Chốt phiên giao dịch ngày 28/7, giá quặng sắt biến động nhẹ quanh ngưỡng 202 USD/tấn. Thị trường quặng sắt và thép tại Trung Quốc giằng co giữa triển vọng tiêu cực về nhu cầu sử dụng thép và việc Chính phủ Trung Quốc siết chặt quản lý sản lượng thép của các nhà máy.
Chốt phiên giao dịch ngày 28/7 (theo giờ địa phương), giá quặng sắt giao tháng 9/2021 trên Sàn giao dịch hàng hoá Đại Liên (DCE) tăng nhẹ 0,2% lên mức 1.137,50 Nhân dân tệ (174,87 USD)/tấn.
Dữ liệu của hãng nghiên cứu thị trường Fastmarket MB (Anh) cho thấy giá quặng sắt loại hàm lượng 62% sắt được nhập khẩu tại khu vực phía Bắc Trung Quốc nhích tăng 0,11 USD lên mức 202,68 USD/tấn.
Trong khi đó, giá quặng sắt giao tháng 7/2021 trên Sàn giao dịch hàng hoá Singapore (SGX) bật tăng mạnh 2% lên mức 196,80 USD/tấn.
Giá quặng sắt tại Trung Quốc biến động nhẹ trong bối cảnh giá thép tại nước này tiếp tục giảm ngày thứ hai liên tiếp. Cụ thể, giá thép thanh xây dựng theo hợp đồng kỳ hạn SRBcv1 trên Sàn giao dịch tương lai Thượng Hải (SHFE) giảm 0,3% xuống còn 5.658 Nhân dân tệ/tấn; giá thép cuộn cán nóng giảm mạnh 1,6% xuống còn 5.879 Nhân dân tệ/tấn; và giá thép không gỉ giảm 1,8% xuống mức 19.120 Nhân dân tệ/tấn.
Tâm lý giới đầu tư trên thị trường thép Trung Quốc hiện bị giằng co giữa triển vọng tiêu cực về nhu cầu sử dụng thép và việc Chính phủ Trung Quốc siết chặt quản lý sản lượng thép của các nhà máy.
Nhà kinh tế học cấp cao Yanting Zhou thuộc hãng tư vấn thị trường Wood Mackenzie (Anh) cho biết tăng trưởng sản lượng công nghiệp của Trung Quốc đang bắt đầu giảm xuống, đồng thời, mức đầu tư cho hoạt động sản xuất hiện ở mức thấp. Điều này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến nhu cầu sử dụng thép cho các hoạt động sản xuất công nghiệp tại Trung Quốc trong thời gian tới.
Các dữ liệu hiện cho thấy mức tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp khối sản xuất tại Trung Quốc tiếp tục suy giảm trong tháng 6 vừa qua, xác lập mạch giảm kéo dài tháng thứ 4 liên tiếp. Nguyên nhân chủ yếu do giá nguyên vật liệu đầu vào tăng mạnh khiến biên lợi nhuận bị thu hẹp.
Ông Yanting Zhou cũng nhấn mạnh việc Chính phủ Trung Quốc thu hẹp “đáng kể” các dự án đầu tư phát triển hạ tầng giao thông cũng gây ảnh hưởng tiêu cực đến nhu cầu sử dụng thép tại nước này.
Tuy nhiên, một bộ phận giới đầu tư cũng kỳ vọng giá thép sẽ tăng lên trong thời gian tới khi nguồn cung thép suy giảm. Chính phủ Trung Quốc hiện đang đẩy mạnh kiểm soát hoạt động sản xuất thép nhằm đạt mục tiêu cắt giảm lượng khí nhà kính phát thải trong năm nay.
Tổng sản lượng thép thô trong 6 tháng đầu năm nay của Trung Quốc đạt 563,33 triệu tấn, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm 2020. Như vậy, Trung Quốc cần duy trì sản lượng thép thô trong 6 tháng cuối năm nay ở khoảng 502 triệu tấn, thấp hơn khoảng 11% so với mức sản lượng 6 tháng đầu năm thì mới đạt mục tiêu giữ tổng sản lượng thép thô năm nay ngang bằng năm 2020 như đã đề ra.
Nguồn tin: Công thương