Những năm gần đây, các cửa hàng tiện lợi mọc lên ở mọi nơi, len lỏi vào từng phố nhỏ, ngõ nhỏ. Để thu hút người tiêu dùng thay đổi thói quen mua sắm hiện đại, các chuỗi cửa hàng tiện lợi đều có "đặc sản" riêng. Circle K sử dụng thế mạnh là thực phẩm chế biến sẵn cùng không gian có máy lạnh, wifi để khách mua hàng ngồi tại cửa hàng thưởng thức. Trong khi đó, Vinmart+ lấy rau xanh, thịt sạch, trái cây sạch làm mũi nhọn...
Vinmart+ phân phối rau xanh, thịt sạch, trái cây sạch. Ảnh: Hải Anh
Có thể thấy, điểm mạnh chung của các cửa hàng tiện lợi so với mô hình cửa hàng tạp hóa truyền thống là đáp ứng nhiều hơn nhu cầu của khách hàng. Khách có thể thanh toán tiền điện, tiền nước, tiền internet, đặt vé máy bay, mua thực phẩm, nước giải khát chế biến tại chỗ... Đó là những điều mà tạp hóa truyền thống không thể đáp ứng.
Bên cạnh đó, các chuỗi cửa hàng tiện lợi hiện đại lại giữ được ưu điểm lớn nhất của tạp hóa truyền thống, đó là gần khách hàng và tiện ích. Bất kỳ khu dân cư nào tập trung nhiều khách hàng tiềm năng, chuỗi cửa hàng tiện lợi đều vươn tới, kể cả trong ngõ hẻm hay mặt bằng có diện tích không lớn. Công thức này được Circle K áp dụng triệt để nhất tại khu vực xung quanh các trường phổ thông và đại học.
Mỗi trường đại học lớn tại Hà Nội đều có từ 3 đến 5 cửa hàng Circle K trong bán kính 1km quanh cổng trường. Trước và sau giờ học, cửa hàng luôn thu hút đông các bạn trẻ mua đồ ăn vặt như bánh mì, cà phê sữa đá, bim bim, kẹo, nước ngọt...
Báo cáo của Nielsen cho thấy, cửa hàng tiện lợi là xu hướng bùng nổ tại Việt Nam trong 3 năm qua. Tốc độ mở cửa hàng tiện lợi và siêu thị mini tại Việt Nam đã tăng tới 200% một năm. Tính đến nay, FamilyMart đã có 100 cửa hàng, dự kiến sẽ có hơn 800 cửa hàng vào năm 2020.
7-Eleven của Nhật lên kế hoạch mở 100 cửa hàng trong vòng 3 năm và 1.000 cửa hàng trong vòng 10 năm. Cùng với đó là Shop & Go của Công ty CP Cửa hiệu và Sức sống (Singapore) hiện có hơn 160 cửa hàng. Số lượng cửa hàng Circle K (Mỹ) của Công ty TNHH Vòng tròn đỏ cũng có hơn 200 cửa hàng.
Không đứng ngoài cuộc đua, các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam đã, đang mở rộng mô hình này. Hết tháng 3-2018, Saigon Co.op đã có hơn 181 cửa hàng Co.opfood, 71 cửa hàng Co.opsmile, dự kiến nâng số lượng lên 150 cửa hàng Co.opsmile, 50 cửa hàng tiện lợi Cheers vào cuối năm nay. Vinmart+ - hệ thống cửa hàng tiện lợi đặt sâu trong các khu dân cư, tiện lợi cho mua sắm cũng đã lên tới hơn 800 địa điểm.
Theo Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, nhu cầu mua sắm hiện đại của người Việt Nam mới chỉ chiếm 20 - 25% chi tiêu tiêu dùng, còn rất thấp so với Philippines (33%), Thái Lan (34%), Trung Quốc (51%), Malaysia (60%) và Singapore (90%). Chi phí mặt bằng cao, giá thành đắt hơn, thói quen mua sắm và tiêu dùng truyền thống... là những lý do khiến người tiêu dùng bỏ qua cửa hàng tiện lợi và siêu thị nhỏ. Điều đó đòi hỏi các nhà bán lẻ cần xây dựng một chiến lược đầu tư hợp lý để phát triển thị trường này.
Ông Vũ Vinh Phú, chuyên gia ngành bán lẻ nhận định, thị trường bán lẻ Việt Nam còn rất lớn cho các hệ thống cửa hàng tiện lợi phát triển. Sự cạnh tranh ở phân khúc này là chưa lớn, vì vậy việc của các doanh nghiệp là tận dụng và có những chiến lược phù hợp.
Tuy nhiên, thị trường hấp dẫn sẽ kéo theo nhiều đối thủ cạnh tranh. Đặc biệt, đầu tư vào chuỗi cửa hàng tiện lợi, đòi hỏi phải trường vốn. Đây là lợi thế của các tập đoàn bán lẻ nước ngoài, nhưng lại là nhược điểm của doanh nghiệp Việt Nam với nhiều khó khăn về vốn, nhân lực, chất lượng phục vụ, kiểm soát nguồn gốc hàng hóa…
Vì vậy, doanh nghiệp Việt cần định vị cho thương hiệu của mình thông qua hàng hóa chất lượng, nguồn gốc rõ ràng, giá cạnh tranh, thái độ phục vụ tốt, đồng thời chủ động khai thác thị trường nông thôn - phân khúc còn nhiều tiềm năng.
Nguồn tin: Hà nội mới