Theo chuyên gia, Mỹ không quan tâm đến mức độ giá trị gia tăng trong sản phẩm của Việt Nam là bao nhiêu, họ chỉ truy xuất nguồn gốc nguyên liệu.
Liên quan đến vụ điều tra chống lẩn tránh thuế đối với thép tôn mạ và thép cán nguội của Việt Nam do Mỹ khởi xướng, chuyên gia ngành luyện kim - GS.TSKH Phạm Phố, nguyên Hiệu trưởng trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật TP.HCM cho rằng đó là việc cực chẳng đã.
PV: - Cuối năm 2017, Bộ Thương mại Mỹ đã đưa ra quyết định sơ bộ trong vụ việc điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp đối với thép các-bon chống ăn mòn (thường được gọi là tôn mạ) và thép cán nguội nhập khẩu từ Việt Nam. Theo đó, Bộ Thương mại Mỹ sơ bộ khẳng định việc lẩn tránh thuế đối với hai sản phẩm này là có thật, cụ thể là từ Trung Quốc qua Việt Nam để xuất khẩu sang Mỹ.
Nếu quyết định này được giữ nguyên, các doanh nghiệp thép Việt Nam đã xuất khẩu tôn mạ kẽm sản xuất từ thép cán nóng và cán nguội Trung Quốc kể từ 4/11/2016 sẽ phải nộp thay các nhà nhập khẩu Mỹ một khoản thuế rất lớn tương đương 238,48% giá trị xuất khẩu, nếu muốn giữ khách hàng và thị trường.
Thưa ông, ông có bất ngờ trước quyết định này không? Ông đánh giá như thế nào về cách phản ứng của phía quản lý và doanh nghiệp Việt, từ khi có những thông tin bất lợi này?
GS.TSKH Phạm Phố: - Tôi không bất ngờ, bởi tình trạng doanh nghiệp Việt Nam mua nguyên liệu thép Trung Quốc về để gia công thành phẩm trong đó có tôn mạ và thép cán nguội đã diễn ra từ lâu.
Trung Quốc sản xuất 100 đến 150 triệu tấn thép mỗi năm, tương đương một nửa số thép toàn cầu, nhiều hơn sản lượng thép của cả Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản cộng lại, nên đương nhiên Trung Quốc có lợi thế giá rẻ để cạnh tranh trên thị trường. Đây cũng là nguyên nhân khiến Mỹ áp thuế chống phá giá và trợ giá đối với mặt hàng thép sản xuất tại Trung Quốc xuất sang Mỹ.
Trước đây, Trung Quốc đã xuất khẩu sang Việt Nam các sản phẩm thép có yếu tố “hợp kim” để hưởng thuế nhập khẩu 0% thay vì mức 5 - 10% (tùy loại). Theo đó, trong quá trình sản xuất, họ bỏ vào sản phẩm nguyên tố boron (nguyên tố Bo) hoặc crom để có tên là thép hợp kim nhằm hưởng thuế suất nhập khẩu 0%, nhưng thực tế toàn bộ loại thép này khi nhập khẩu về Việt Nam đều dùng để xây dựng. Sản phẩm này rẻ hơn so với thép xây dựng có thương hiệu trong nước và nghiêm trọng hơn, có những sản phẩm bị ăn gian về nguyên phụ liệu như giảm bớt độ dày của sản phẩm, trộn tạp chất, khiến cho chất lượng thép bị giảm.
Hiệp hội Thép Việt Nam đề nghị kiện Mỹ ra WTO
Việt Nam cũng đã có bài học tương tự với mặt hàng nhôm. Theo đó, doanh nghiệp Việt Nam nhập nhôm Trung Quốc về, sau đó xuất sang Mỹ, và Mỹ đã điều tra để ngăn chặn.
Nếu sản phẩm tôn mạ và thép cán nguội được sản xuất từ nguyên liệu của Việt Nam, do Việt Nam sản xuất là chủ yếu, thì hoàn toàn không có vấn đề gì khi xuất sang Mỹ.
Hiệp hội Thép Việt Nam muốn Mỹ thay đổi quyết định áp thuế và trong trường hợp Mỹ không thay đổi quyết định, Hiệp hội kiến nghị kiện Mỹ ra WTO, đó là một cách để bảo vệ doanh nghiệp sản xuất thép Việt Nam, là đúng chức năng của Hiệp hội Thép Việt Nam.
PV: - Hiệp hội Thép Việt Nam đã tuyên bố, trong trường hợp xấu nhất, Hiệp hội sẽ kiến nghị Chính phủ khởi kiện Mỹ ra Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) để bảo vệ các doanh nghiệp trong nước.
