Trong phiên vừa qua, giá dầu giảm trở lại. Tuy nhiên, hầu hết các mặt hàng khác tăng do USD yếu đi. Hoạt động giao dịch trên thị trường Mỹ không sôi động trong ngày Lễ Tạ ơn.
Dầu giảm bởi dự trữ và sản lượng của Mỹ cao kỷ lục
Giá dầu thô giảm trở lại vì dự trữ dầu của Mỹ tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 12/2017 làm gia tăng lo ngại về tình trạng nguồn cung trên toàn cầu. Dầu Brent giảm 96 US cent xuống 62,52 USD/thùng vào cuối phiên, đầu phiên có lúc giảm hơn 1 USD; dầu Tây Texas (WTI) có thời điểm cũng giảm hơn 1 USD trước khi kết thúc ở mức 53,85 USD/thùng, thấp hơn 78 US cent so với đóng cửa phiên trước.
Xuất khẩu dầu của Iran tháng này đã giảm mạnh vài trăm nghìn thùng mỗi ngày, chứng tỏ lệnh trừng phạt của Mỹ đã khiến nhiều nhà nhập khẩu lo ngại.
Mặc dù vậy, giá dầu vẫn chịu áp lực giảm bởi dự trữ của Mỹ tăng 4,9 triệu thùng lên 446,91 triệu thùng trong tuần qua, mức cao nhất trong gần 1 năm, theo số liệu của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA). Sản lượng dầu thô nước này vẫn đang ở mức kỷ lục cao 11,7 triệu thùng/ngày.
Vàng, bạch kim, palađi tăng tiếp do USD giảm
Giá vàng tăng lên mức cao nhất gần 2 tháng do USD yếu đi và nghi ngờ về khả năng Mỹ sẽ tiếp tục nâng lãi suất. Vàng giao ngay tăng 0,1% lên 1.226,7 USD/ounce trong khi vàng kỳ hạn giao sau vững ở 1.228 USD/ounce. Chỉ số dollar index đã giảm 0,2% trong phiên vừa qua.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã có kế hoạch nâng lãi suất lần thứ 4 trong năm nay vào kỳ họp sẽ diễn ra trong tháng 12 tới, nhưng các nhà đầu tư đang nghi vấn mức lãi suất tăng trong năm tới sẽ là bao nhiêu để không kiềm chế tăng trưởng của nền kinh tế nước này.
Trong số các kim loại quý khác, bạch kim cũng tăng 0,4% lên 843,7 USD/ounce, trong khi palađi tăng 0,4% lên 1.153 USD/ounce. Riêng bạc giảm 0,2% xuống 14,46 USD/ounce, nhưng vẫn quanh mức cao nhất trong vòng 2 tuần.
Thép đảo chiều tăng sau 8 phiên giảm
Giá thép xây dựng tại Trung Quốc hồi phục sau 8 phiên giảm liên tiếp trước đó. Lý do bởi sản xuất bị gián đoạn do cảnh báo về mức độ ô nhiễm tại khu vực sản xuất thép hàng đầu nước này. Thép cây hợp đồng tham chiếu trên sàn Thượng Hải tăng 1,3% lên 3.729 CNY (538,2 USD)/tấn. Hợp đồng này đã xuống mức thấp nhất 4 tháng trong phiên 21/11/2018.
Tỉnh Hà Bắc ở miền Bắc Trung Quốc ngày 22/11 đã phát đi cảnh báo ô nhiễm mức độ 2 ở 10 thành phố, buộc ngành thép phải thực hiện các biện pháp khẩn cấp, trong đó có việc cắt giảm sản xuất và hạn chế vận chuyển nguyên vật liệu.
Tuy nhiên, các nhà phân tích thuộc CITIC Futures nhận định: "Giá thép sẽ vẫn duy trì ở mức thấp, mặc dù được hỗ trợ phần nào bởi nhu cầu mua tích trữ từ phía các thương gia nếu giá giảm thêm nữa". Sản lượng thép thô trung bình ngày của các thành viên Hiệp hội Sắt thép Trung Quốc đạt 1,92 triệu tấn trong giai đoạn 1-10/11/2018, tăng 0,6% so với 20-31/10/2018.
