Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới tháng 4/2013

 ĐỒNG: Giá tăng trở lại nhờ sức mua từ Trung Quốc

Hai tuần đầu tháng 4, giá đồng tăng trở lại từ mốc sụt giảm lớn nhất trong 18 tháng qua nhờ sức mua từ Trung Quốc, đất nước tiêu thụ kim loại lớn nhất thế giới

Bắt đầu từ ngày 12/4, khi mà các nhà đầu cơ Trung Quốc bắt đầu mua vào, giá đồng trên sàn Thượng Hải đã cao hơn giá đồng giao dịch trên sàn London.

 Gayle Berry, một nhà phân tích kinh tế ở London cho biết, giá đồng có xu hướng tăng. Kim loại đỏ đã trượt giá khá lâu và giờ đây nó đang biến động theo chiều hướng tăng lên do ảnh hưởng sức mua từ Trung Quốc.

 Trên sàn giao dịch kim loại London, giá đồng giao sau 3 tháng tăng 1,1% lên 7.282 USD/tấn trong phiên 16/4. Trên sàn giao dịch Comex, đồng kỳ hạn tháng 5 lên 3,2885 USD/lb, tăng 0,5%.

Giá đồng thế giới tăng còn do thông tin từ tập đoàn Rio Tinto, nhà khai thác khoáng sản lớn thứ hai thế giới, cho biết sản lượng kim loại trong năm nay của hãng này có thể giảm 100.000 tấn bởi mỏ Bingham Canyon đã bị đình chỉ khai thác vào tuần trước.

Số liệu khảo sát của Bloomberg cho thấy, các công ty xây dựng ở Mỹ có thể đã xây thêm 930.000 căn nhà mới trong tháng 3, mức cao thứ 2 trong suốt 4 năm qua. Ngành xây dựng chiếm 40% nhu cầu đồng để sản xuất đường ống và dây điện, đây là động thái quan trọng giúp giá đồng tăng.

Tuần cuối tháng 4, giá đồng thoái lui xuống mức thấp 18 tháng dưới 7.000 USD/tấn (22/4), do tăng trưởng toàn cầu chậm lại làm giảm nhu cầu trong công nghiệp và làm xói mòn sức hấp dẫn của các kim loại đối với nhà đầu tư. Ngoài ra giá đồng giảm còn do nhập khẩu của Trung Quốc giảm so với cùng kỳ cộng với doanh số bán nhà cũ của Mỹ thấp hơn dự kiến.

Theo Citigroup, nguồn cung đồng có thể sẽ vượt cầu khoảng 341.000 tấn trong năm 2013, cao hơn năm ngoái 238.000 tấn. Hãng Caterpillar, nhà sản xuất trang thiết bị khai mỏ lớn nhất thế giới, vừa thông báo lợi nhuận quý I đáng thất vọng, dẫn tới hạ dự báo lợi nhuận cả năm nay và nguy cơ giảm nghiêm trọng lượng tiêu thụ đồng làm nguyên liệu sản xuất.

QUẶNG SẮT: Giá giao dịch hoán đổi giảm do tăng trưởng kinh tế Trung Quốc chậm lại

Giá quặng sắt giao dịch hoán đổi giảm trong tháng qua, giảm 13% từ mức cao nhất 16 tháng đạt được hồi tháng 2/13 khi nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm hơn so với dự báo, khiến nhu cầu đầu tư hạn chế ở nước nhập khẩu hàng hóa sản xuất thép lớn nhất thế giới.

Giá quặng sắt giao kỳ hạn tháng 5 giảm 3,6%, xuống còn 135 USD/tấn khô tại London trong phiên giao dịch ngày 16/4. Mức giảm trong ngày lớn nhất kể từ đầu tháng 4. Giao dịch hoán đổi ở mức thấp 134 USD/tấn.

Giá quặng sắt hàm lượng 62% giao tại cảng Thiên Tân, Trung Quốc ít thay đổi ở mức 138-140 USD/tấn.

