Hiệp hội Thép VN đã cảnh báo, năm 2010 sẽ là năm nhiều “chông gai”cho DN ngành này, thậm chí, nếu không có những giải pháp cấp thiết và triệt để, ngành thép sẽ tự đánh mất sân nhà.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, để ngành thép rơi vào tình trạng như hiện nay có rất nhiều nguyên nhân. Song cũng phải thừa nhận rằng, nếu ngay từ đầu chúng ta có một chiến lược bài bản về đầu tư và sản xuất thép, thì các DN không rơi vào tình cảnh lao đao như hiện nay. Chính vì thế, Hiệp hội Thép VN đã cảnh báo, năm 2010 sẽ là năm nhiều “chông gai”cho DN ngành này, thậm chí, nếu không có những giải pháp cấp thiết và triệt để, ngành thép sẽ tự đánh mất sân nhà.
Theo ghi nhận của DĐDN, chỉ trong vài ngày trở lại đây, giá thép phế tăng rất cao, lên tới mấy chục USD/tấn so với cuối năm 2009, trong khi đó, giá phôi lại không tăng. Sự thay đổi của thị trường nguyên liệu trong thời gian qua cộng với cảnh báo trên của Hiệp hội Thép VN cho thấy, một lần nữa câu chuyện ngành thép "kêu cứu" có thể có thêm những “tập”" mới nếu các DN, hiệp hội và các cơ quan hữu quan không sớm đưa ra được những giải pháp hữu hiệu.
Đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt
Theo ông Phạm Chí Cường - Chủ tịch Hiệp hội Thép VN, ngoài những khó khăn về giá nguyên liệu, năm 2010 ngành thép còn phải đối mặt với việc một số sản phẩm thép theo lộ trình quy định WTO sẽ không còn được hưởng ưu đãi và bảo hộ cao về thuế nhập khẩu. Chẳng hạn, năm 2010, lượng thép từ các nước ASEAN, Trung Quốc và Nga sẽ nhập khẩu vào VN nhiều hơn do được giảm thuế theo lộ trình cam kết WTO (ít nhất 1% với mỗi mặt hàng). Như vậy, ngành thép trong nước sẽ khó khăn hơn khi không còn nhận được nhiều sự hỗ trợ bằng các biện pháp khác nhau từ phía Nhà nước, sẽ khó có thể cạnh tranh nổi với thép ngoại.
Sự lo xa của ông Chủ tịch Hiệp hội Thép không phải không có cơ sở khi mà từ trước tới nay thế mà thép ngoại "đè" thép nội thì lập tức các DN trong nước lại đệ đơn kêu cứu lên Chính phủ và Bộ Công Thương. Trên thực tế, sức cạnh tranh yếu kém của DN thép VN cũng đã được chứng minh khi mà chỉ trong năm 2009, không dưới 3 lần các DN trong ngành thép đã đệ đơn lên Chính phủ, Bộ Công Thương xin trợ giúp trước sự "lấn sân" mạnh mẽ của thép ngoại.
Một vấn đề nữa cũng khiến cho sức "nóng" của thị trường thép sẽ "nóng" hơn khi mà năm 2010 một số dự án sản xuất thép mới sẽ chính thức đi vào sản xuất. Chẳng hạn như các nhà máy của Tập đoàn Hoa Sen, nhà máy Thống Nhất hay của liên doanh Tata Steel... dự kiến đi vào sản xuất thì nguồn cung sẽ gấp 3 lần sức tiêu thụ của thị trường nội địa. Trong năm 2009, nếu tính cả lượng thép sản xuất trong nước lẫn nhập khẩu thì sản lượng thép thành phẩm ước tính lên đến 18,7 triệu tấn, trong khi lượng tiêu thụ trong năm 2009 chỉ khoảng 5,2 triệu tấn, (lượng thép trong nước sản xuất là 11,5 triệu tấn, nhập khẩu là 7,2 triệu tấn). Như vậy lượng thép dư thừa lên tới 13,5 triệu tấn. Tuy nhiên, theo thống kê của Hiệp hội Thép VN (VSA) tính đến hết tháng 11/2009, lượng thép tồn kho của các DN thuộc VSA chỉ khoảng 225.000 tấn (?!). Trong khi đó, theo tính toán, sức tiêu thụ của mặt hàng thép cán nguội trong năm 2010 chỉ ở mức 1,2 -1,4 triệu tấn nhưng hiện tại công suất của các nhà máy đã đạt mức 2,4 triệu tấn. Phôi thép vuông (billet) cung ứng cho các nhà máy cán sản xuất thép xây dựng cũng sẽ vượt 60%, trong khi dự báo sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm thép trong nước chỉ tăng khoảng 10 - 12%. Điều này chắc chắn sẽ đưa sự cạnh tranh giữa các DN ngày càng khốc liệt hơn. Đặc biệt là ở các sản phẩm thép xây dựng, cuộn cán nguội, ống thép hàn, tôn mạ kim loại, sơn phủ màu... Ngoài ra, cũng còn phải kể đến sự cạnh tranh lẫn nhau của chính các DN trong nước khi mà từ khoảng 2 năm trở lại đây chính sách phân cấp đầu tư “bung” về địa phương. Thực ra, vấn đề cung lớn hơn cầu của ngành thép không phải bây giờ mới được nhắc tới, Bộ Công Thương đã từng lên tiếng cảnh báo và đã thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra các dự án thép. Nhưng nhiều địa phương đã bỏ ngoài tai lời cảnh báo này và vẫn âm thầm cấp phép cho một số dự án thép ngắn hạn. Và dường như câu chuyện "gậy ông đập lưng ông" tái hiện với những gì đang diễn ra với ngành thép !