Kẽm tăng do cung khan, đồng vững
Thiếu cung triền miên trong thời gian gần đây khiến giá kẽm giao kỳ hạn gần tiếp tục tăng, chênh lệch giữa hợp đồng giao ngay với giao sau 3 tháng trên sàn London (LME) phiên vừa qua đạt mức cao nhất 21 năm (97 USD/tấn, so với 90 USD/tấn của phiên trước). Hợp đồng kẽm giao sau 3 tháng tăng 0,6% trong phiên vừa qua, lên 2.582 USD/tấn, và tăng 3,6% trong tháng này. Dự trữ kẽm tại các kho của LME đã giảm một nửa kể từ giữa tháng 8 tới nay, hiện chỉ còn 123.500 tấn.
Giá đồng vững trong phiên vừa qua vì USD giảm hỗ trợ xu hướng giá đi lên nhưng lo ngại về căng thẳng thương mại Mỹ - Trung có thể làm giảm nhu cầu của Trung Quốc lại gây áp lực giảm. Đồng giao sau 3 tháng nhích nhẹ 0,3% lên 6.255 USD/tấn, nhưng so với đầu tháng, giá hiện cao hơn 4,3%.
Mức kháng cự của cả kẽm và đồng đều là mức cao nhất trong tháng 11 (kẽm là 2.647 USD/tấn, còn đồng là 6.315 USD/tấn).
Cao su thoát khỏi mức thấp nhất 27 tháng
Giá cao su tại Tokyo chấm dứt chuỗi 5 phiên giảm liên tiếp khi các nhà đầu tư tăng mua trước kỳ nghỉ 3 ngày (các thị trường tài chính Nhật sẽ đóng cửa nghỉ Lễ trong ngày 23/11).
Hợp đồng giao tháng 4 năm sau trên sàn Tokyo tăng 1,8 JPY tương đương 1,2% lên 154,7 JPY (1,37 USD)/kg. Giá tại Thượng Hải cũng tăng 50 CNY lên 10.785 CNY (1.555 USD)/tấn.
Thái Lan vào đầu tuần này đã thông qua gói trợ cấp mới và các biện pháp khác để giúp người trồng cao su vượt qua khó khăn sau khi giá mặt hàng này giảm 40% trong 2 năm qua. Indonesia cũng đang có kế hoạch trồng lại nhiều diện tích cao su.
Lúa mì cao nhất 1 tuần
Giá lúa mì trên thị trường châu Âu vừa tăng lên mức cao nhất trong vòng 1 tuần sau khi Ai Cập mở thầu mua làm tăng hy vọng trong thời gian tới khách hàng sẽ không chỉ tập trung mua lúa mì Nga mà còn mua của các nguồn cung khác. Ngoài ra, thông tin về chuyến lúa mì Pháp xuất khẩu sang Trung Quốc ngoài dự đoán cũng góp phần đẩy giá tăng lên.
Hợp đồng giao tháng 3/2019 trên sàn Euronext (ở Paris) tăng 1,75 EUR tương đương 0,9% lên 204,25 EUR/tấn vào lúc đóng cửa phiên giao dịch, sau khi có lúc đạt 204,5 EUR, mức cao nhất kể từ 15/11. Mỹ nghỉ Lễ Tạ ơn cũng khiến khách hàng chuyển hướng sang thị trường châu Âu.
Ai Cập, nước nhập khẩu lúa mì lớn nhất thế giới, đã mua 120.000 tấn lúa mì Mỹ trong phiên đấu thầu vào ngày 22/11, trong đó mua 60.000 tấn lúa mì Nga và 60.000 tấn lúa mì Romania.
Cà phê sụt giảm
Cà phê robusta trên sàn London giảm 6 USD tương đương 0,4% xuống 1.609 USD/tấn. Thị trường tiếp tục tập trung vào các yếu tố cơ bản, trong bối cảnh có nhiều dấu hiệu cho thấy nguồn cung năm nay tăng lên. Trong khi đó tại châu Á, giá cà phê ở Việt Nam tiếp tục giảm theo xu hướng giá quốc tế và do nguồn cung tăng khi đang vụ thu hoạch, trong khi đó mức cộng cà phê Indonesia so với giá tại London tiếp tục tăng do dự trữ cạn kiệt.