Căn cứ được đưa ra là tôn mạ kẽm của Việt Nam có mức chuyển đổi lớn (khoảng 30-50%) so với thép cán nóng của Trung Quốc, phù hợp với quy định trong Hiệp định của WTO và thông lệ quốc tế, cũng như phù hợp với cách hành xử của Mỹ với Argentina. Ngoài ra, Hiệp định Chống bán phá giá, Chống trợ cấp, Hiệp định về nguồn gốc xuất xứ và Báo cáo của Ban công tác Việt Nam khi gia nhập WTO không có điều khoản nào cho phép Hoa Kỳ sử dụng giá trị thay thế của nước thứ 3 trong điều tra chống lẩn tránh thuế.
Theo ông, những căn cứ nói trên có giúp doanh nghiệp Việt thắng nếu đưa vụ kiện ra WTO không? Việt Nam phải lường trước những khó khăn nào khi theo đuổi vụ kiện này?
GS.TSKH Phạm Phố: - Tôi cho rằng Mỹ không quan tâm đến mức độ giá trị gia tăng trong sản phẩm của Việt Nam là bao nhiêu, họ chỉ truy xuất nguồn gốc nguyên liệu. Không chỉ thép mà tất cả các sản phẩm, hàng hóa khác của tất cả các nước xuất khẩu vào Mỹ đều phải báo cáo rõ nguồn gốc, xuất xứ. Có lẽ Hiệp hội Thép Việt Nam dựa vào điểm này soi chiếu với WTO để cố gắng bảo vệ sản phẩm thép xuất sang Mỹ.
PV: - Hiệp hội Thép Việt Nam cũng cảnh báo, nếu thép cán nguội và tôn mạ kẽm của Việt Nam bị áp mức thuế tự vệ, đây sẽ là tiền lệ xấu cho các sản phẩm Việt Nam nhập khẩu vào thị trường Mỹ. Đây có phải là lúc chúng ta cần cân nhắc về chiến lược ham dễ bỏ khó, không đầu tư vào ngành luyện kim, chỉ bán quặng thô rồi lại nhập phôi thép từ Trung Quốc về gia công hay không? Có còn nhiều cơ hội để chúng ta thay đổi không, xin ông phân tích cụ thể?
GS.TSKH Phạm Phố: - Đúng như vậy!
Ở Việt Nam, nhiều doanh nghiệp sản xuất được thép cán nóng, còn thép cán nguội thì khó hơn một chút. Tuy nhiên, giá thành sản xuất trong nước cao hơn của Trung Quốc. Trung Quốc thừa thép và họ bị cáo buộc bán phá giá các kim loại thừa cung của họ trên thị trường khác. Doanh nghiệp Việt chỉ cần mua hàng của Trung Quốc đã lãi 25% giá thành so với việc mua hàng sản xuất trong nước, thậm chí nhiều khi con số này lên tới 30-40%. Chính vì thế, không ngạc nhiên khi doanh nghiệp Việt nhập thép nguyên liệu từ Trung Quốc về rồi chỉ cán nguội, mạ thêm một phần, sau đó xuất khẩu.
Ở Việt Nam, ngành luyện kim và cơ khí không được chú trọng đầu tư dù đây là những ngành công nghiệp chủ đạo, đó là do phương án đầu tư, chiến lược phát triển chưa hợp lý.
Như ngành luyện kim, trước đây Nhà nước độc quyền, để mua được thép rất khó. Nhưng sau này doanh nghiệp tư nhân phát triển, tham gia vào sản xuất thép và đến nay tư nhân sản xuất thép còn lớn hơn doanh nghiệp nhà nước. Có thể kể đến những tên tuổi như Tập đoàn Hòa Phát, hay Công ty Thép Việt... Trong khi đó, xét về phía doanh nghiệp nhà nước sản xuất thép, có khu liên hợp Gang thép Thái Nguyên lớn nhất thì đã lụn bại.
Tương tự, trong ngành cơ khí, doanh nghiệp tư nhân cũng đầu tư những dây chuyền hiện đại hơn cả doanh nghiệp nhà nước. Việt Nam muốn phát triển công nghiệp ô tô nhưng lại không phát triển ngành cơ khí. Chúng ta kêu gọi doanh nghiệp sản xuất ô tô nước ngoài vào đầu tư, đặt ra yêu cầu phải nâng cao tỷ lệ nội địa hóa lên 60% (năm 2010) nhưng ngành cơ khí không đủ khả năng sản xuất các phụ tùng, ngay cả cái đinh vít, xích, ổ bi... cũng phải nhập. Đó là do chiến lược đầu tư không đúng ngay từ đầu. Doanh nghiệp muốn làm cái dễ, xuất khẩu hàng dễ là đúng, nhưng đã là công nghiệp chủ đạo thì phải đầu tư dù khó đến đâu.
