Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Thép xây dựng đội lốt thép "hợp kim" để lách thuế

-Trong bối cảnh suy giảm kinh tế, thị trường vật liệu xây dựng trầm lắng, thép xây dựng tồn đọng nhiều thì từ đầu năm đến nay thép ngoại giá rẻ lại tràn vào Việt Nam ngày một nhiều đã gây khó khăn cho các nhà sản xuất trong nước trong việc tiêu thụ sản phẩm.

Nghiêm trọng hơn, có doanh nghiệp nhập khẩu thép xây dựng thông thường nhưng lại khai báo với hải quan là thép hợp kim để gian lận thương mại, hưởng thuế suất thuế nhập khẩu 0% thay cho 12%, làm thiệt hại cho nhà nước nhiều tỷ đồng.

Biến thép xây dựng thành thép hợp kim

Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết, từ đầu năm đến nay, thép nhập khẩu từ ASEAN về nhiều, chủ yếu là thép cuộn. Chỉ trong 2 tháng đầu năm, lượng thép cuộn nhập khẩu vào Việt Nam tăng vọt tới trên 47.000 tấn. Riêng tháng 2, lượng thép này nhập về gấp 10 lần so với tháng 1 khiến cho việc tiêu thụ thép trong nước sản xuất đã khó nay lại càng khó hơn. Cả quý I/2009, lượng thép tiêu thụ của các doanh nghiệp Hiệp hội chỉ đạt 698.000 tấn, giảm tới 30% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trước việc tiêu thụ giảm sút mạnh này, một số doanh nghiệp thành viên VSA đã tìm hiểu và cho biết, lượng thép cuộn nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam trong tháng 1 và 2 là do Công ty Thép Thành Long (Hưng Yên) nhập về khai với Hải quan là thép cuộn hợp kim để được hưởng mức thuế nhập khẩu 0%, nên bán ra thị trường với giá rất rẻ so với thép cuộn sản xuất trong nước từ 800.000 đến 1,5 triệu đồng/tấn, làm cho lượng tiêu thụ thép cuộn trong nước giảm sút rõ rệt.

Một số công ty đã lấy mẫu lô hàng SAE 10B17, SAE 1008B, SAE 10B06 của Công ty Thành Long đưa đến Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 1 thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Việt Nam để kiểm tra. Qua phân tích, đây không phải là thép hợp kim mà chỉ là thép các bon xây dựng thông thường, chỉ khác là có thêm chút ít (0,005%) hàm lượng chất Bo (để làm cứng thép). Bởi nếu là thép cuộn cacbon thông thường sẽ phải chịu thuế suất thuế nhập khẩu 12% nhưng do có thêm chất Bo, thép cacbon “nghiễm nhiên” biến thành thép hợp kim, được hưởng mức thuế suất ưu đãi là 0%.

Chỉ với một mẹo nhỏ nhưng Công ty này đã “qua mặt” được các cơ quan chức năng gần 29.000 tấn thép “hợp kim” và tránh được số tiền nộp thuế lên đến 17 tỷ đồng.

Cần có biện pháp ngăn chặn kịp thời

Ông Nguyễn Tiến Nghi, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết tại cuộc họp Hiệp hội Thép Đông Nam  Á ở Thượng Hải (Trung Quốc) ngày 18/3/2009, một số nước ASEAN cũng đã phản ánh hiện tượng thép cuộn nhập khẩu có thêm chất Bo để biến thành thép hợp kim nhằm trốn thuế cũng đã xảy ra với nước họ.

Trong cuộc đối thoại giữa Hiệp hội Thép ASEAN với Hiệp hội Thép Trung Quốc, VSA đưa ra vấn đề này, phía Trung Quốc đã đề nghị Việt Nam gửi danh sách những công ty đã xuất khẩu các loại thép này để họ can thiệp.

Để giải quyết tình trạng này, ngày 24/3, VSA đã có công văn trình Thủ tướng Chính phủ thông tin về cuộc họp của Hiệp hội Thép Đông Nam Á tại Trung Quốc, đồng thời phản ánh và kiến nghị giải pháp chống hiện tượng hàng nghìn tấn thép cuộn “hóa phép” thành thép hợp kim để được hưởng mức thuế 0% tràn vào Việt Nam. VSA đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành liên quan kịp thời có chính sách đối phó với khủng hoảng ngành thép như một số nước đã áp dụng.

Bên cạnh đó, VSA cũng kiến nghị Tổng cục Hải quan, Cục Quản lý Thị trường và Cục kiểm tra sau thông quan Tổng cục Hải quan kiểm tra, xác minh lại những lô hàng thép cuộn nói trên để có biện pháp ngăn chặn kịp thời những hiện tượng gian lận thương mại gây ra sự cạnh tranh không lành mạnh.

(Nông Nghiệp)

ĐỌC THÊM