Đó là khẳng định của ông Chu Đức Khải – Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Thép Việt Nam với Đất Việt xung quanh việc một số doanh nghiệp sản xuất thép tại Hoa Kỳ đã chính thức nộp đơn Cáo buộc thép Việt Nam lẩn tránh thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp đối với sản phẩm thép cán nguội nhập khẩu vào Mỹ.
PV: - Mới đây một số doanh nghiệp sản xuất thép tại Hoa Kỳ đã chính thức nộp đơn kiện chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp đối với sản phẩm thép cán nguội nhập khẩu từ Việt Nam.
Nguyên nhân là sau khi áp thuế mạnh với thép Trung Quốc thì lượng thép Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ tăng. Phía Mỹ nghi ngờ thép Việt Nam đội lốt thép Trung Quốc rồi xuất ngược lại Mỹ.
Ông bình luận như thế nào về việc này? Phía Mỹ căn cứ vào đâu để kiện Việt Nam thưa ông?
Ông Chu Đức Khải: - Trước tiên tôi muốn làm rõ câu hỏi: đây chưa phải là đơn kiện mà mới chỉ là cáo buộc của một số doanh nghiệp (DN) Mỹ gửi tới Bộ Thương mại Mỹ (DOC) xem xét, nếu hợp lý thì mới chính thức khởi xướng điều tra theo qui trình của 1 vụ kiện Thương mại.
Thêm vào đó, trong xu thế Hội nhập toàn cầu về kinh tế, việc các nước sử dụng các biện pháp Phòng vệ Thương mại (kiện chống bán phá giá; kiện chống trợ cấp; kiện lẩn tránh áp thuế chống bán phá giá và Phòng vệ Thương mại) là một việc thường xảy ra nhằm bảo vệ sản xuất trong nước, tuân thủ những qui định của WTO.
Ví dụ: tính đến nay, các nước ASEAN đã khởi kiện trên 40 vụ đối với các sản phẩm thép Trung Quốc. Cộng đồng Châu Âu, Hoa Kỳ, Mỹ latinh và nhiều nước khác cũng đã khởi xướng trên 30 vụ kiện Thương mại với thép Trung Quốc.
Xuất xứ của sự việc là tháng 5/2016, Mỹ ban hành lệnh áp thuế chống bán phá giá khoảng 200% và thuế chống trợ cấp 256% đối với tôn mạ của Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ. Do vậy, lượng tôn mạ từ Trung Quốc vào Mỹ giảm.
Ông Chu Đức Khải – Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Thép Việt Nam trao đổi với Đất Việt. Ảnh: Nguyễn Hoàn
Ngày 27/9/2016, một số DN sản xuất thép tại Hoa Kỳ (gồm California Steel Industries; Steel Dynamics Inc.; Arcelor Mittal USA LLC; Nucor Corporation; United States Steel Corporation, và AK Steel Corporation) đã nộp đơn cáo buộc sản phẩm thép cán nguội (cold rolled steel - CRS) nhập khẩu từ Việt Nam có nguồn gốc nguyên liệu từ thép cuộn cán nóng (HRC) của Trung Quốc, nghi ngờ thép HRC của Trung Quốc nhập qua Việt Nam để lẩn tránh thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp. Trên thực tế, từ nhiều năm nay Việt Nam chưa có đơn vị nào sản xuất được HRC để làm nguyên liệu cho sản xuất thép cuộn cán nguội (CRS). Chúng ta hàng năm phải chi nhiều tỷ USD để nhập thép cuộn cán nóng (HRC) từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Nga…(phần lớn từ Trung Quốc).
Mỹ ''dằn mặt'' thép Việt Nam: Sự thật yếu tố Trung Quốc?
Về căn cứ để phía các DN Mỹ gửi đơn Cáo buộc lên Bộ Thương mại Hoa Kỳ là do họ thấy lượng hàng tôn mạ và cuộn cán nguội của Việt Nam nhập khẩu vào Mỹ tăng trong năm 2016 trong khi hàng cùng loại từ Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ giảm gây mối nghi ngờ thép HRC qua Việt Nam gia công thành Cuộn cán nguội, mạ rồi nhập khẩu vào Mỹ để trốn thuế.
Cũng tương tự như trường hợp của Việt Nam, trong giai đoạn 2015 – 2016, khi lượng thép dài, thép hình, phôi thép và thép chứa vi lượng Boron (đội lốt thép hợp kim nhằm hưởng thuế suất thuế nhập khẩu bằng 0%) nhập khẩu vào Việt Nam với số lượng tăng đột biến, các DN sản xuất thép của chúng ta đã phối hợp cùng Hiệp hội thép gửi đơn Cáo buộc lên Cơ quan quản lý Cạnh tranh của Việt Nam và đã được chấp thuận, đẩy lên thành các vụ kiện Thương mại.
Tính đến nay, chúng ta đã và đang triển khai 5 vụ kiện đối với thép Trung Quốc và một số nước khác có liên quan.
PV: - Động thái trên thể hiện tín hiệu gì đối với xuất khẩu thép của Việt Nam sang thị trường này, thưa ông?
Phía Hiệp hội thép Việt Nam đã lường trước khó khăn và có những động thái đáp trả lại phía Mỹ ra sao?
Ông Chu Đức Khải: - Động thái trên nhắc nhở các DN thép Việt Nam một điều rằng: tìm kiếm, khai thác được 1 thị trường đã khó nhưng giữ vững được thị trường còn khó hơn vì các nước luôn tìm mọi biện pháp phòng vệ Thương mại theo qui định của WTO để bảo vệ sản xuất trong nước họ.
Nguồn tin: Đất việt