển đổi triệt để" này cũng được thể hiện trong việc chuyển dịch HS code hàng hóa.
Mặt khác, từ trước đến nay, theo VSA, phía Mỹ không đưa ra quy định cụ thể về hàm lượng giá trị gia tăng của hàng hóa xuất khẩu từ VN. Nên cáo buộc điều tra nói trên sẽ gây rất nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu khi bị đánh thuế chung.
Nguồn tin: Tuổi trẻ