Như ở nước Mỹ, Tổng thống Donald Trump muốn đưa công việc về cho người Mỹ, nhưng không phải các chính phủ trước sai lầm không đưa về, mà họ tập trung vào công nghiệp cơ khí, dầu mỏ, năng lượng, vũ khí, còn những cái nhỏ nhặt, nhất là hàng tiêu dùng, công nghiệp nhẹ thì đưa ra nước ngoài để tận dụng nguồn lao động rẻ mạt của các nước khác.
Việt Nam vẫn còn nhiều cơ hội để thay đổi. Nhà nước hãy mở cửa để các doanh nghiệp tư nhân, nhà đầu tư nước ngoài phát triển công nghiệp cơ khí, công nghiệp luyện kim. Việc Nhà nước cần làm là tạo môi trường đầu tư thông thoáng, lành mạnh và thuận lợi để nhà đầu tư có thể yên tâm sản xuất.
PV: - Thời gian vừa qua, không chỉ có thép cán nguội và tôn mạ kẽm Việt Nam gặp trắc trở khi sang thị trường Mỹ. Liệu có khả năng những biện pháp nói trên không thuần túy chỉ nhằm vào mục tiêu thương mại hay không? Nếu vậy, thực chất các biện pháp của Mỹ nhằm vào sản phẩm thép cán nguội và tôn mạ kẽm của Việt Nam nhằm mục đích gì khác?
GS.TSKH Phạm Phố: - Đối với mặt hàng thép của Việt Nam, Mỹ nhắm vào mục tiêu thương mại là một phần, mục tiêu chính họ nhằm vào là Trung Quốc. Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung gia tăng đáng kể trong năm 2017, đặc biệt là trong lĩnh vực thép. Do đó bất kỳ nước thứ ba nào, nơi Trung Quốc chuyển hàng hóa sang để từ đó xuất khẩu sang Mỹ cũng sẽ bị Mỹ xử lý nghiêm.
Đã đến lúc các doanh nghiệp Việt phải xem lại cách làm của mình. Trước mắt, doanh nghiệp trong nước có thể ứng phó bằng cách nhập nguyên liệu từ nước khác mà Mỹ không áp thuế chống bán phá giá mà có giá khá rẻ như Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Ấn Độ. Ngoài ra, Việt Nam cũng chủ động được phần nào thép nguyên liệu. Sản lượng thép cán nóng của Việt Nam thời gian tới sẽ tăng lên, đặc biệt là nhà máy thép Formosa (Hà Tĩnh) đã đi vào sản xuất cung cấp số lượng lớn cho thị trường.
PGS.TS Nguyễn Văn Ngãi, trưởng khoa Kinh tế, Đại học Nông Lâm TP.HCM:
Việc doanh nghiệp Việt Nam nhập thép nguyên liệu từ Trung Quốc rồi chỉ cán nguội, mạ thêm một phần, sau đó xuất khẩu sang Mỹ cũng tương tự như cách làm tạm nhập tái xuất.
Xét về phía Việt Nam thì doanh nghiệp được lợi và có hiệu quả, nhưng phía đối tác nhập khẩu có chấp nhận hay không lại là chuyện khác và chúng ta cần phải tính toán lại.
Nếu công đoạn gia công của Việt Nam rất ít rồi xuất khẩu để né thuế thì cần phải xem lại vấn đề này một cách nghiêm túc. Đối với kinh doanh quốc tế bắt buộc phải tôn trọng luật lệ một cách nghiêm ngặt.
Về nguồn thép nguyên liệu, trong nước đã cung cấp được, như Formosa cung cấp số lượng lớn, nhưng chi phí đắt đỏ hơn nguyên liệu nhập từ Trung Quốc. Chính vì thế, doanh nghiệp nhập từ Trung Quốc vì ham rẻ.
Nhưng phải nói rằng ham rẻ thì ai cũng ham, doanh nghiệp phải làm sao để tối đa hóa lợi nhuận và để được như vậy thì có hai cách: một là tăng doanh thu, hai là giảm chi phí.
Nếu giảm chi phí mà doanh thu không bị ảnh hưởng, giảm chi phí bằng cách tìm nguồn nguyên liệu giá rẻ mà vẫn đảm bảo chất lượng sản phẩm đầu ra thì cần khuyến khích.
Bài toán còn lại là tại sao doanh nghiệp trong nước sản xuất thép lại đắt hơn nhập khẩu? Đó là vấn đề, là thách thức buộc ngành thép cũng như tất cả các ngành khác phải thay đổi.
Nguồn tin: Đất việt