Từ khi giá điện tăng (ngày 1 - 3), không chỉ các mặt hàng thiết yếu phục vụ tiêu dùng hàng ngày tăng theo, ngay cả những loại hàng hóa thuộc diện bình ổn giá cũng được dịp “tát nước theo mưa”. Trong đó, xi măng, sắt thép tăng từ 15 - 20%.
Ảnh minh hoạ |
Điện tăng giá, một số mặt hàng trên thị trường cũng đồng loạt tăng theo, mặc dù những mặt hàng này thuộc diện bình ổn giá theo quy định của Bộ Tài chính.
Qua khảo sát tại một số đại lý, chúng tôi nhận thấy, sắt thép, xi măng được đẩy giá lên từ 15 - 20%. Theo đó, các sản phẩm thép xây dựng trơn phi 8 của các nhà sản xuất như Việt Úc, Hòa Phát, Nhật, Ý, Malaysia tăng từ 11.800.000 đồng/tấn lên 13.800.000 đống/tấn.
Theo ông Nguyễn Quang Hải, chủ đại lý thép và vật liệu xây dựng ở Đức Giang (Long Biên – Hà Nội), từ đầu năm đến nay, giá thép tăng hai lần. Lần thứ nhất vào ngày 1 - 1, do nhà nước cắt giảm việc hỗ trợ thuế doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp sản xuất đang nộp thuế ở mức 5% năm 2009, đến năm 2010, mức thuế suất đã tăng lên 10%. Điều này khiến các doanh nghiệp phải đẩy giá bán sắt thép lên cao.
Lần tăng giá thứ hai là từ ngày 1 - 3, nguyên nhân chính do tăng giá điện. Điện tăng khiến mọi chi phí đầu vào đều tăng, chính vì thế, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh sắt thép, xi măng phải tăng giá để đảm bảo chi phí cho sản xuất và đời sống cán bộ, công nhân viên.
Mỗi nơi một giá
Theo tìm hiểu của phóng viên, Hà Nội có rất nhiều đại lý, doanh nghiệp kinh doanh sắt thép, xi măng không những không thực hiện yêu cầu của Bộ tài chính về việc niêm yết công khai giá cả, mà còn không thống nhất về giá bán.
Cùng một sản phẩm nhưng mỗi nơi một giá |
Bảng báo giá của Công ty cổ phần đầu tư và phát triển Vạn Xuân ở Đức Giang (Long Biên), thép gai phi 18 giá 314.000 đồng/cây, thép gai phi 20 giá 386.000 đồng/cây.
Cách đó không xa, Tổng đại lý thép và vật liệu xây dựng Nguyễn Quang Khải, cũng ở phố Đức Giang, hai loại thép trên có giá tương ứng 305.000 đồng/cây và 376.000 đồng/cây.
Giới kinh doanh vật liệu xây dựng thường cho rằng, xi măng là mặt hàng ổn định giá nhất so với các mặt hàng vật liệu xây dựng khác. Song, từ đầu năm tới nay, mặt hàng này cũng không tránh khỏi tình trạng tăng giá, bình quân mỗi loại tăng khoảng 40.000 đồng/tấn.
Xi măng Hoàng Thạch tăng từ 1.060.000 đồng/tấn lên 1.100.000 đồng/ tấn, xi măng Quốc phòng từ 880.000 đồng/tấn, tăng lên 920.000 đồng/tấn, Chin Fong 980.000 đồng/tấn lên 1.010.000 đồng/tấn...
Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, ông Phạm Chí Cường, cho rằng, cần thiết phải thành lập Đoàn thanh tra, kiểm tra giá, thuế các mặt hàng trong thời điểm này, trong đó có thép.
“Phải xử lý nghiêm hành vi đầu cơ, tích trữ, tăng giá bất hợp lý, nhất là trong bối cảnh hàng loạt hàng hóa đua nhau tăng giá “ăn theo” giá điện, giá xăng như vừa qua”, ông Cường nói.
“Vừa rồi, có một số doanh nghiệp thép đã tăng giá bán lên 200.000 - 250.000 đồng/tấn, song các đơn vị khác vẫn không vì thế mà “tát nước theo mưa” vì thị trường thép đang cạnh tranh rất khốc liệt. Nếu tăng quá cao, doanh nghiệp sẽ không bán được hàng”, ông Cường cho biết.
Trước tình trạng giá cả nhiều mặt hàng đang leo thang và không có dấu hiệu chững lại, Bộ Tài chính vừa có quyết định thành lập Đoàn thanh tra và sẽ tiến hành thanh kiểm tra sáu nhóm mặt hàng thiết yếu, gồm xi măng, thức ăn chăn nuôi, thép xây dựng, khí hóa lỏng, phân bón hóa học và đường ăn, nhằm xác định việc tăng giá của các doanh nghiệp có hợp lý hay không. Ông Trần Văn Hiểu, Thứ trưởng Bộ Tài chính sẽ trực tiếp chỉ đạo Đoàn thanh tra và sẽ xử lý nghiêm các hành vi tăng giá, thuế trái quy định pháp luật, không để doanh nghiệp, cá nhân lợi dụng tăng giá tùy tiện. Nếu phát hiện trường hợp vi phạm, Đoàn thanh tra sẽ kiên quyết áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung như tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh; tịch thu hàng hóa và số tiền thu lợi do đầu cơ, tích trữ, tăng giá quá mức; buộc trả lại tiền vượt thu cho khách hàng… |
TPO