Mức độ tiêu thụ thép trên thị trường tục giảm sút khiến cho nhiều doanh nghiệp không thể quay vòng được vốn và phải sản xuất cầm chừng để duy trì hoạt động.
Mặc dù các nhà sản xuất thép vẫn duy trì mức chiết khấu cho các nhà phân phối và giảm giá bán, nhưng sức tiêu thụ thép trên thị trường liên tiếp giảm trong những tháng gần đây. Cũng do sức tiêu thụ yếu, nên lượng thép thành phẩm tồn kho trong các doanh nghiệp khá cao.
Tiêu thụ thép liên tục giảm sút
Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) Nguyễn Tiến Nghi, từ đầu tháng 8/2011, các doanh nghiệp đã phải giảm mạnh giá bán thép khoảng 100.000-300.000 đồng/tấn, với lượng tiêu thụ khoảng 483.000 tấn. Tuy nhiên, sang tháng 9, khi giá thép tăng trở lại, lượng tiêu thụ lại quay đầu giảm, còn 381.000 tấn, giảm hơn 100.000 tấn so với tháng 8 và bước sang tháng 10 dự kiến lượng tiêu thụ chỉ đạt mức 300.000 tấn, mức thấp nhất trong 4 tháng qua. Cũng do sức tiêu thụ yếu nên lượng thép thành phẩm tồn kho trong các doanh nghiệp thành viên của VSA khá cao, khoảng gần 400.000 tấn, trong khi mức tồn kho cho phép chỉ khoảng 250.000 tấn. Tình hình khó khăn này chưa biết còn kéo dài đến bao lâu và hiện rất khó dự đoán được thời điểm nào thị trường mới hồi phục bởi còn phải phụ thuộc nhiều vào các chính sách điều hành của Nhà nước.
Ông Nguyễn Tiến Nghi cho rằng mặc dù lượng tồn kho chưa đến mức báo động, nhưng điều đáng lo ngại là tình trạng này diễn ra liên tiếp trong nhiều tháng nay. Ông Nghi tính toán với lãi suất 17- 18%/năm, mỗi tấn thép tồn kho doanh nghiệp phải trả lãi vay ngân hàng từ 200.000 đồng đến 300.000 đồng/tấn, chưa kể đến các chi phí khác. Cũng do tiêu thụ khó khăn, hàng làm ra không bán được, nên nhiều nhà máy phải sản xuất cầm chừng, có nhà máy chỉ chạy 40 - 45% công suất, thậm chí chỉ 30% công suất để duy trì sản xuất và giữ chân lao động. Hiện giá bán thép trong nước khá ổn định, dao động từ 15,5 triệu đồng đến 17 triệu đồng/tấn (chưa trừ chiết khấu và chưa có thuế giá trị gia tăng). Với lượng tồn kho và giá bán thép như vậy, nếu có bán hết thép tồn kho cũng không đủ trả lương công nhân chứ chưa nói đến việc trả nợ bảo hiểm hay vốn vay ngân hàng. Điều đáng nói là mặc dù khó khăn như vậy nhưng đến thời điểm này, chưa có doanh nghiệp nào thuộc VSA tuyên bố phá sản hay giải thể.
Theo ông Nguyễn Tiến Nghi, một trong những nguyên nhân khiến sức tiêu thụ thép giảm là do lạm phát tăng cao. Từ đầu năm, Chính phủ đã áp dụng nhiều giải pháp, trong đó có thắt chặt chính sách tiền tệ và tài khóa; lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại ở mức quá cao, doanh nghiệp khó tiếp cận; đặc biệt là nhiều công trình đầu tư công bị cắt giảm hoặc giãn tiến độ và thị trường bất động sản đóng băng đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiêu thụ thép. Cùng với việc khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm thì thời gian qua chi phí đầu vào cho sản xuất thép như phôi, thép phế, quặng sắt, than cốc cũng tăng ở mức hai con số; và giá than, giá xăng dầu, giá điện đều tăng vài chục phần trăm so với cùng kỳ khiến cho giá thành sản phẩm tăng cao. Để cạnh tranh trên thị trường, nhà sản xuất không dám tăng giá theo chi phí đầu vào, thậm chí còn bán dưới giá thành để nhanh thu hồi vốn. Bên cạnh đó, ngành thép còn phải đối phó với các sản phẩm thép nhập khẩu với giá cạnh tranh từ Trung Quốc và các nước ASEAN khi Việt Nam thực hiện các cam kết của Hiệp định thương mại song phương và đa phương.
Khó khăn chồng chất khó khăn
Hiệp hội Thép Việt Nam dự báo sức tiêu thụ thép cả năm 2011 sẽ giảm từ 7% đến 10% so với năm trước. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là trong khi sức tiêu thụ chậm, tồn kho tăng cao, nhưng từ nay đến hết năm 2011 vẫn có thêm một số dự án thép có công suất lớn đi vào hoạt động như dự án nâng công suất sản xuất thép thanh, thép cuộn lên 500.000 tấn/năm của Công ty cổ phần Thép Việt; Công ty cổ phần thép Thái Trung công suất 500.000 tấn/năm; Công ty TNHH thép An Hưng Tường (Bình Dương) công suất 250.000 tấn/năm; Công ty cổ phần Thép miền Trung (Đà Nẵng), công suất 250.000 tấn/năm... Khi các nhà máy này đi vào hoạt động, nguồn cung càng dư thừa, tồn kho tăng hơn hiện tại.
VSA cho biết Việt Nam vẫn còn phải nhập khẩu 70 – 80% sắt thép phế liệu, gần 40% phôi thép, 100% thép cuộn cán nóng, gần 100% than cốc, than mỡ... nên những biến động về giá cả trên thế giới tiếp tục ảnh hưởng trực tiếp đến ngành công nghiệp thép trong nước. Do đó, việc tăng hay giảm giá bán thép ở trong nước vẫn còn phụ thuộc nhiều vào các yếu tố giá nguyên liệu thép của thị trường thế giới.
Bước sang năm 2012, tình hình kinh tế thế giới và trong nước được dự báo vẫn còn đầy rẫy khó khăn, thách thức khó lường. Trong khi đó, mục tiêu chống lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô vẫn là vấn đề “nóng” mà Chính phủ tiếp tục thực hiện. Do đó sẽ không có chuyện nới lỏng chính sách tiền tệ và Nghị quyết 11 của Chính phủ không chỉ thực hiện trong năm 2011 mà còn kéo dài vài năm tới. Điều này đồng nghĩa với việc thắt chặt chính sách tiền tệ và tài khóa; lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại vẫn ở mức cao, khó tiếp cận; đặc biệt là nhiều công trình đầu tư công bị cắt giảm hoặc giãn tiến độ, thị trường bất động sản tiếp tục đóng băng.. sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến tiêu thụ thép sản xuất trong nước.
Với những khó khăn hiện tại của ngành thép cũng như dự báo về tình hình kinh tế và quyết tâm của Chính phủ duy trì tăng trưởng GDP ở mức 6% cho năm 2012, Hiệp hội Thép Việt Nam dự báo, tăng trưởng tiêu thụ thép cả năm tới ở 4%, giảm mạnh so với mức dự báo tăng trưởng của ngành này từ 8 đến 10% của năm 2011.
Nguồn tin: Tamnhin