Trong khi viễn cảnh kinh tế Mỹ chuyển biến tích cực, sự trở lại của các nhà đầu cơ ưa chuộng rủi ro cao trên các thị trường chứng khoán đã đẩy đồng USD vào thế thất trận khi giảm giá so với hầu hết các đồng tiền chủ chốt vào ngày hôm qua.
Giới đầu tư, đặc biệt những tay đầu cơ thích mạo hiểm đã phần nào lấy lại niềm tin khi tin từ Châu Âu cho biết kết quả thành công của đợt phát hành trái phiếu trị giá 5 tỷ EUR (tương đương 6,72 tỷ USD) kỳ hạn 7 năm với lợi suất 6% của Hy Lạp. Được biết mục đích của đợt phát hành trái phiếu này của Hy Lạp là nhằm tạm thời giảm bớt thâm hụt ngân sách, vốn là nỗi lo bấy lâu nay của nhà đầu tư về sự bất ổn của kinh tế thế giới. Thêm vào đó, sự vững chãi hồi phục của nền kinh tế đầu tàu, Mỹ, khi tổng mức chi tiêu của người tiêu dùng trong tháng 3 tiếp tục tăng trưởng lại càng củng cố thêm sự yên tâm của các nhà đầu tư khi đem tiền rót vào các tài sản tài chính có tỷ suất sinh lợi cao hơn thay vì đầu tư vào đồng USD vốn an toàn song chỉ đem đến 0%-0.25% tỷ suất sinh lời từ lãi suất đồng tiền này.
Hôm thứ Hai, Bộ Thương mại Mỹ cho biết, tổng mức chi tiêu của người dân trong tháng 2/2010 đã tăng 0,3%, sau khi tăng 0,4% trong tháng 1/2010. Trong khi đó, mức thu nhập của người dân trong tháng 2 đã không thay đổi so với tháng 1, từ mức tăng 0,3% trong tháng đầu năm nay.
Chỉ số niềm tin tiêu dùng của người dân Mỹ trong tháng 3 sẽ đựơc công bố vào ngày hôm nay. Tuy nhiên, tâm điểm thu hút sự chú ý của thị trường sẽ là vào ngày thứ 5 tới đây với bảng lương phi nông nghiệp sẽ được công bố. Thị trường dự báo sẽ có chuyển biến tốt trên thị trường lao động Mỹ và quả thực nếu kỳ vọng được đáp đền thì đồng USD sẽ được hưởng lợi.
Nhu cầu vàng tương lai của Trung Quốc đẩy vàng tăng giá.
Sau nhiều ngày khá ảm đạm, hôm qua, tin vui dường như dồn dập đến với giới đầu tư khi Bộ thương mại Mỹ công bố báo cáo về chi tiêu tháng 2 trong khi Hy Lạp cũng đạt được thành công khi phát hành trái phiếu chính phủ còn Hiệp hội Vàng Thế giới công bố khảo sát về nhu cầu vàng tại Trung Quốc.
Mặc dầu thu nhập không thay đổi đáng kể so với tháng 1/2010 nhưng việc chi tiêu của người dân Mỹ tăng 0.3% trong tháng 2 cũng đủ khích lệ thị trường. Giới đầu tư còn vui mừng hơn khi “con nợ” bấy lâu nay làm rầu long tất cả các thị trường từ châu Âu tới châu Mỹ là Hy Lạp phát hành thành công 5 tỷ EUR trái phiếu với thời gian cũng khá dài lên tới 7 năm. Lực đẩy cho thị trường vàng còn đến từ báo cáo của Hiệp hội Vàng thế giới. Theo đó, hôm qua Hiệp hội này vừa công bố khảo sát cho thấy nhu cầu về vàng tại Trung Quốc trong 10 năm nữa có thể tăng gấp đôi hiện nay. Được biết rằng nhu cầu về vàng tại Trung Quốc đạt 423 tấn trong năm ngoái. Do vậy, một khi nhu cầu tại nền kinh tế này tăng gấp đôi thì giá vàng ắt sẽ bị đẩy lên khá cao. Những lý do trên đã đẩy giá vàng ngày thứ hai bật lên trên mốc 1100 USD/oz và chỉ chịu chốt phiên ở sát ngưỡng này với mức 1,109.64 USD/oz.
Hôm nay, những thông tin quan trọng được công bố tại thị trường Mỹ như chỉ số giá nhà, chỉ số niềm tin tiêu dùng ít nhiều sẽ tác động tác tâm lý giới đầu tư trên thị trường vàng. Hơn nữa, dư âm từ thành công của đợt phát hành trái phiếu của Hy Lạp hôm qua hẳn sẽ tiếp tục hỗ trợ cho sự tăng giá của vàng.
Đồng EUR tiếp tục hưởng lợi sau khi cơ chế hỗ trợ Hy Lạp được thông qua.
Tỉ giá EUR/USD ghi nhận phiên tăng giá thứ 2 sau khi cơ chế hỗ trợ Hy Lạp được thông qua hôm thứ 6 tuần qua. Giới phân tích tin rằng niềm tin đối với đồng EUR sẽ tiếp tục gia tăng miễn là các quốc gia còn lại trong khu vực Eurozone không bị hạ mức xếp hạng tín nhiệm. Thông tin kinh tế trong ngày cũng ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực với niềm tin kinh tế và niềm tin người tiêu dùng được cải thiện và áp lực lạm phát tại Đức cũng đang có chiều hướng tăng. Qua các báo cáo IFO gần đây, những vấn đề tại Hy Lạp dường như không có ảnh hưởng nhiều đến niềm tin tại nhiều nơi trong khu vực. Nhờ vào một sự gia tăng trong nhu cầu nội địa và đơn đặt hàng xuất khẩu, niềm tin kinh tế được cải thiện tích cực, chỉ số này tăng từ 95.9 lên 97.7. Tuy nhiên niềm tin người tiêu dùng không thay đổi, vẫn giữ ở mức -17. Trong khi đó, giá cả người tiêu dùng tại Đức tăng 0.5% trong tháng 3, đẩy gia tăng CPI so với cùng kì năm trước lên 1.1%, mức cao nhất tính từ tháng 12/2008. Kết quả này sẽ ít nhiều tạo áp lực lên NHTW Châu Âu (ECB) trong vấn đề thắt chặt chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, với nỗ lực cắt giảm chi tiêu và tăng thuế của các quốc gia trong khu vực nhằm giảm tình hình thâm hụt ngân sách, thì ECB có thể sẽ chỉ đóng vai trò cảnh báo và tạm thời duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng. Không có báo cáo kinh tế quan trọng nào được công bố trong ngày hôm nay, nếu không có những bất ngờ mới từ những khu vực khác, xu hướng tăng giá của đồng EUR vẫn tiếp tục được duy trì.
vinacorp