Báo cáo về tình hình sản xuất, kinh doanh của ngành thép trong 4 tháng đầu năm 2016 của Bộ Công Thương cho thấy, sản xuất thép có sự tăng trưởng so với năm 2015.
Cụ thể, trong 4 tháng đầu năm 2016, sản xuất sắt thép thô đạt gần 1,5 triệu tấn, tăng 18,4%, thép cán đạt hơn 1,5 triệu tấn, tăng 21,9% so với cùng kỳ. Thép thanh, thép góc có mức tăng trưởng cao nhất với mức tăng 27,6% so với cùng kỳ 2015, đạt 1534,2 nghìn tấn.
Mặc dù sản xuất tăng, tuy nhiên lượng nhập khẩu thép các loại từ các thị trường lại không giảm. Số liệu của Bộ Công Thương cho thấy, lượng thép NK trong tháng 4 tăng 45,3% và tăng 4,6% về trị giá so với cùng kỳ. Tính chung 4 tháng đầu năm 2016, nhập khẩu thép các loại tăng tới 59,2% về lượng và tăng 1,3% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.
Như vậy, lượng thép NK tăng cao nhưng giá trị NK giảm cho thấy giá thép NK giảm nhiều so với năm 2015. Điều này đã tạo ra sức ép rất lớn đối với sản xuất thép trong nước.
Thông tin về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, những tháng đầu năm 2016, ngành thép trong nước gặp nhiều khó khăn do đối mặt với lượng thép nhập khẩu ồ ạt từ nước ngoài, đặc biệt là từ Trung Quốc. Cạnh tranh gay gắt, tiêu thụ khó khăn, giá bán thấp ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp.
Tuy nhiên, sang tháng 3 và tháng 4 thị trường đã có sự phục hồi tích cực. Nguyên nhân, theo đại diện Bộ Công Thương là do nhu cầu tăng, giá thép trong nước cũng gia tăng theo xu hướng tăng mạnh của thị trường thép thế giới. Các DN sản xuất thép theo đó đều đẩy mạnh sản xuất, tiêu thụ nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu thị trường, đem lại hiệu quả sản xuất kinh doanh cao.
Đại diện Bộ Công Thương cũng nhấn mạnh, ngày 7-3-2016, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 862/QĐ-BCT về việc áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời đối với phôi thép và thép dài nhập khẩu vào Việt Nam. Quyết định này cũng đã phát huy tác dụng giúp ngăn chặn phôi thép và thép giá rẻ nhập khẩu vào thị trường Việt Nam, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh cho các nhà sản xuất thép trong nước.
Nguồn tin: Hải quan