DN mong sự hỗ trợ từ Nhà nước
DN khó có thể tự cạnh tranh nổi với thép ngoại - Đó là ý kiến của hầu hết các DN thép khi trao đổi với DĐDN xung quanh câu chuyện khó khăn của ngành thép trong năm 2010. Theo các DN này, năm 2010 chắc chắn sẽ khó khăn hơn 2009, bởi lẽ kinh tế thế giới nói là hồi phục nhưng vẫn còn rất nhiều khó khăn trong khi các gói kích cầu, ưu đãi... không thể kéo dài mãi. Giờ là lúc các DN ngành thép rất cần được hỗ trợ về thuế quan, tài chính, đặc biệt là các biện pháp tự vệ. Bởi nói như một DN thì: Nếu tự thân DN xoay xở thì khó có thể đứng vững nổi trên thị trường trước những "cơn bão" thép ngoại dự kiến sẽ vào thị trường VN cũng như sự thất thường của thị trường trong nước. Ông Lê Ngọc Sơn - Phó Tổng Giám đốc Cty cổ phần luyện thép Sông Đà phân tích: Khó khăn nhất hiện nay là sự cạnh tranh giữa DN trong và ngoài nước. Năng lực sản xuất của DN thép nước ngoài rất lớn, sản lượng của những năm trước vẫn còn nên nguồn cung rất lớn.
Thứ hai, các DN nước ngoài họ áp dụng mô hình sản xuất liên hoàn nên giá thành bao giờ cũng rẻ hơn các DN VN, chi phí năng lượng theo đó cũng sẽ rẻ hơn trong khi ở VN chưa có DN nào làm được như vậy. Nếu đánh giá khách quan thì sự cạnh tranh giữa các DN thép VN và nước ngoài là chưa ngang sức, trong bối cảnh thép nước ngoài đang thừa mà VN không dựng được hàng rào bảo vệ thì các DN trong nước sẽ gặp rất nhiều khó khăn trước sự xâm nhập của thép ngoại. Thêm nữa, thị trường tiêu thụ trong nước chưa có dấu hiệu tăng trở lại, năm 2009 do Chính phủ có gói kích cầu, năm 2010 khi không còn hỗ trợ chắc chắn sẽ khó khăn hơn. Hiện nay, tín dụng đã thắt chặt. Đây cũng là lý do khiến thị trường trở nên khó khăn.
Nhiều DN cho biết, họ đã lường trước được những khó khăn này nhưng "cái khó bó cái khôn" nên cũng không thể làm gì được hơn. Con bài duy nhất mà các DN này vẫn làm là bằng mọi cách để giảm giá thành, nhưng giảm cũng có giới hạn, không thể giảm "sâu" quá. Rất nhiều DN đã đầu tư máy móc, nhà xưởng rất hiện đại, với phương châm tập trung đầu tư vào quản lý, công nghệ để giám giá thành. Tuy nhiên, theo họ đã đầu tư như vậy mà vẫn không cạnh tranh nổi với thép ngoại thì chỉ trông chờ vào chính sách vĩ mô của Nhà nước.
