Giá hàng hóa vừa trải qua phiên biến động rất mạnh. Giá dầu tăng trước thềm cuộc họp của OPEC+, sắt thép cũng tăng mạnh. Trái lại, giá các hàng hóa khác, từ vàng tới đồng, nhôm, đậu tương… đều giảm.
Dầu tăng mạnh
Giá dầu tăng hơn 2% trong phiên vừa qua do thông báo từ Mỹ cho thấy dự trữ nhiên liệu của nước này giảm mạnh, giữa bối cảnh nhà đầu tư kỳ vọng các nước sản xuất dầu lớn nhất thế giới cùng đồng minh (OPEC+) có thể không quyết định tăng sản lượng trong kỳ họp tuần này.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ cho biết tồn kho xăng tuần trước giảm xuống 243,5 triệu thùng, trong khi tồn trữ các sản phẩm chưng cất giảm nhiều nhất kể từ năm 2003 xuống 143 triệu thùng.
Kết thúc phiên này, giá dầu Brent tăng 1,37 USD, tương đương 2,2%, lên 64,07 USD/thùng, dầu Tây Texas Mỹ (WTI) tăng 1,53 USD (2,6%) lên 61,28 USD/thùng.
Vàng thấp nhất 9 tháng
Giá vàng giảm mạnh trong phiên vừa qua, xuống mức thấp nhất trong vòng gần 9 tháng do lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng và đồng USD mạnh lên làm giảm sức hấp dẫn của vàng.
Kết thúc phiên, giá vàng giao ngay tại Thị trường vàng bạc London giảm 1,2% so với đóng cửa phiên trước, chốt ở 1.717,67 USD/ounce, trước đó có thời điểm giá xuống chỉ 1.701,4 USD/ounce, thấp nhất kể từ tháng 6/2010. Vàng kỳ hạn tháng 4/2021 giao dịch trên thị trường Mỹ giảm 1% xuống 1.715,8 USD/ounce.
Chiến lược gia hàng hóa Daniel Ghali của TD Securities cho biết: "Khi tỷ giá thực tế (của đồng USD) tiếp tục tăng, đó là thách thức đối với vàng. Diễn biến tỷ giá cũng đang gây thêm áp lực lên việc định giá đối với tất cả các loại tài sản, và kết quả là vàng là nạn nhân".
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng trở lại mức cao nhất trong vòng 1 năm như hồi tuần trước.
Việc Mỹ chậm thông qua dự luật kích thích kinh tế trị giá 1,9 nghìn tỷ USD và kinh tế khởi sắc đã ảnh hưởng đến thị trường vàng, bởi lợi suất các tài sản khác cao hơn làm cho vàng bớt "lấp lánh" trong mắt các nhà đầu tư – những người đã mua vàng vì lo ngại lạm phát sẽ tăng cao do gói kích thích 1,9 nghìn tỷ USD.
"Triển vọng thị trường vàng đang gắn liền với việc liệu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ có can thiệp vào tốc độ tăng của đường cong lãi suất hay không. Nhưng có lẽ vẫn còn quá sớm để làm điều đó. Vì vậy, vẫn còn những tác động tiêu cực trong ngắn hạn đối với mặt hàng vàng", ông Ghali của TD Securities cho biết.
Nhôm và đồng giảm
Giá đồng và nhôm giảm trong phiên vừa qua do hoạt động bán chốt lời sau khi giá tăng lên mức cao kỷ lục.
Theo đó, nhôm kỳ hạn giao sau 3 tháng trên sàn London giảm 0,5% xuống 2.200 USD/tấn. Tuy nhiên, giá nhôm ở Thượng Hải vẫn tăng lên mức cao nhất gần 9,5 năm, theo đó hợp đồng kỳ hạn tháng 4 tăng 4,2% lên 17.640 CNY (2.729,09 USD /tấn.
Giá đồng phiên này giảm 0,5% xuống 9.122,50 USD/tấn.
Ngũ cốc và đậu tương giảm
Giá ngũ cốc và đậu tương giảm do thị trường điều chỉnh sau phiên tăng giá trước đó. Đồng USD mạnh lên cũng gây áp lực lên giá nông sản, vì các mặt hàng này tính theo USD nên sẽ trở nên kém hấp dẫn đối với những nhà đầu tư sử dụng những loaị tiền khác.
Đậu tương trên sàn Chicago giảm 5 US cent xuống 14,07-1/2 USD/bushel, sau khi tăng 1,5% ở phiên liền trước.
Giá ngô CBOT Cv1 giảm 9-3/4 US cent xuống 5,35-1/4 USD/bushel, trong khi lúa mì giảm giảm 10-1/4 cent xuống 6,56 USD/giạ.
Cà phê giảm
Giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 5 giảm 1,05 US cent (0,8%) xuống 1,328 USD/lb, kéo dài chuỗi giảm 4 phiên liên tiếp do có sự điều chỉnh sau khi giá tuần trước đạt mức cao nhất trong vòng 1 năm.
Robusta phiên này cũng giảm 24 USD (1,7%) xuống 1.426 USD/tấn.
Thép lập "đỉnh" 10 năm, quặng sắt và than đá cũng tăng mạnh
Giá thép thanh vằn trên sàn Thượng Hải tăng hơn 5% lên mức cao nhất trong vòng khoảng 1 thập kỷ. Theo đó, hợp đồng kỳ hạn tháng 5 tăng 5% đạt 4.894 CNY (757,13 USD)/tấn vào cuối phiên giao dịch, sau khi có lúc tăng 5,6% lên mức cao nhất kể từ tháng 8/2011. Thép cuộn cán nóng cũng tăng 4,3% lên kỷ lục 5.067 CNY/tấn; riêng thép không gỉ giảm 1,4% xuống 14.795 CNY/tấn.
Giá thép trên thị trường Trung Quốc mấy tuần gần đây liên tục tăng mạnh do vào mùa xây dựng và lo ngại sản lượng giảm do chính sách bảo vệ môi trường.
Giá thép tăng kéo giá các nguyên liệu sản xuất thép tăng theo. Phiên vừa qua, giá quặng sắt tăng 2,9% lên 1.166 CNY/tấn, than luyện cốc tăng 6% lên 1.522 CNY/tấn, than cốc tăng 2,1% lên 2.552 CNY/tấn.
Bộ Thương mại Trung Quốc đã cam kết sẽ giảm sản lượng thép thô trong năm nay, trong bối cảnh tỉnh Hồ Bắc đã cảnh báo ô nhiễm ở mức độ nghiêm trọng. Thành phố Đường Sơn - nơi sản xuất thép chính của Trung Quốc, mới đây đã yêu cầu đóng cửa khẩn cấp 7 lò luyện thép vào ngày 10/3.
Cao su tăng giá
Giá cao su trên sàn Osaka – tham chiếu cho toàn thị trường Châu Á – tăng trong phiên giao dịch vừa qua, kết thúc 3 phiên giảm liên tiếp trước đó, sau khi kết quả khảo sát cho thấy lĩnh vực dịch vụ của Nhật Bản có sự cải thiện chút ít khi dịch Covid-19 đang có dấu hiệu chậm lại.
Kết thúc phiên này, cao su kỳ hạn tháng 8 trên sàn Osaka tăng 0,9 JPY (0,4%) lên 261 JPY/kg. Trên sàn Thượng Hải, cao su kỳ hạn tháng 5 vẫn giảm tiếp, mất 0,4% xuống 15.450 CNY/tấn.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng 4/3