Liên tục trong khoảng 1 tháng qua, ngành thép đã phải đối diện với hàng loạt các vụ kiện áp thuế phòng vệ thương mại từ các thị trường quốc tế. Điều đó khiến ngành thép nước nhà gặp phải nhiều khó khăn.
Ngành thép đang đứng trước áp lực phòng vệ thương mại từ nhiều quốc gia.
Áp lực từ nhiều vụ kiện
Theo Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI), tính đến nay, ngành thép nước nhà đã “dính” nhiều vụ kiện phòng vệ thương mại (PVTM). Số liệu từ VCCI cho biết, Việt Nam đã bị các thị trường quốc tế khởi kiện chống bán phá giá (CBPG) lên tới 78 vụ. Đối với các vụ kiện chống trợ cấp (CTC), con số thống kê là 12 vụ và vụ kiện chống lẩn tránh thuế (CBPG) là 17 vụ. Đáng chú ý, trong số 78 vụ kiện CBPG thì có 37 vụ liên quan đến sắt thép, chiếm gần một nửa các loại hàng hóa bị kiện. Với điều tra CTC cũng có với gần 3/4 vụ kiện liên quan đến mặt hàng sắt thép. Và chỉ trong vòng 1 tháng trở lại đây, ngành thép Việt đã “dính” đến 8 vụ kiện áp thuế PVTM đến từ 7 thị trường trên thế giới.
Có thể thấy, liên tục gia tăng các vụ kiện PVTM liên quan tới mặt hàng thép khiến cho dư luận khá lo ngại về hoạt động của ngành này.
Cụ thể, chỉ trong vòng chưa đầy 1 tháng (16/7 đến 9/8), thép Việt đã bị khởi kiện PVTM và áp thuế tự vệ tạm thời từ 7 thị trường (gồm Thái Lan, EU, Canada, Malaysia, Hoa Kỳ, Liên minh kinh tế Á-Âu, Ấn Độ) với 8 vụ việc. Riêng thị trường Hoa Kỳ, chỉ cách nhau vài ngày, thép Việt đã hai lần liên tiếp bị khởi xướng điều tra chống lẩn tránh thuế CBPG và CTC.
Cụ thể, ngày 27/7, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) khởi xướng điều tra chống lẩn tránh thuế CBPG và thuế CTC đối với sản phẩm thép chống ăn mòn (CORE) nhập khẩu từ Việt Nam do nghi ngờ có sự lẩn tránh thuế CBPG và CTC đối với thép CORE NK từ Hàn Quốc và thuế CBPG đối với thép CORE nhập khẩu từ Đài Loan (Trung Quốc).
Tiếp sau đó, ngày 2/8, DOC lại khởi xướng điều tra chống lẩn tránh thuế CBPG và thuế CTC đối với sản phẩm thép cuộn cán nguội (CRS) nhập khẩu từ Việt Nam do nghi ngờ có sự lẩn tránh thuế CBPG và CTC đối với thép CRS nhập khẩu từ Hàn Quốc.
Nhận định về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Sưa- Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết: Chủ nghĩa bảo hộ thương mại bắt đầu nổi lên khá rầm rộ thời gian gần đây. Ngành thép nước nhà bị nhiều thị trường khởi xướng kiện phòng vệ thương mại.
“Những vụ kiện thương mại này sẽ khiến cho ngành thép đối diện nhiều khó khăn. Muốn đảm bảo mức tăng trưởng, ngành thép phải có rất nhiều nỗ lực”- ông Sưa nhấn mạnh.
Cần chủ động thông tin thị trường
Lý giải nguyên nhân khiến thép Việt liên tục dính vào các vụ kiện PVTM, vị này cho rằng: Thép là nguyên liệu đầu vào cho tất cả các ngành công nghiệp và xây dựng. Đây là vật liệu chiến lược nên nhiều nước chú ý đến. Thứ hai, những năm gần đây, ngành thép Việt tăng trưởng nhanh. Ngoài mở rộng tại thị trường trong nước, xuất khẩu thép cũng đạt những kết quả tốt.
Ví dụ, năm 2016, Việt Nam xuất khẩu đạt 3,6 triệu tấn thép và năm 2017 xuất khẩu đạt 4,7 triệu tấn thép. Năm nay, với đà xuất khẩu đạt được nửa đầu năm, nếu không bị ngăn cản bởi các vụ kiện PVTM, xuất khẩu thép hoàn toàn có thể đạt con số trên 5 triệu tấn. Theo ông Sưa, chính việc thép Việt xuất khẩu với tốc độ tăng trưởng nhanh nên gây ra sự chú ý từ các nước và họ đã áp dụng biện pháp PVTM để bảo vệ sản xuất trong nước.
Với vai trò quản lý nhà nước, lãnh đạo Bộ Công thương nêu quan điểm: Ngành thép tiếp tục phải cạnh tranh ngày càng gay gắt do thép nhập khẩu thâm nhập mạnh vào thị trường Việt Nam. Bên cạnh đó, việc phải đối mặt với nhiều vụ điều tra bán phá giá từ các nước nhập khẩu khiến xuất khẩu thép gặp nhiều khó khăn.
Trong thời gian tới, DN ngành thép trong nước cần phải nâng cao năng lực cạnh tranh, hướng đến tự chủ được các nguồn nguyên liệu sản xuất đầu vào ngay trong nước. Ngành công nghiệp thép trong nước phải cố gắng khép kín từ khâu đầu vào đến sản xuất để loại trừ dần nguồn gốc xuất xứ từ các nước, giảm thiểu việc các nước cho rằng Việt Nam lẩn tránh thuế.
Còn theo khuyến cáo của giới chuyên gia, để tránh được những “mũi dùi” tấn công từ việc bảo hộ sản xuất của các thị trường, DN ngành thép cần thường xuyên nâng cao hiểu biết về thương mại quốc tế; cấu trúc lại thị trường xuất khẩu, tránh xuất khẩu tập trung vào một thị trường dẫn tới kim ngạch xuất khẩu có sự gia tăng đột biến, tạo cớ cho thị trường nhập khẩu khởi kiện.
Tính từ ngày 16/7 đến 9/8, thép Việt đã bị khởi kiện PVTM và áp thuế tự vệ tạm thời từ 7 thị trường với 8 vụ việc. Trong đó phải kể đến các thị trường Thái Lan, Liên minh Châu Âu, Canada, Hoa Kỳ… Mới đây nhất, ngày 9/8, Tổng vụ Phòng vệ thương mại (DGTR) - thuộc Bộ Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ đã khởi xướng vụ việc điều tra chống trợ cấp đối với sản phẩm ống thép không gỉ có xuất xứ hoặc nhập khẩu từ Trung Quốc và Việt Nam.
Nguồn tin: Đại đoàn kết