Theo dự báo của Hiệp hội Thép, năm 2010 sẽ có rất nhiều nhà máy thép đi vào hoạt động. Dự kiến tăng trên 60%, trong khi lượng thép phế nhập khẩu cũng tăng mạnh vì thép phế trong nước chỉ đáp ứng tối đa 30%. Chính vì vậy, theo ông Sơn, Nhà nước cần tiếp tục hỗ trợ các DN thép về vốn để tiếp tục phát triển. Bên cạnh đó, rất cần các biện pháp tự vệ, đặc biệt là phôi thép. Nếu nhìn xa hơn, khi phôi ổn, các DN trong nước có bảo vệ để phát triển, ngành thép là ngành liên tục phát triển. Vài năm gần đây, nhiều DN thép đã đầu tư rất bài bản và chuyên nghiệp, nếu có được sự hỗ trợ tốt về mặt chính sách chắc chắn các DN sẽ ổn định và phát triển.
Ông Sơn khẳng định, nếu được hỗ trợ, nhà máy luyện phôi thép Sông Đà sẽ đầu tư sản xuất phôi từ quặng. Điều này nếu được thực hiện sẽ có thể cạnh tranh sòng phẳng với thép ngoại. Bởi theo ông hiện nhà máy đã trang bị những thiết bị, máy móc hiện đại. Việc dây chuyền sản xuất phôi từ quặng có được đi vào hoạt động hay không hoàn toàn phụ thuộc vào chính sách của Nhà nước và sức tiêu thụ của thị trường. Ông Sơn cho rằng, các DN thép trong nước hiện mới là những DN cần được khuyến khích, hỗ trợ để phát triển. “Các DN trong nước nếu có làm ra tiền thì cũng chỉ ở trong nước, còn các DN nước ngoài lợi nhuận sẽ được chuyển ra nước ngoài" - ông Sơn quả quyết.
Cần sử dụng các biện pháp tự vệ
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, để ngành thép rơi vào tình trạng như hiện nay có rất nhiều nguyên nhân, song cũng phải thừa nhận rằng, nếu ngay từ đầu chúng ta có một chiến lược bài bản về đầu tư và sản xuất thép, thì các DN không rơi vào tình cảnh lao đao như hiện nay. Việc đầu tư ồ ạt và luôn bị động trước sản phẩm thép ngoại nhập có lẽ vẫn là vấn đề không thể giải quyết một sớm, một chiều với ngành thép.
Hiệp hội Thép cũng kiến nghị Chính phủ nên sử dụng tối đa những điều Luật Thương mại quốc tế cho phép để hỗ trợ sản xuất trong nước, kể cả biện pháp tự vệ cần thiết khi hàng nước ngoài ồ ạt nhập VN. Các cơ quan chức năng cũng cần kiểm soát chặt chẽ các dự án đầu tư mới, các thủ tục cấp phép đầu tư ngoài quy hoạch để đảm bảo cân đối cung cầu các sản phẩm thép trong nước.
Để ngành thép có thể trụ vững trong thời gian qua phải thừa nhận sự hỗ trợ của Chính phủ là rất lớn và kịp thời. Còn nhớ, trước những khó khăn của ngành thép trong năm 2009, Chính phủ đã nhanh chóng có những điều chỉnh kịp thời trong cơ chế chính sách, tháo gỡ khó khăn cho DN. Cùng với đó là chính sách giữ ổn định tỷ giá VND/USD; ưu tiên cung ứng USD cho nhập khẩu phôi thép, thép phế và một số vật tư nguyên liêu phục vụ cho sản xuất trong nước; tiếp tục cho vay với lãi suất ưu đãi để duy trì sản xuất.
Thiết nghĩ, giờ là lúc các cơ quan chức năng cần sớm nghiên cứu vấn đề mà các DN thép đang đặt ra để bảo vệ sự phát triển lành mạnh của ngành thép trong nước. Đặc biệt trong bối cảnh kinh tế thế giới đang phục hồi, ngành thép của các nước cũng đang phát triển trở lại, việc sẵn sàng bán giá rẻ để "xả hàng" tồn là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên, theo luật định, nếu bất cứ sản phẩm thép của một quốc gia nào vượt quá 3% tổng lượng nhập khẩu vào VN của ngành hàng đó và chứng minh được sự ảnh hưởng đến sản phẩm trong nước thì các quốc gia nhập khẩu có thể áp dụng biện pháp tự vệ. Chính vì vậy, việc đưa các biện pháp phòng vệ chính đáng cho thép nội đang là điều cấp thiết trong bối cảnh hiện nay.
(INFO TV)