Thị trường quặng sắt thế giới đang trong tình trạng tồi tệ hơn bao giờ hết.
Nội dung nổi bật
- Giá quặng sắt tại thị trường Trung Quốc đang ở mức thấp kỷ lục và là điều chưa có trong bất kỳ một kịch bản nào
- Tiêu thụ thép của Trung Quốc giảm lần đầu tiên trong 3 thập kỷ, sản lượng cũng tăng yếu. Trung Quốc buộc phải tìm hướng xuất khẩu trong khi thế giới vẫn dư thừa
- Quặng sắt có thể sẽ đi vào lịch sử của thị trường hàng hóa bởi sự bùng nổ và bứt phá ngoạn mục nhất từ trước tới nay, để rồi lâm vào tình trạng bi đát nhất trong số các hàng hóa.
Theo số liệu của Steel Index (TSI), giá quặng sắt giao ngay tại cảng Thiên Tân (Trung Quốc) hiện ở mức chỉ 54,50 USD/tấn, thấp chưa từng có kể từ khi TSI bắt đầu theo dõi giá hàng hóa giao ngay (tháng 10/2008). Điều này chẳng khác gì hậu quả của một cơn đại hồng thủy, điều chưa từng có trong bất kỳ một kịch bản nào.
Đã nhiều người dự báo giá quặng sắt sẽ giảm, một số hãng sản xuất quặng sắt lớn nhất thế giới sắp cho đi vào hoạt động nhiều công suất sản xuất mới bởi không ai lường trước được điều này.
Có hai yếu tố chủ chốt đã luôn tạo niềm tin cho các nhà sản xuất quặng sắt: Sản xuất thép ở Trung Quốc và Trung Quốc tích cực mua quặng sắt. Tuy nhiên, sau nhiều thập kỷ liên tiếp tăng trưởng ổn định, nền kinh tế này đang giảm tốc một cách khó cưỡng.
Các nhà phân tích vẫn luôn tin rằng thời điểm sản xuất thép Trung Quốc cao kỷ lục sẽ rơi vào thập kỷ sắp tới, nhưng thật bất ngờ các nhà sản xuất thép Trung Quốc đang tiến thoái lưỡng nan khi nhu cầu từ lĩnh vực bất động sản trở nên chậm chạp, gây áp lực tới sản xuất và lợi nhuận của họ.
Hiệp hội Thép thế giới (WSA) dẫn số liệu của Hiệp hội Sắt Thép Trung Quốc (CISA) cho biết sản lượng thép Trung Quốc năm 2014 chỉ tăng 0,9%, trong khi đó tiêu thụ tại nước này giảm 3,4%, lần giảm đầu tiên trong vòng 3 thập kỷ, buộc các nhà sản xuất phải tìm hướng xuất khẩu dù hòa vốn hoặc thậm chí lỗ.
Trung Quốc đã xuất khẩu 94 triệu tấn các sản phẩm thép trong năm vừa qua, nhiều hơn sản lượng thép cùng năm của Hoa Kỳ - nước sản xuất lớn thứ 3 thế giới.
Sang tháng 1 năm nay, xuất khẩu thép Trung Quốc vẫn tiếp tục tăng, và nếu với đà tăng như hiện nay thì xuất khẩu năm 2015 sẽ đạt 124, nhiều hơn sản lượng của Nhật Bản – nước sản xuất lớn thứ 2 thế giới.
Trong khi đó, nguồn cung quặng sắt thế giới vẫn chưa ngừng tăng. Ba “đại gia” ngành quặng sắt là Rio Tinto, BHP Billiton và Vale đã biện minh với các cổ đông của họ rằng chi phí sản xuất giảm là lý do khiến họ gia tăng sản xuất, nhưng điều này không thể thuyết phục được ai nữa khi mà nhu cầu mua từ phía Trung Quốc không chỉ yếu đi mà còn trở nên thất thường, và yếu tố chi phí lúc này không còn thu hút được sự chú ý của ai nữa.
Mặc dù các số liệu báo cáo cho thấy chi phí sản xuất đã thực sự giảm đi rất nhiều, song trên thực tế việc tiền tệ của những nước sản xuất chủ chốt mất giá và cước vận tải biến động mạnh, yếu tố “chi phí giảm” không còn phát huy được mấy hiệu quả nữa. Thậm chí đồ thị chi phí sản xuất đã có sự thay đổi đáng kể, giờ gần như chỉ là một đường thẳng có độ nghiêng rất ít.
Và thời điểm khó khăn nhất có thể vẫn đang ở phía trước. Một số báo cáo cho biết cung quặng sắt qua đường biển Australia sẽ tăng trong năm nay bởi sản lượng tăng từ Rio Tinto và mỏ mới Roy Hill vào tháng 9 tới.
Các nhà phân tích của tập đoàn CRU cho rằng nhiệm vụ cắt giảm cung mạnh hơn nữa sẽ phải do Trung Quốc thực hiện, nhưng các nhà sản xuất nhỏ có chi phí cao của nước này đã phải dừng hoạt động, điều này đồng nghĩa với việc phải đóng cửa thêm nhiều nhà khai thác quốc doanh hoặc những hoạt động khai thác ngoài ngành của các công ty thép.
Cuộc cạnh tranh khốc liệt này có lẽ sẽ chỉ mang lại chiến thắng cho những hãng có đủ nguồn tài chính dự phòng. Tại Hội thảo Dự báo về Sắt Thép toàn cầu mới diễn ra gần đây ở Perth, giám đốc phụ trách quặng sắt của Rio, ông Andrew Harding cho rằng “Mạnh hơn vấn đề chi phí, vấn đề cân đối cung – cầu cuối cùng sẽ quyết định thời gian nguồn cung trở về với mức cần thiết”.
Mới đây, Macquarie – hãng đã từng dự báo giá quặng sắt sẽ tăng – đã hạ dự báo giá quặng sắt năm nay xuống 54 USD/tấn, và năm tới xuống 58 USD/tấn, trong đó dự báo cụ thể giá sẽ xuống dưới 50 USD/tấn trong quý I/2015.
Như vậy, quặng sắt có thể sẽ đi vào lịch sử của thị trường hàng hóa bởi sự bùng nổ và bứt phá ngoạn mục nhất từ trước tới nay, để rồi lâm vào tình trạng bi đát nhất trong số các hàng hóa.
Nguồn tin: Xã luận