Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết thị trường bất động sản chưa có tín hiệu khả quan trở lại, một vài dự án nhà ở xã hội cũng mới được triển khai chưa nhiều, điều này cũng khiến bán hàng thép nửa đầu năm 2023 tiếp tục ảm đạm.
Chưa thấy yếu tố hỗ trợ tiêu thụ thép xây dựng
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), sản lượng thép xây dựng sản xuất trong tháng 6 đạt 738.196 tấn, giảm 9% so với tháng trước và giảm 20% so với tháng 6/2022. Lượng bán hàng đạt 874.441 tấn giảm 6% so với tháng trước và giảm 14% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, xuất khẩu thép xây dựng đạt 149.623 tấn, giảm 21,5%.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, sản lượng thép xây dựng sản xuất đạt gần 5 triệu tấn, giảm 25,5% so với cùng kỳ 2022. Lượng bán hàng đạt gần 5,1 triệu tấn, giảm 23% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó xuất khẩu đạt 831.000 tấn, giảm 38%.
(Nguồn: VSA)
VSA cho biết nhu cầu thép yếu tại hầu hết khu vực trên thế giới và tâm lý tiêu cực đã tác động đến giá bán thép thành phẩm. Xu hướng giảm giá thép trên phạm vi toàn cầu càng được củng cố thêm khi các doanh nghiệp thép Trung Quốc đang tìm cách đẩy mạnh xuất khẩu với tốc độ giá giảm nhanh để cạnh tranh.
Riêng trong tháng 6, các doanh nghiệp đã có 3 đợt điều chỉnh giá bán thép xây dựng, mức giảm 100.000 -500.000 đồng/tấn tùy chủng loại sản phẩm và thương hiệu, theo số liệu của Steelonline.
Tính từ đầu năm đến nay, giá thép xây dựng đã có 12-13 đợt giảm liên tiếp, thép CB240 ở mức 13,74 - 14,48 triệu đồng/tấn; còn D10 CB300 khoảng 14,06 - 15,1 triệu đồng/tấn.
"Nhu cầu tiêu thụ thép xây dựng trong nước yếu nên các nhà máy cạnh tranh liên tục, điều chỉnh giá bán giảm dần và mới có đợt giảm chương trình hỗ trợ vào trung tuần tháng 6. Bên cạnh đó, thị trường bất động sản chưa có tín hiệu khả quan trở lại, một vài dự án nhà ở xã hội cũng mới được triển khai chưa nhiều", VSA lý giải.
Về thị phần, Tập đoàn Hòa Phát tiếp tục dẫn đầu về thép xây dựng, chiếm gần 32,6% tiêu thụ xây dựng thép cả nước, tương đương khoảng 1,6 triệu tấn, giảm 30% so với cùng kỳ năm 2022.
(Số liệu: VSA, Biểu đồ: Hoàng Anh)
Giá nguyên liệu thép dự kiến tăng nhẹ vào đầu quý III
Tại báo cáo, VSA cũng cho biết giá nguyên vật liệu thép trong tháng 6 tương đối ổn định so với tháng trước đó. Các mặt hàng nguyên liệu thép như quặng sắt, than mỡ luyện cốc có xu hướng tăng nhẹ vào cuối quý II, đầu quý III, kỳ vọng điều này sẽ hỗ trợ giá thép trong thời gian tới.
Theo đó, giá quặng sắt loại (62% Fe) ngày 6/7 giao dịch ở mức 112 USD/tấn CFR cảng Thiên Tân, Trung Quốc, tăng không đáng kể (1%) so với thời điểm đầu tháng 6. Bình quân 6 tháng đầu năm,giá quặng sắt ở mức 118,3 USD/tấn, giảm 15% so với cùng kỳ năm 2022.
Tương tự, giá than mỡ luyện cốc (Hard coking coal) xuất khẩu tại cảng Australia ngày 6/7 giao dịch ở mức khoảng 230 USD/tấn FOB, tương đương mức giá đầu tháng 6. Mức giá than mỡ luyện cốc giao dịch bình quân 6 tháng đầu năm 2023 đạt 293,6 USD/ tấn, giảm 37% so với cùng kỳ năm trước.
(Nguồn: VSA)
Giá thép phế liệu giao dịch cảng Đông Á ngày 6/7 ở mức 375 USD/tấn, giảm 4% so với đầu tháng 6. Bình quân nửa đầu năm 2023, giá thép phế liệu giao dịch cảng Đông Á đạt 421 USD/tấn, giảm 23% so với cùng kỳ năm 2022.
Tại thị trường nội địa, giá thép phế nội địa tương đối ổn định, giữ mức 8.600 -9.100 đồng/kg. Giá phế nhập khẩu tăng 15 USD/tấn, giữ mức 399 USD/tấn cuối tháng 6.
Thị trường than điện cực graphite (GE) dự kiến sẽ ghi nhận các xu hướng tăng trưởng trong dài hạn. Hiện, giá than điện cực loại UHP450 dao động 2.930-3.100 USD/tấn CFR Đà Nẵng, tương đối ổn định kể từ đầu năm 2023.
Nguồn tin: Vietnambiz