Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Thép xây dựng: 'Quyền lực' chuyển về người mua?

Tháng 10/2008, giá thép xây dựng xuống mức dưới 10 triệu đồng/tấn và lần đầu tiên, thị trường chứng kiến sức ép lớn đến thế của mất cân đối cung - cầu.

Theo thống kê, cả nước hiện có trên 60 cơ sở cán thép quy mô từ 10 nghìn đến 500 nghìn tấn/năm. Ảnh: Internet

Với hơn 3 triệu tấn tồn kho, nhiều chủ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thép “ôm bom” hàng nghìn tấn không bán được, chấp nhận thu tiền ở mức dưới giá thành.

Nhưng đó mới chỉ là con sóng lớn đầu tiên, báo hiệu một chu kỳ kinh doanh không còn dễ dàng. Thời của gom hàng chờ giá lên, thời của các doanh nhân “chảnh” với thị trường, với người tiêu dùng đã không còn kể từ khi các doanh nghiệp ngành thép buộc phải nhờ đến sự can thiệp, hỗ trợ của Chính phủ. “Quyền lực” trên thị trường thép xây dựng đang dần chuyển vào tay người mua.

Ngành cạnh tranh chóng mặt

Ở vào giai đoạn phát triển cơ sở hạ tầng mạnh mẽ, nhu cầu về thép tại Việt Nam tăng lên nhanh chóng. Giai đoạn 2005-2009, lượng thép xây dựng tiêu thụ tăng bình quân hàng năm xấp xỉ 15% và năm 2009 đạt khoảng 5,3 triệu tấn.

Tuy nhiên, sản lượng thép có tốc độ tăng cao hơn. Nếu như năm 2000, sản lượng thép xây dựng thành phẩm mới đạt 1,6 triệu tấn thì năm 2009, con số này đã vượt 5,8 triệu tấn. Giai đoạn 2000-2005, tốc độ tăng trưởng sản lượng bình quân khoảng 15,4%/năm, sang giai đoạn 2006-2009 đạt 15,6%/năm. Dự báo, tốc độ tăng sản lượng trong 5-10 năm tới sẽ giảm đi nhưng vẫn trên mức 10%/năm.

Theo thống kê, cả nước hiện có trên 60 cơ sở cán thép quy mô từ 10 nghìn đến 500 nghìn tấn/năm. Ngoài ra còn có hàng trăm cơ sở cán thép mini công suất từ vài trăm tấn/năm đến dưới 10 nghìn tấn/năm (riêng Bắc Ninh có 170 cơ sở sản xuất, hộ tư nhân cán thép với tổng công suất khoảng 180-200 nghìn tấn năm).

Như vậy, đối với thép xây dựng, hiện nay các doanh nghiệp trong nước hầu hết đã đáp ứng được nhu cầu và nếu tính cả nguồn nhập khẩu thì cung đã vượt cầu tương đối nhiều, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) cho biết.

Nhưng đó chưa phải là con số chênh lệch cung - cầu cuối cùng. Với các dự án ngành thép hiện đang triển khai và khả năng bắt đầu cho sản phẩm từ nay đến 2012, dự báo năm 2013 nguồn cung thép trên thị trường sẽ vượt nhu cầu tiêu thụ lớn.

Ở một góc nhìn khác, theo thông tin của Hiệp hội Thép Việt Nam tính đến giữa năm 2010, năng lực sản xuất thép của các dự án được cấp phép đã gần gấp đôi so với nhu cầu của nền kinh tế. Trong khi đó, khả năng độc chiếm thị trường nội địa cũng không dễ dàng, nhất là trước áp lực đang gia tăng của sản phẩm giá rẻ nhập khẩu từ Trung Quốc.

Việc gia nhập WTO với cam kết hạ mức thuế suất thuế nhập khẩu bình quân với các sản phẩm thép xuống 13%, bắt đầu từ năm 2014 sẽ tiếp tục đẩy sự cạnh tranh trong ngành thép ngày càng khốc liệt hơn.

Theo Cục Quản lý cạnh tranh, năm 2009, không dưới 3 lần doanh nghiệp ngành thép đã phải đề nghị sự trợ giúp của Chính phủ, Bộ Công Thương và Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) trước áp lực của thép ngoại. Sự cạnh tranh càng hiện rõ khi chỉ trong 4 tháng đầu năm 2010, đã có trên 100 nghìn tấn thép xây dựng được nhập về Việt Nam trong khi sản phẩm trong nước đang dư thừa.

“Điều này đồng nghĩa với việc giảm quyền lực của các nhà sản xuất thép xây dựng đối với khách hàng, hạn chế khả năng gom hàng, đầu cơ ép giá đối với mặt hàng thép xây dựng trên thị trường”, Cục Quản lý cạnh tranh nhìn nhận.

