Trái với không khí ảm đạm của những tháng đầu năm, bước sang quý 2/2009, thị trường thép trong nước đã có dấu hiệu phục hồi. Chỉ trong một thời gian ngắn các doanh nghiệp đã liên tục tăng giá bán thép. Tuy nhiên, sẽ không có tình trạng sốt giá như năm 2008.
Theo thống kê của Hiệp hội thép Việt Nam (VSA), lượng thép tiêu thụ trong tháng 3 khoảng 356.000 tấn và tháng 4 trên 429.000 tấn (đây là tháng có mức tiêu thụ cao nhất từ trước tới nay), đưa lượng thép tiêu thụ trong 4 tháng đầu năm 2009 lên trên 1,148 triệu tấn.
Tăng giá thép để bù lỗ
Trong tháng 4/2009, một số doanh nghiệp thuộc Tổng công ty Thép Việt Nam (VSC) đã có tới ba lần tăng giá thép cuộn với mức tăng tổng cộng 400.000 đồng/tấn, hai lần điều chỉnh giá thép tròn đốt (thép cây) với mức tăng 200.000 đồng/tấn.
Các công ty như Gang thép Thái Nguyên (Tisco), Việt-Úc, Việt-Hàn... cuối tháng 4 cũng đã điều chỉnh giá thép thêm 100.000-200.000 đồng/tấn. Giá bán lẻ thép hiện phổ biến ở mức 11-11,5 triệu đồng/tấn tại phía Bắc và 10,5-11,5 triệu đồng/tấn ở phía Nam.
Lý giải về điều này, ông Nguyễn Tiến Nghi, Phó Chủ tịch VSA cho rằng, do đầu năm giá thép thế giới xuống thấp, thị trường thép “xuống dốc không phanh” khiến thép trong nước không tiêu thụ được, các doanh nghiệp lỗ nhiều vì phải duy trì sản xuất và trả lãi ngân hàng.
Nay, một số doanh nghiệp tăng giá bán thép lên một vài trăm nghìn đồng/tấn cũng mới chỉ giảm lỗ hoặc không lỗ mà thôi. Một nguyên nhân nữa là trước khi giá thép xây dựng tăng từ mức 9,5 -10,2 triệu đồng/tấn lên 10,2-10,7 triệu đồng/tấn như hiện nay thì giá thép trên thị trường nội địa đã bị hạ dưới giá thành sản xuất và phải cạnh tranh quyết liệt với thép nhập ngoại.
Cùng với đó, giá phôi thép nhập khẩu chào bán vào Việt Nam trong tháng 4 đã nhích lên 420-430 USD/tấn, trong khi 2 tháng đầu năm chỉ từ 360-370 USD/tấn. Giá nguyên liệu đầu vào tăng khoảng 50 USD/tấn khiến giá đầu ra tăng theo. Ngoài ra, do chênh lệch tỷ giá của đồng USD so với VND cao, đang từ mức hơn 17.000 VND/USD tăng lên trên 18.000 VND/USD cũng làm giá thép nhập khẩu tăng.
Từ 1/4/2009 thuế suất thuế nhập khẩu phôi thép tăng từ 5% lên 8%, sản phẩm thép cán nguội tăng từ 7% lên 8%, thép thành phẩm từ 12% lên 15% làm tăng giá đầu vào của sản phẩm thép.
Ông Nguyễn Minh Xuân, Giám đốc Công ty Kim khí TP. HCM, cho rằng, doanh nghiệp buộc phải tăng giá để bù đắp số lỗ do giá thép bị giữ ở mức thấp quá lâu. Trước đây, do sức cầu yếu, chấp nhận bán dưới giá thành để kích cầu thị trường, giá bán thép tấm bằng chi phí mua phôi sản xuất, giá bán phôi thép cũng chỉ ngang với giá phế liệu nhập về để sản xuất phôi, tỷ giá biến động, thuế nhập khẩu thép tăng, giá phôi thế giới tăng thêm 30-50 USD/tấn... cũng là lý do doanh nghiệp đưa ra về việc điều chỉnh giá thép liên tục trong thời gian qua.
Theo quan điểm của VSA, thị trường thép xây dựng đã sôi động trở lại, nhu cầu tiêu dùng thép tăng cao do vào mùa xây dựng, các gói kích cầu của Chính phủ đã phát huy tác dụng, nhiều công trình của Nhà nước bắt đầu khởi công xây dựng. Do đó, việc tăng giá thép như hiện tại là cần thiết và đây không phải hiện tượng “làm giá” do tranh thủ chính sách kích cầu của Chính phủ. Giá đầu vào đã tăng, thị trường tiêu thụ tốt mà doanh nghiệp lại phải chịu lỗ là không hợp lý.
Giảm khả năng cạnh tranh?
Thép là ngành công nghiệp cơ bản, phải duy trì để bảo đảm an ninh kinh tế. Nếu để các doanh nghiệp phá sản, khi kinh tế phục hồi thì việc khôi phục lại ngành này sẽ rất khó khăn. Quan trọng hơn, việc đảm bảo hoạt động của ngành thép cũng là để bảo đảm việc làm, an sinh xã hội đối với hàng chục vạn lao động của ngành thép.
VSA cho rằng, trên thực tế, mức điều chỉnh giá thép thêm 10%-15% là không lớn. Ngay cả khi đã tăng giá, các doanh nghiệp vẫn đang phải bán dưới giá thành. Cụ thể, với mỗi tấn thép trong kho, họ đang chịu lỗ 500.000-700.000 đồng. Tuy nhiên, do giá thép được điều chỉnh thành nhiều đợt liên tục nên đã tạo tâm lý không tốt với người tiêu dùng.
Giá thép tăng liên tục trong vòng một tháng trở lại đây đã khiến nhiều nhà thầu không kịp trở tay. Đại diện Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Tam Sơn (Hà Nội), cho biết, công ty đã ký 4 - 5 hợp đồng xây dựng từ đầu năm khi giá thép chỉ dao động trong khoảng 10,2 - 10,5 triệu đồng/tấn.
Với giá hiện tại, mỗi tấn thép, công ty lỗ 1 triệu đồng. Số tiền phát sinh cho những hợp đồng này lên tới hàng tỷ đồng. Tuy nhiên, hợp đồng đã ký nên nhà thầu khó có thể đàm phán lại về giá. Điều đáng lo ngại nhất hiện nay là sức cầu thép mới ở giai đoạn đầu phục hồi, nếu chịu áp lực tăng giá bán sẽ khó có thể vực dậy thị trường thép thời gian tới.
Việc tăng giá phần nào gây bất lợi cho chính doanh nghiệp, vì thép Trung Quốc giá rