Thép Việt chật vật trong cạnh tranh.
Ảnh: S. Xanh
Không những bị áp lực từ sự thâm nhập ồ ạt của các mặt hàng thép “made in China”, thị trường trong nước còn gặp khó khăn kép khi giá cả liên tục giảm mạnh. Nhiều DN kiến nghị việc xây dựng hàng rào kỹ thuật đối với những mặt hàng thép trước khi nhập về, tránh tình trạng xuất khẩu khó khăn nhưng nhập thì bất chấp chất lượng nào cũng “lọt”…
Cần một hàng rào kỹ thuật
Việt Nam không nằm ngoài danh mục các thị trường mà thép trung Quốc lên kế hoạch đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu. Theo Tổng cục Hải quan, 7 tháng đầu năm 2015 lượng thép nhập khẩu từ Trung Quốc đạt 5 triệu tấn, tăng mạnh so với cùng kỳ.
Đại diện các DN thép cho rằng, thép nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm 70 – 80% kim ngạch nhập khẩu thép của toàn ngành. Nghĩa là, trung bình một năm Việt Nam nhập khẩu khoảng 12 triệu tấn thép “made in China” để cung cấp cho thị trường nội địa.
Còn về phía Hiệp hội Thép Việt Nam, vài năm trở lại đây ngành thép Việt Nam phát triển mạnh với năng suất 22 triệu tấn/năm. Số lượng này đáp ứng gấp đôi nhu cầu sử dụng sử dụng của thị trường trong nước song lượng thép đến từ nước láng giềng chiếm 60% kim ngạch nhập khẩu toàn ngành.
Bức xúc về lượng lớn thép Trung Quốc tràn ngập thị trường ông Nguyễn Thanh Nghĩa, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đại Thiên Lộc khẳng định: “Lượng thép mà DN trong nước sản xuất được đáp ứng tốt về chất lượng và số lượng cho thị trường tiêu thụ nội địa. Chỉ có thép cán nóng, tấm DN Việt không sản xuất được mới đi nhập. Riêng thép xây dựng, mạ… cung ấp đủ cho thị trường, vì vậy nên hạn chế nhập khẩu thép Trung Quốc”.
Tuy nhiên, bàn về giải pháp đương đầu với thép Trung Quốc, ông Nguyễn Thanh Nghĩa kiến nghị, Nhà nước nên xây dựng hàng rào kỹ thuật đối với những mặt thép trước khi nhập về. DN trong nước xuất khẩu rất khó khăn nhưng nhập khẩu thì vô tư, bao nhiêu cũng được, chất lượng nào cũng xong.
“Thái Lan, Malaysia, Indonesia… có đặt ra tiêu chuẩn đối với thép nhập khẩu. Song song đó, nhà nước kiểm tra chặt lượng tôn, thép của các nước vào không đúng. Ở Việt Nam thì khỏi bàn, thép Trung Quốc nhập vào ào ào, tháng nào cũng tăng đều đều”, ông Nghĩa bức xúc.
Hàng chưa về cảng đã lỗ
Chính sách đẩy mạnh xuất khẩu thép của Trung Quốc đang kéo giảm giá thép. Trước đó, trong tháng 7 giá phôi thép tại Trung Quốc giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 13 năm trở lại đây. Cụ thể, giá bình quân của thép cuộn cán nóng dùng trong xây dựng và sản xuất xe hơi giảm 33% trong quý 2.
Tình trạng thép Trung Quốc sụt giảm mạnh đã tác động trực tiếp đến doanh thu và lợi nhuận của các DN trên thị trường.
Ông Đinh Công Khương, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH TM - DV Thép Khương Mai cho hay: Giá thép liên tục “lao dốc” nên có những lô hàng chưa về cảng DN đã lỗ. Đó là chưa kể đến lượng hàng tồn kho.
Thực tế cho thấy, sức mua của mặt hàng sắt thép cho ngành xây dựng còn đỡ phần nào do DN chủ động được sản lượng sản xuất. Riêng thép nhập khẩu cho ngành công nghiệp khá bấp bênh khi thép công nghiệp chủ yếu nhập khẩu từ Trung Quốc, cho nên giá lên cao thì DN được hưởng, giá xuống phải chịu.
Một số DN cho biết, DN luôn bị ám ảnh bởi tình hình sụt giảm giá. Cứ 1kg thép giảm khoảng 100 đồng thì 100 tấn DN sẽ lỗ 1 tỷ và 1.000 tấn mất 10 tỷ.
“Hiện nhiều DN không dám nhập khẩu nhiều. Để tránh tồn kho cao, DN thường phân phối sản phẩm ở mức khá cao sau đó mới tiếp tục nhập khẩu”, đại diện một DN chia sẻ.
Liên quan đến rủi ro trong kinh doanh thép, ông Đinh Công Khương cho hay, ngành thép khó từ năm 2008 đến nay liên tục gặp khó khăn. Những “con chim đầu đàn” trong ngành thép cũng không chịu nổi. 70% các đại gia ngành thép ở miền Bắc, miền Trung bị phá sản; miền Nam có khoảng 50% dời bỏ thị trường.
Nguồn tin: Báo mới