Nhưng chưa dễ hạ giá

Mặc dù có tốc độ tăng trưởng nhanh chóng nhưng ngành kinh tế với trị giá khoảng 80-100 nghìn tỷ đồng/năm này không có được sự chủ động về nguyên liệu. Đầu vào ngành thép xây dựng Việt Nam chủ yếu là thép phế để sản xuất phôi vuông nhưng cũng chỉ đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu, phần còn lại phải phụ thuộc vào nhập khẩu.

Nguồn thép phế hiện chủ yếu được nhập từ Trung Quốc và các nước ASEAN, ngoài ra còn có một số nước khác như Mỹ, Nhật Bản, Nga… Như vậy, có thể thấy ngành thép xây dựng Việt Nam chịu ảnh hưởng rất nhiều từ biến động giá phôi thép trên thế giới và tỷ giá giữa đồng nội tệ và ngoại tệ, chủ yếu là USD.

Khả năng cạnh tranh về giá của các doanh nghiệp còn bị hạn chế bởi quy mô sản xuất nhỏ. Hiện tại, quy mô sản xuất thép xây dựng của doanh nghiệp Việt Nam mới đạt bình quân khoảng 200 nghìn tấn/năm. Các doanh nghiệp chủ yếu đầu tư công đoạn cán thép cuối cùng, chỉ một số ít doanh nghiệp tự khai thác quặng và sản xuất thép theo công nghệ lò cao.

Nhiều chuyên gia cho rằng, với một dự án luyện và cán thép thì quy mô sản xuất tối thiệu có hiệu quả phải từ 1 triệu tấn/năm trở lên với hạn mức đầu tư hàng tỷ USD. Với điều kiện của Việt Nam, quy mô có thể nhỏ hơn nhưng đây vẫn là rào cản rất lớn cho các doanh nghiệp trong nước để có thể tăng năng lực, đổi mới công nghệ nâng cao khả năng cạnh tranh và hạ giá thành.

Do mức độ cạnh tranh ngày càng cao, sự tích tụ kinh tế cũng đang diễn ra mạnh mẽ trên thị trường thép. Hiện tại, 5 doanh nghiệp đứng đầu thị trường đã chiếm khoảng 55% thị phần tiêu thụ thép của toàn thị trường, trong đó lớn nhất là Pomina. Tiếp đến là Gang thép Thái Nguyên (thương hiệu Tisco); Thép Hòa Phát và Thép Việt Hàn (VSC-Posco)…

Thị phần của Pomina từ tỷ lệ 12,59% năm 2007 đã tăng lên 14,9% vào năm 2009. Tương tự là Tisco từ 11,58% lên 13,9%; Hòa Phát từ 7,75% lên 9%; Vinakyoei từ 7,13% tăng lên 9,2%; và VSC-Posco từ 5,67% lên mức 7,8%. Mặc dù khả năng chi phối thị trường của số ít doanh nghiệp hàng đầu đang lớn dần nhưng không có nghĩa là khả năng cung ứng đã bao trùm thị trường.

Một số doanh nghiệp lớn đã phát triển hệ thống đại lý để giảm khâu phân phối chung gian và tăng cạnh tranh về giá. Tuy nhiên, do bị hạn chế bởi chủng loại hẹp, đơn điệu về giá cả nên sức hấp dẫn của các đại lý độc quyền này chưa cao và khó cạnh tranh với các đại lý bán nhiều loại sản phẩm, đa dạng về giá, xuất xứ từ các nhà máy khác nhau để người tiêu dùng tùy ý lựa chọn.

Và mặc dù trong ngành thép xây dựng Việt Nam cung đã vượt cầu, thị trường vẫn ghi nhận trong một số thời điểm nhất định, hiện tượng khan hiếm các mặt hàng thép vẫn xuất hiện, dù thời gian không kéo dài do khâu điều tiết, phân phối kịp thời khắc phục.

Tuy nhiên, việc Công ty Cổ phần Thép Việt Ý ký hợp đồng với doanh nghiệp Trung quốc sản xuất thép tại Trung quốc với nguồn nguyên liệu tại chỗ rồi nhập khẩu tiêu thụ tại thị trường Việt Nam với mác thép Việt Ý cũng cho thấy phần nào khả năng cạnh tranh về giá còn hạn chế của doanh nghiệp thép trong nước.

Nguồn: NDHMoney

Độc giả có thể gửi ý kiến, nhận xét, bày tỏ quan điểm của mình đối với tin tức này bằng cách bấm vào nút "Ý kiến Của bạn"

ĐỌC THÊM