Các ngân hàng trung ương tăng cường dự trữ ngoại hối mạnh nhất kể từ 2004 khiến thị trường khan hiếm khoảng 2.000 tỷ USD, theo ước tính của Morgan Stanley.
Sau khi mức sẵn có của đô la Mỹ trên thị trường xuống thấp nhất trong lịch sử, chỉ khoảng 60,5% trong quý II/2011, đến tháng 12, tỷ lệ này tăng lên 62,11%, số liệu mới nhất của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) cho biết.
Việc các ngân hàng trung ương tăng cường mua đô khiến nhà đầu tư tư nhân thiếu hụt khoảng 2.000 tỷ USD, tăng so với 400 tỷ USD năm 2008 ngay cả khi Cục dự trữ liên bang Mỹ bơm thêm hơn 2.000 tỷ USD kể từ năm 2008.
Nhu cầu với đô la Mỹ tăng mạnh trong bối cảnh khủng hoảng nợ công châu Âu tiếp tục dai dẳng. Đô la Mỹ tăng 3,4% kể từ cuối tháng 4 so với hầu hết các đồng tiền chủ chốt bất chấp kỳ vọng Fed sẽ tung ra gói kích thích kinh tế mới tại cuộc họp tuần này.
Theo trưởng bộ phận chiến lược tiền tệ tại Morgan Stanley, Ian Stannard, người ta thường cho rằng thị trường có dư đô la Mỹ, nhưng thực chất các ngân hàng trung ương nắm giữ đa phần và không có dấu hiệu bơm ra. Điều này khiến thị trường rơi vào tình trạng khan hiếm đô.
“Chúng tôi cho rằng, đô la Mỹ sẽ tiếp tục mạnh lên trong những tháng tới do đe dọa từ khủng hoảng eurozone”, chiến lược gia thuộc Bank of America nhận định hôm 15/6. Đô la Mỹ sẽ tiếp tục là tài sản đầu tư an toàn cho đến khi tình hình châu Âu ổn định.
Nguồn tin:Taichinhthegioi