Nông dân ở Tây Nguyên chào bán cà phê nhân xô giá 35.300 đồng (1,51 USD)/kg, giảm so với 36.200 – 36.300 đồng cách đây một tuần. Cà phê robusta loại 2 (5% đen & vỡ) được chào bán với giá trừ lùi 45 – 65 USD/tấn so với giá tại London, giảm so với mức trừ lùi 70 USD/tấn cách đây một tuần (hợp đồng giao tháng 1/2019).
Vụ thu hoạch cà phê ở Việt Nam đã xong khoảng 40%, việc thu hoạch sẽ tiếp diễn tới cuối tháng 12. Theo các thương gia, sản lượng niên vụ 2018/19 dự báo đạt 30 triệu bao (1 bao=60 kg), tương tự như vụ trước và cao hơn mức dự báo ban đầu là 27 triệu bao.
Tại Indonesia, mức cộng giá robusta tại Lampung (Sumatra) tăng lên 50 USD/tấn (kỳ hạn tháng 1 năm tới), so với 30 USD/tấn cách đây một tuần, vì trong kho gần như không còn hàng.
Gạo Ấn Độ tăng, Thái Lan và Việt Nam giảm
Giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ tăng tuần thứ 3 liên tiếp do rupee tăng lên mức cao nhất hơn 2 tháng so với USD Mỹ, trong khi gạo Thái Lan và Việt Nam giảm mặc dù Philippines đang muốn mua. Gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ giá tăng lên 367 – 375 USD/tấn, từ mức 363 – 371 USD/tấn cách đây một tuần; gạo 5% tấm của Thái Lan giá hiện khoảng 382 – 395 USD/tấn (FOB Bangkok) so với 380 – 398 USD/tấn cách đây một tuần; trong khi gạo cùng loại của Việt Nam giảm từ 415 – 420 USD/tấn xuống 410 USD/tấn.
Cơ quan Lương thực Quốc gia (NFAC) Philippines ngày 21/11 đã thông qua dự thảo nhập khẩu gạo ngoài hạn ngạch để tăng lượng dự trữ của Chính phủ giúp giảm hơn nữa giá gạo trong nước cũng như lạm phát. Yếu tố này dự báo sẽ giúp giá gạo châu Á vững hoặc tăng lên.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng nay 23/11
Mặt hàng | ĐVT | Hôm nay | So với hôm qua | So với 1 tuần trước | So với 1 tháng trước | So với 1 năm trước |
Dầu WTI | USD/thùng | 54.0965 | -1.01 % | -4.19% | -18.57% | -7.40% |
Dầu Brent | USD/thùng | 62.8190 | -1.07 % | -5.69% | -17.81% | -1.14% |
Xăng | USD/gallon | 1.4953 | -1.19 % | -4.00% | -18.64% | -15.76% |
Vàng | USD/ounce | 1227.77 | 0.12 % | 1.24% | -0.18% | -4.87% |
Bạc | USD/ounce | 14.4668 | 0.01 % | 1.28% | -1.75% | -15.16% |
Đậu tương | US cent/bushel | 887.9200 | 0.57% | -0.09% | 3.55% | -11.10% |
Lúa mì | US cent/bushel | 498.0225 | -0.15% | -1.48% | -2.16% | 17.68% |
Sữa | USD/cwt | 14.48 | 0.07% | -0.62% | -6.76% | -13.81% |
Cao su | JPY/kg | 135.20 | 1.50% | 2.04% | -5.78% | -26.36% |
Đường | US cent/lb | 12.69 | 0.08 % | 0.24% | -8.25% | -17.93% |
Chè | USD/kg | 2.90 | -7.64% | -10.22% | -13.69% | -16.67% |
Càphê | US cent/lb | 109.95 | -0.32 % | -2.09% | -6.25% | -11.62% |
Đồng | USD/lb | 2.7905 | 0.05% | 1.51% | 1.58% | -11.86% |
Thép | CNY/tấn | 4,509.00 | 3.42% | 0.18% | -2.53% | 15.47% |
Than đá | USD/tấn | 97.75 | 0.00% | -3.65% | -11.92% | 7.95% |
Quặng sắt | USD/tấn | 73.50 | -2.00% | -2.65% | -1.34% | 11.36% |
Nhôm | USD/tấn | 1,953.50 | 0.70% | 0.93% | -2.67% | -7.55% |