Nhu cầu chậm ở các thị trường châu Á bị kéo xuống bởi nền sản xuất yếu khiến xuất khẩu của Trung Quốc bị giảm sút. Giá cuộn cán nóng (HRC) giảm tiếp tục gây áp lực lên lợi nhuận thép Trung Quốc, giá HRC tại Mỹ cũng gần như không thể tăng trong cuối năm nay. Ngoài ra, Việt Nam xuất khẩu thép giảm hơn 20% trong tháng 11.
Giá thép cán nóng khó tăng vào cuối năm, Trung Quốc giảm xuất khẩu?
Theo Hiệp hội thép Việt Nam (VSA), dù sản lượng thép thô tăng cao trong năm nay và một số suy yếu ở thị trường hạ nguồn, Trung Quốc vẫn gặp khó khăn trong việc xuất khẩu do giá thấp hơn từ các đối thủ cạnh tranh ở Nga và Ấn Độ.
Nga đã xuất khẩu một số phôi thép và thép dẹt sang Trung Quốc vào đầu tháng 11. Trong 10 tháng đầu năm, xuất khẩu thép của Trung Quốc giảm gần 6% xuống còn 55 triệu tấn, giảm gần 6% so với năm ngoái.
Nhu cầu chậm ở các thị trường thép châu Á bị kéo xuống bởi nền sản xuất yếu cũng khiến xuất khẩu của Trung Quốc bị giảm sút. Xuất khẩu của Trung Quốc khá thấp trong tháng 11 và có thể cả tháng 12 vì các giao dịch đã bị giảm trong tháng 10,11 do giá cả không cạnh tranh.
Giá thép cuộn cán nóng (HRC) giảm tiếp tục gây áp lực lên lợi nhuận thép Trung Quốc mặc dù giá quặng sắt giảm hơn trong tháng 10. Hầu hết những người tham gia thị trường thép tin rằng lợi nhuận có thể bị siết chặt hơn nữa khi hoạt động xây dựng chậm lại từ cuối tháng 11.
Giá thép cuộn cán nóng của Mỹ giảm xuống còn 525,25 USD/tấn và dường như không thể tăng lên trước cuối năm nay vì thị trường đang nhận được ít nhu cầu thực, và trong hầu hết các trường hợp, bất kì giao dịch mua đáng kể nào sẽ không diễn ra, sớm nhất là cho đến tháng 1/2020.
Giá HRC châu Á với giá tại cảng CFR Đông Nam Á khoảng 443 USD/tấn, được hỗ trợ bởi các chào giá từ nhà máy Formosa Hà Tĩnh. Giá HRC ở Trung Quốc được hỗ trợ bởi hàng tồn kho thấp và giá tương lai mạnh hơn. Các nhà xuất khẩu Ấn Độ đã và đang theo dõi chặt chẽ hướng giá và có thể bán cao hơn.
Giá thép thanh xuất khẩu của Thổ Nhĩ kì ở khoảng 421 USD/tấn (theo giá FOB) nhưng không ổn định do nhu cầu yếu tại các thị trường trọng điểm của nước này tại Trung Đông, dù một số nhà máy ở Marmara giữ giá 425 USD/tấn.
Giá thép cây châu Á khoảng 426,5 USD/tấn FOB Trung Quốc nhờ tồn kho thấp và nhu cầu vững chắc từ xây dựng bất động sản. Tuy nhiên, nhu cầu có thể chậm lại khi miền bắc Trung Quốc chuyển mùa đông, nơi trời đang có tuyết, giảm hoạt động xây dựng và hạ giá nội địa.
Giá quặng sắt đường biển dao động quanh 80- 85 USD/tấn CFR Trung Quốc đối với quặng 62% Fe.
Giá phế liệu trên khắp các khu vực đã tăng mạnh vào đầu tháng 11 do lượng phế liệu có sẵn ít. Tại Thổ Nhĩ kì, các giao dịch mua lô hàng đường biển giao tháng 12 tăng giá 4,5 USD/tấn từ cuối tháng 10 lên 260 USD/tấn CFR đối với thép phế liệu HMS 1/2 (80:20) ngày 8/11.
Từ thị trường suy yếu trong tháng 9, giá nhập khẩu của Thổ Nhĩ kì tăng mạnh trong suốt tháng 10 với mức giá thấp 222,25 USD/tấn.
Xuất khẩu thép của Việt Nam giảm hơn 20% trong tháng 11
Tại Việt Nam, sản xuất tháng 11 đạt trên 2,1 triệu tấn, tương đương tháng trước và cùng kì năm ngoái. Sản lượng bán hàng hơn 2 triệu tấn, cùng tăng trên 9% so với cùng kì năm ngoái.
Trong đó, xuất khẩu thép đạt 341.722 tấn, giảm 0,42% so với tháng 10 và giảm 20,4% so với cùng kì năm ngoái. Nếu loại trừ tăng trưởng của thép cuộn cán nóng thì tốc độ tăng trưởng sản xuất các sản phẩm thép đi ngang so với cùng kì trong khi bán hàng tăng 11%.
Lũy kế 11 tháng, sản xuất thép đạt trên 23,1 triệu tấn, tăng 4% so với cùng kì. Bán hàng vượt 21,1 triệu tấn, tăng trên 6%. Trong đó, xuất khẩu thép hơn 4,2 triệu tấn, giảm 2,6%.
9 tháng đầu năm, nhập khẩu sắt thép thành phẩm và bán thành phẩm các loại đạt hơn 12 triệu tấn. Tổng kim ngạch nhập khẩu đạt hơn 8,2 tỉ USD. Nhập khẩu thép thành phẩm các loại là 11,8 triệu tấn, trong đó nhập khẩu một số sản phẩm thép tăng cao so với cùng kì.
Cụ thể, thép hình đạt 304.358 tấn, tăng 50,2% về sản lượng, nhưng giảm 4% về giá trị. Các sản phẩm thép cán nguội đạt 662.509 tấn, tăng 18%.
Tính đến 31/10/2019, Việt Nam xuất khẩu hơn 5,3 triệu tấn thép thành phẩm, tăng 2,8% so với cùng kì năm ngoái. Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt gần 3,5 tỉ USD, giảm 9%.
Các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam vẫn là khu vực ASEAN với 63%; Tiếp theo là Mỹ (6,5%); Châu Âu (5,6%); Hàn Quốc; Trung Quốc và Nhật Bản.
Nguồn tin: Vietnambiz