Vừa qua Trung Quốc có một động thái mới nhằm lấy lại thế thượng phong trong định giá nguyên liệu thép thô sau 4 năm bỏ định giá thép hàng năm từ 2010. Theo đó, Trung Quốc sẽ từ chối cấp phép mới nhập khẩu quặng sắt trừ khi nhà nhập khẩu tham gia kinh doanh tại sàn giao dịch thép trong nước. Theo quy định này, các thương nhân và các nhà máy thép muốn có giấy phép nhập khẩu mới sẽ phải giao dịch ít nhất 551.155 tấn quặng sắt trên Sàn giao dịch khai thác quốc tế Bắc Kinh (CBMX). Chỉ các công ty Trung Quốc có đủ điều kiện mới cấp giấy phép nhập khẩu. Ngoài ra, các nhà máy thép xin cấp giấy phép phải có sản lượng hàng năm hơn 1 triệu tấn thép các loại, đáp ứng yêu cầu về môi trường nhà nước. Trung Quốc từ lâu đã nghi ngờ giá quặng sắt hiện bị thao túng bởi một số công ty khai thác, kinh doanh quặng lớn trên thế giới và muốn có một sàn giao dịch minh bạch hơn. Tháng trước, cơ quan hoạch định kinh tế hàng đầu của Trung Quốc cáo buộc 3 công ty khai mỏ hàng đầu thế giới và một số thương lái thao túng thị trường để đẩy giá lên cao. Giá quặng sắt tại Trung Quốc bị đẩy lên 160 USD/tấn trong tháng 2/13, tăng 80% so với mức thấp nhất 3 năm đạt được trong tháng 9/12.

THÉP: Thị trường vẫn ảm đạm, nhu cầu xuống thấp

Tại Trung Quốc, thị trường ảm đạm khiến các nhà sản xuất thép Trung Quốc cắt giảm giá mạnh trong tháng 4 và tháng 5. Giá xuất khẩu thép cuộn cán nóng có chứa chất Bo sang các quốc gia Đông Nam Á xuống còn 565 USD/tấn CFR do nhu cầu yếu. Ngoài ra, các nhà sản xuất thép Trung Quốc cũng giảm giá xuất khẩu đối với nguyên liệu thép cán nguội xuống còn 580 USD/tấn so với mức giá 600-605 USD/tấn CFR vào cuối tháng 3/2013.

Wuhan Iron and Steel Corp. (Wisco), hãng thép khổng lồ của Trung Quốc mới đây đã công bố chính sách giá trong tháng 5/2013. Hãng quyết định cắt giảm giá đối với sản phẩm thép cán nóng thêm 200 NDT/tấn. Ngoài ra, hãng cũng giảm giá sản phẩm thép và thép cuộn cán nguội cho thiết bị gia dụng thêm 240 NDT/tấn.

Shougang, một trong những công ty thép lớn nhất tại Trung Quốc đã công bố cắt giảm giá sản phẩm thép dẹt trong tháng 5/2013. Công ty quyết định cắt giảm giá thép cuộn cán nóng thêm 150 NDT/tấn, dẫn đến giá thép cuộn cán nóng Q235 với độ dày 5,5 mm ở mức 3.620 NDT/tấn, không có thuế VAT 17%. Bên cạnh đó, Shougang vẫn duy trì giá thép cuộn cán nguội và thép cuộn mạ kẽm nhúng nóng và thép tấm (HDG) không thay đổi trong tháng 5. Tuy nhiên, giá cung cấp giảm 170-220 NDT/tấn đối với thép cuộn cán nguội và 50-180 NDT/tấn đối với thép tấm HDG.

Hãng thép khổng lồ Trung Quốc - Taigang thông báo chính sách giá đối với sản phẩm thép cán nóng và thép tấm dày trung bình trong tháng 5/2013. Hãng quyết định cắt giảm giá sản phẩm thép cán nóng và thép tấm dày trung bình thêm 400 NDT/tấn và 300 NDT/tấn theo thứ tự lần lượt trong tháng 5/2013. Sau khi điều chỉnh, giá xuất xưởng đối với sản phẩm thép cán nóng Q235 với độ dày 2,75 mm ở mức 3.350 NDT/tấn và sản phẩm thép cán nóng Q235 với độ dày 5,5 mm ở mức 3.330 NDT/tấn. Trong khi đó, giá thép tấm dày trung bình Q235 với độ dày 14-20 mm ở mức 3.360 NDT/tấn.

