Nhu cầu tiêu thụ thép trong tháng 6 giảm sút nhưng các đại lý vẫn kêu khan hàng, liên tục tăng giá bán 2 - 3 triệu đồng mỗi tấn. Hiệp hội thép Việt Nam nhận định, thị trường này đang có biểu hiện găm hàng.
Theo VSA, lượng thép tiêu thụ trong tháng 6 ước đạt 320.000 - 330.000 tấn (các tháng 4, 5 đạt trung bình 400.000 tấn). Giá thép tính đến cuối tháng 6 đã “đội” thêm 800.000 - 1 triệu đồng mỗi tấn so với tháng 4. Đất việt
Tại TP HCM, chủ nhiều cửa hàng vật liệu xây dựng phản ánh, 10 ngày trở lại đây không có hàng để bán. Anh Quang, chủ cửa hàng Quang Thắng (xã Xuân Thới Sơn, huyện Hóc Môn), cho biết: “Trước đây, mỗi tháng cửa hàng nhập về 200 tấn thép xây dựng các loại, nhưng từ đầu tháng 6 đến nay, chỉ nhập được 100 tấn do đại lý báo hết hàng, dù lượng bán ra chậm hơn tháng trước”.
Sức mua giảm, vẫn… tăng giá
Về phía các đại lý, tình cảnh cũng diễn ra tương tự khi lượng thép mua trực tiếp từ nhà máy giảm mạnh. Ông Nguyễn Văn Minh, Giám đốc Công ty TNHH thương mại - dịch vụ Minh Tuấn Ngân (phường Bình Trị Đông A, quận Bình Tân, TP HCM), chuyên nhập thép của Vina Kyoe, than thở: “Nhiều hôm, đưa xe đến tận nhà máy lấy hàng nhưng phải về không vì… nhà máy thiếu phôi để sản xuất thép”.
Tăng giá, khan hàng khiến thép nội đứng trước nguy cơ mất thị phần. Ảnh: Đình Sơn.
Trong khi, tại Hà Nội, sắt thép không “cháy” hàng nhưng giá vẫn liên tục tăng từ đầu tháng 5 trở lại đây. Nếu giá thép xuất xưởng tại các nhà máy 2 tháng gần đây tăng khoảng 850.000 đồng mỗi tấn thì tại nhiều đại lý, giá thép lại tăng tới 2 - 3 triệu đồng. Ông Trần Thu, giám đốc công ty kim khí Hoàng Phong, đại lý cấp 1 của thép Việt - Úc tại Hà Nội, cho biết, sức tiêu thụ thép các loại tháng 6 khá chậm, chỉ khoảng 10.000 tấn mỗi tháng (giảm 20 - 30% so với tháng 5), nhưng giá thép bán lẻ hiện lên đến 14 - 15 triệu đồng một tấn tùy đại lý (cách đây một tháng giá chỉ 12 - 12,5 triệu đồng). Lý do tăng giá thép theo các doanh nghiệp sản xuất, đại lý là do chưa bù đắp chi phí sản xuất, giá xăng tăng làm tăng chi phí vận chuyển…
Nguy cơ mất thị phần
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), với mức giá hiện nay, thép cuộn nhập khẩu từ các nước Đông Nam Á đang rẻ hơn thép cuộn cùng loại trong nước từ 500.000 - 700.000 đồng mỗi tấn. Chủ tịch VSA, ông Phạm Chí Cường, thừa nhận: “Đại lý kêu thiếu hàng, tăng giá trong khi sức mua giảm sút mạnh là hiện tượng bất thường, có biểu hiện găm hàng chờ giá tăng. Nếu kéo dài tình trạng này, có thể khiến doanh nghiệp trong nước mất thị phần vào tay thép ngoại giá rẻ”.
VSA cũng cho biết, sẽ sớm tổ chức họp với các doanh nghiệp để làm rõ chuyện đại lý phản ánh khó lấy được hàng trực tiếp từ nhà máy.
Ông Nguyễn Minh Xuân, Giám đốc Công ty kim khí TP HCM, cho rằng: “Càng tăng giá, doanh nghiệp trong nước càng tự làm khó mình vì bị đẩy vào thế bất lợi. Để khắc phục tình trạng sản xuất trì trệ kéo dài thời gian qua, doanh nghiệp cần phải giảm giá thành để tăng sức cạnh tranh”. Tuy nhiên, ông Xuân cũng cho biết: “Doanh nghiệp không muốn giảm giá vì như thế sẽ cầm chắc lỗ”.
Nguồn cung thép hạn chế tại TP HCM khiến người dân, nhà thầu xây dựng phải chật vật tìm cách xoay sở. Ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH thương mại - xây dựng Lê Thành (TP HCM), cho biết, mỗi tháng doanh nghiệp này phải mua 100 - 200 tấn thép Pomina, Thép miền Nam phục vụ công trình chung cư Lê Thành đang thi công từ… 6 đại lý, nhưng vẫn không gom đủ.