Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Thị trường bán lẻ hấp dẫn trở lại

 Thị trường bán lẻ trong nước đang hấp dẫn trở lại đối với các nhà đầu tư nước ngoài sau một thời gian bị đánh giá kém triển vọng dần.

Hãng tư vấn A.T. Kearney của Mỹ vừa công bố Chỉ số phát triển bán lẻ toàn cầu (GRDI) năm 2017, theo đó Việt Nam đã thăng hạng từ vị trí thứ 11 năm 2016 lên thứ 6 trong năm 2017. Điều này cũng đánh dấu sự trở lại top đầu của Việt Nam trong bảng xếp hạng về mức độ hấp dẫn của thị trường bán lẻ, sau một thời gian rơi khỏi top 10 thị trường dẫn đầu.

Theo khảo sát GRDI của A.T. Kearney, năm 2017 Việt Nam chỉ đứng sau các thị trường lớn là Ấn Độ, Trung Quốc, Malaysia, Thổ Nhĩ Kỳ và Các tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất (UAE). Trong khi đó, Việt Nam đã vượt các thị trường đông dân như Indonesia (vị trí trứ 8), hay các nước có thị trường bán lẻ phát triển nhanh trong những năm qua như Thái Lan (vị trí 30), Philippines (vị trí 18), Kazakhstan (vị trí 16), Saudi Arabia (vị trí 11)...

Điều này cho thấy thị trường bán lẻ trong nước đang hấp dẫn trở lại đối với các NĐT nước ngoài sau một thời gian bị đánh giá kém triển vọng dần. Trước đó, Việt Nam từng đứng đầu danh sách này trong năm 2008, xếp vị trí thứ 6 trong năm 2009, thứ 14 trong năm 2010 và thứ 23 trong năm 2011, song tới năm 2012 đã tuột khỏi danh sách 30 thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới.

Chia sẻ về lý do thị trường bán lẻ Việt Nam bật tăng trong bảng xếp hạng của hãng này, ông Soon Ghee Chua, Trưởng khu vực Đông Nam Á của A.T. Kearney cho biết, các chính sách thu hút đầu tư của Chính phủ đối với lĩnh vực bán lẻ đã thông thoáng hơn. Trong khi đó Việt Nam vẫn đang ở trong thời kỳ dân số vàng với dân số trẻ, tầng lớp thành thị và trung lưu tăng nhanh, cùng với tăng trưởng GDP tương đối cao so với các nước trong khu vực.

Nền kinh tế Việt Nam cũng đang chuyển đổi theo hướng mở rộng đầu tư của khối tư nhân và hướng tới xuất khẩu hàng hóa giá trị cao, điều này sẽ giúp tăng thu nhập bình quân và mức chi tiêu dùng trong dài hạn. Đây là những lý do khiến các nhà bán lẻ nước ngoài đặt nhiều niềm tin vào thị trường Việt Nam.

Cụ thể, theo A.T. Kearney, Luật Đầu tư thông thoáng hơn đã góp phần thúc đẩy sự hấp dẫn của Việt Nam đối với các nhà bán lẻ nước ngoài. Chính phủ đã cho phép mở rộng 100% quyền sở hữu của các nhà bán lẻ nước ngoài và có nhiều chính sách ưu đãi tiếp tục thu hút họ. Bên cạnh đó, tốc độ tăng trưởng của thị trường bán lẻ trong nước vẫn đạt mức khá cao so với các nước trong khu vực.

Tính chung 5 tháng đầu năm nay, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính đạt 1.600,8 nghìn tỷ đồng, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm trước, cũng tương đương với mức tăng của cả năm 2016.

Thực tế cũng cho thấy bán buôn bán lẻ đang là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của NĐT nước ngoài với hàng trăm lượt dự án cấp mới, tăng vốn và góp vốn mua cổ phần trong 5 tháng đầu năm 2017, theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài. Cụ thể là bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe gắn máy là lĩnh vực thu hút vốn FDI cao thứ 3, sau công nghiệp chế biến chế tạo và khai khoáng.

Tuy nhiên, nếu xét về số dự án cấp mới (222 dự án), số lượt dự án tăng vốn (41 lượt) và số lượt góp vốn, mua cổ phần (679 lượt) trong lĩnh vực này đều đứng ở vị trí thứ 2. Tổng số lượt dự án rót vốn vào ngành bán buôn, bán lẻ gần bằng con số tương ứng của ngành công nghiệp chế biến chế tạo và bỏ xa ngành khai khoáng. Điều này cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài đang dành sự quan tâm lớn cho thị trường bán lẻ Việt Nam và tiến vào nhiều hơn cả dưới hình thức đầu tư mới lẫn mua bán và sát nhập.

Theo dự báo, mô hình cửa hàng tiện lợi và siêu thị mini đang là phân khúc phát triển nhanh nhất trên thị trường bán lẻ tại Việt Nam. Mới đây, CTCP Seven System Việt Nam là đại lý nhượng quyền của chuỗi cửa hàng tiện lợi 7-Eleven đã công bố kế hoạch chính thức mở cửa tại Việt Nam vào tháng 6 này.

Trong lĩnh vực góp vốn mua cổ phần, thương vụ nổi bật trong các tháng đầu năm là ACA Investments, Công ty quản lý quỹ của Nhật Bản thuộc Tập đoàn Sumimoto vừa rót một khoản đầu tư vào CTCP Bibo Mart để nắm giữ 20% cổ phần Bibo Mart…

Nguồn tin: Tài chính

ĐỌC THÊM