Ansteel cũng quyết định cắt giảm giá sản phẩm thép cacbon cán nóng thông thường, thép tấm cuộn cán nguội thêm 150 NDT/tấn và 100 NDT/tấn theo thứ tự lần lượt trong tháng 5/2013. Sau khi điều chỉnh, giá xuất xưởng của hãng đối với thép cacbon cuộn cán nguội thông thường với độ dày 5,5 mm ở mức 3.430 NDT/tấn và thép SPHC hàm lượng cacbon thấp với độ dày 3,1 mm ở mức 3.520 NDT/tấn. Trong khi đó, giá xuất xưởng đối với thép cuộn cán nguội SPCC với độ dày 1 mm ở mức 4.350 NDT/tấn.

Trước đó, Baosteel cho biết sau khi công ty này tăng giá thép nội địa trong tháng 4/2013, các đơn hàng đã không đáp ứng mong đợi. Báo cáo sản lượng thép thô không gỉ của nhà sản xuất thép Baosteel Trung Quốc trong tháng 3/2013 ở mức khoảng 100.000 tấn, thấp hơn so với sản lượng trung bình hàng tháng 115.000-120.000 tấn năm 2012.

Triển vọng ngắn hạn, dự kiến tiêu thụ thép của Trung Quốc năm 2013 sẽ tăng 3,5%, lên 668,8 triệu tấn, sau khi tăng 1,9% năm 2012. Năm 2014, dự kiến nhu cầu thép của nước này sẽ tăng 2,5% do các biện pháp kiểm soát đầu tư của chính phủ Trung Quốc trong một nỗ lực để cân bằng nền kinh tế sẽ vẫn được giữ nguyên.

Làn sóng cắt giảm giá còn lan sang cả Nhật Bản. Theo báo cáo, Tokyo Steel Nhật Bản đã tuyên bố cắt giảm giá mua thép phế liệu thêm 500 yên/tấn tại một số khu vực, ngoại trừ nhà máy Tahara từ 5/4. Sau khi điều chỉnh, giá mua thép phế liệu H2 ở mức trung bình 32.000-34.500 yên/tấn. Trong số đó, giá mua thép phế liệu H2 tại nhà máy Okayama ở mức 33.000 yên/tấn, tại nhà máy Kyushu ở mức 33.000 yên/tấn, tại nhà máy Utsunomiya ở mức 33.500 yên/tấn và tại trung tâm thép Takamatsu ở mức 32.000 yên/tấn. Tuy nhiên, công ty vẫn duy trì giá mua thép phế liệu không thay đổi ở mức 34.500 yên/tấn tại nhà máy Tahara.

Tuy nhiên, lo ngại do chi phí nhập khẩu tăng cao và đồng yên Nhật Bản mạnh lên, Nisshin Steel Nhật Bản thông báo tăng giá thép ống và cuộn cán nguội austenitic nội địa thêm 20.000 yên/tấn và tăng giá thép ống và cuộn cán nguội ferritic nội địa thêm 10.000 yên/tấn giao hàng tháng 6/2013. Trong khi đó, Nippon Steel & Sumikin Stainless (NSSC), nhà sản xuất thép không gỉ lớn nhất tại Nhật Bản cũng tăng giá thép dẹt và cuộn cán nguội austenitic thêm 50.000 yên/tấn và tăng giá thép cuộn cán nguội ferritic thêm 20.000 yên/tấn từ quý đầu năm 2013. Giá duy trì ổn định trong tháng 4.

Dự báo nhu cầu thép thô của Nhật Bản trong quý II/2013 sẽ giảm 0,9% so với 26,4 triệu tấn quý trước. Trong khi đó, tổng nhu cầu sản phẩm thép Nhật Bản bao gồm xuất khẩu dự kiến giảm 2,3% so với quý trước, đạt 23,5 triệu tấn trong quý II/2013. Trong cùng thời gian trên, nhu cầu sản phẩm thép thông thường dự kiến đạt 18,9 triệu tấn, giảm 2,8%; sản phẩm thép đặc biệt đạt 4,6 triệu tấn, giảm 0,4%, cả hai đều giảm so với quý trước đó.

Nguồn tin :Giacavattu

ĐỌC THÊM