Lo ngại kinh tế Châu Âu chuyển hướng xấu khi hàng loạt các quốc gia tái phong tỏa chống Covid-19 đã đè nặng lên tâm lý các nhà giao dịch hàng hóa trong phiên vừa qua, góp phần làm cho nhiều mặt hàng giảm giá.
Dầu ổn định
Thị trường dầu mỏ ổn định trở lại sau khoảng thời gian bán tháo vào tuần trước bởi nhiều nước Châu Âu tái phong tỏa để ngăn chặn dịch Covid-19 tái phát. Thị trường vẫn kỳ vọng nhu cầu dầu cuối năm năm sẽ tăng lên.
Kết thúc phiên 22/3, giá dầu Brent nhích nhẹ 9 US cent (0,1%) lên 64,62 USD/thùng; dầu Tây Texas Mỹ (WTI) kỳ hạn tháng 4/2021 giảm 13 US cent (0,2%) xuống 61,55 USD/thùng ở phiên đáo hạn; dầu WTI kỳ hạn tháng 5 tăng 12 US cent (0,2%) lên 61,56 USD/thùng. Tuần trước, cả 2 loại dầu đều giảm hơn 6%, kết thúc nhiều tháng tăng liên tiếp khi sản lượng giảm trong khi nhu cầu hồi phục.
Thị trường dầu mỏ hiện vẫn chịu áp lực lớn do việc Châu Âu tái phong tỏa, làm giới đầu tư giảm bớt hy vọng vào sự hồi phục nhu cầu trong thời gian tới.
Thủ tướng Anh Boris Johnson hôm 22/3 cảnh báo rằng làn sóng Covid-19 thứ 3 – đã quét khắp châu Âu – đang ảnh hưởng đến nước Anh. Đức có kế hoạch kéo dài thời gian phong tỏa đến tháng 5.
Trong khi đó, mùa bảo trì của các nhà máy lọc dầu Trung Quốc dự kiến sẽ cao điểm vào tháng 5, sau đó giảm dần vào tháng 6, là lúc nhu cầu dầu thô Tây Phi – nguồn cung cấp chính của họ - sẽ giảm sút.
Vàng giảm do chứng khoán Phố Wall tăng điểm
Giá vàng giảm 1% trong phiên vừa qua bất chấp đồng USD và lợi tức trái phiếu Mỹ giảm nhẹ vào cuối phiên, do chứng khoán Mỹ mạnh lên làm giảm sức hấp dẫn của vàng.
Cụ thể, giá vàng giao ngay giảm 0,3% xuống 1.738,93 USD/ounce; vàng kỳ hạn tháng 4/2021 giảm 0,2% xuống 1.738,1 USD/ounce.
Trong phiên vừa qua, các nhà đầu tư đã đổ xô vào đồng USD và trái phiếu chính phủ Mỹ sau khi Thổ Nhĩ Kỳ thay thế thống đốc ngân hàng trung ương – người luôn chỉ trích việc lãi suất cao.
"Nếu công dân Thổ Nhĩ Kỳ lo ngại đồng lira mất giá thì họ sẽ tìm mua USD hoặc vàng. Tuy nhiên, xuất hiện mối lo khác đối với nhà kinh doanh Thổ Nhĩ Kỳ. Đó là Chính phủ có thể đưa ra những biện pháp kiểm soát vốn để ngăn chặn dòng ngoại tệ chảy vào trong nước. Khi đó, để mua USD ở Thổ Nhĩ Kỳ sẽ rất khó khăn, và tài sản lựa chọn thay thế sẽ là vàng", chuyên gia Madden của CMC cho biết.
Quặng sắt và than đá giảm
Giá quặng sắt trên sàn Đại Liên (Trung Quốc) phiên vừa qua tiếp tục giảm, với mức giảm 5,9% xuống 1.004,5 CNY (154,35 USD)/tấn. Quặng sắt giao dịch trên sàn Singapore cũng giảm hiện chỉ còn 151,1 USD/tấn.
Giá than cốc trên sàn Đại Liên phiên vừa qua giảm giảm 7,3% xuống 2.131 CNY/tấn, trong khi than luyện cốc (coking) giảm 3,9% xuống 1.547,50 CNY/tấn. Nguyên nhân do thị trường lo ngại nhu cầu đối với quặng sắt và than đá sẽ giảm do chiến dịch làm trong sạch môi trường ở thành phố Đường Sơn, nơi đóng góp gần 14% tổng sản lượng thép của Trung Quốc.
Ngành thép Trung Quốc là nguyên nhân góp 15% tổng lượng phát thải khí nhà kính ở nước này, đưa lĩnh vực này trở thành trọng tâm hàng đầu sau khi Chủ tịch Tập Cận Bình cam kết hồi năm 2020 sẽ bắt đầu đưa lượng phát thải carbon của Trung Quốc đi xuống trong 10 năm tới. Theo cam kết trong chiến dịch trở thành nơi "carbon trung tính" vào năm 2060, Trung Quốc đã cam kết cắt giảm sản lượng thép ngay từ năm nay, sau khi kết quả điều tra của Bộ Môi trường nước này cho thấy một số công ty thép đã không áp dụng các biện pháp giảm ô nhiễm khẩn cấp.
Kim loại cơ bản đồng loạt tăng
Giá kim loại cơ bản đồng loạt tăng trong phiên giao dịch vừa qua. Theo đó, giá đồng kỳ hạn giao sau 3 tháng trên sàn London tăng 0,3% lên 9.088 USD/tấn, nhôm tăng 0,3% lên 2.273 USD/tấn, kẽm tăng 1,3% lên 2.875 USD/tấn, nickel tăng 0,8% lên 16.435 USD/tấn, chì tăng 1% lên 1.978,5 USD/tấn và thiếc tăng 0,9% lên 25.900 USD/tấn.