Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Thị trường thép có dấu hiệu sôi động ảo

Lượng thép tiêu thụ trong tháng qua tăng đột biến. Nhưng các doanh nghiệp sản xuất lại không hồ hởi, bởi dấu hiệu đầu cơ, găm hàng để "làm giá" đang xuất hiện trên thị trường.

Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) lạc quan cho biết, lượng thép tiêu thụ toàn thị trường tháng 11/2008 đạt 382.000 tấn, gấp ba lần mức bình quân những tháng trước.

Tiêu thụ tăng do mua đi bán lại

 

Tuy nhiên, ông Lê Mạnh Hoàn, Phó tổng giám đốc Công ty Thép Đình Vũ, nói: “Tiêu thụ thép tăng trở lại nhưng chỉ là cầu “ảo” nên không làm nhà sản xuất mừng. Thực tế, thép tồn kho bán ra không đến được các nhà thầu, công trình mà vẫn quẩn quanh từ kho của nhà sản xuất sang kho của nhiều công ty thương mại”.

Đại diện phòng Kinh doanh của Tổng công ty Thép Việt Nam cho biết, lượng thép đổ vào công trình một tháng trở lại đây chưa đầy 1/3 tổng lượng thép tiêu thụ toàn thị trường.


Mức tiêu thụ thép tuy tăng nhưng có dấu hiệu chỉ là cầu ảo. Ảnh: Lê Hưng.


Ông Lê Phan Đức, Trưởng phòng Kinh doanh Công ty Ống thép Việt Đức, dẫn chứng: lượng thép xuất xưởng của công ty trong tháng 11 đạt 3.000 tấn (tăng 15% so với tháng trước), nhưng có đến hơn 2.000 tấn thép tiêu thụ nội địa. Trong đó, 80% bán cho các công ty kinh doanh thép, còn hàng “chảy” vào các công trình xây dựng chiếm chưa đầy 20%.

Theo lý giải của ông Hoàn, giá phôi thép trên thị trường thế giới sau khi giảm xuống dưới 400 USD một tấn đã phục hồi, hiện ở mức 400 – 430 USD một tấn. Với tâm lý cho rằng giá thép đã xuống đến đáy nên nhiều doanh nghiệp tranh thủ mua vào tích trữ, chờ giá tăng bán. Đây là nguyên nhân đẩy giá thép và lượng tiêu thụ vọt lên so với các tháng trước.

 

Chủ tịch VSA, ông Phạm Chí Cường, thừa nhận, thị trường thép chưa xuất hiện nhu cầu tiêu thụ thực sự và bền vững. Lượng hàng đầu cơ đang tập trung chủ yếu ở các doanh nghiệp thương mại tư nhân. Nhưng không ít thành viên VSA như: Thép Việt, Thép Hoa Sen, Công ty Kim khí Hà Nội, Công ty Kim khí miền Trung cũng “dính” vào phong trào “mua đón giá” này. 

 Hệ lụy khôn lường

Theo các nhà thầu xây dựng, gói kích cầu (hướng mạnh vào hạ tầng kinh tế như giao thông, thủy lợi) của Chính phủ được giải ngân đầu năm 2009 chưa thể tác động ngay đến các ngành xây dựng. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp thương mại tư nhân đầu cơ lại nặng tâm lý “ăn xổi”. “Nếu 2 - 3 tháng tới, giá thép không cải thiện do cầu thực sự từ các công trình xây dựng chưa tăng, có thể kéo theo cảnh bán tháo thu hồi vốn, đổ vỡ của thị trường này sẽ khó tránh”, Phó tổng giám đốc Công ty Thép Đình Vũ nhận định.

Chủ tịch VSA cũng cho rằng, nếu cầu “ảo” vỡ, mạng lưới kinh doanh, tiêu thụ thép khó khăn, toàn thị trường có nguy cơ một lần nữa lâm vào khủng hoảng.

Đáng lo ngại hơn, VSA cho biết, đang có tình trạng các công ty thương mại tranh thủ lãi suất ngân hàng giảm liên tục, chấp nhận mượn vốn để đầu cơ mua thép tích trữ. “Chúng tôi được biết một số đại lý quy mô nhỏ hiện vay ngân hàng vài tỷ đồng. Con số này ở công ty lớn có thể lên tới hàng chục, hàng trăm tỷ đồng”, ông Cường nói.

Hiện sức mua thực nội địa “mong manh”, trong khi thép ngoại nhập giá rẻ lại dồn dập đổ vào Việt Nam. Thép Đình Vũ chuyên nhập hàng phế về sản xuất phôi đang lao đao vì không cạnh tranh nổi với phôi thép giá rẻ của Nga, Trung Quốc, Đài Loan…Với giá đã tính thuế chỉ 6,7 - 6,8 triệu đồng một tấn, thép ngoại nhập có giá thấp hơn 30% so với giá trong nước.

Theo VSA, giá thép cán xuất xưởng (chưa tính 5% thuế VAT) hiện dao động 11,3 - 11,7 triệu đồng một tấn, tăng 1,5 - 2 triệu đồng so với thời điểm xuống thấp nhất. Giá bán lẻ tùy từng địa phương khoảng 11,5 - 12,5 triệu đồng. VSA cho biết, nhờ lượng tiêu thụ đáng kể, tháng 11, các doanh nghiệp “giải phóng” phần lớn thép tồn kho toàn thị trường, xuống còn 200.000 tấn.

Baodatviet

 

ĐỌC THÊM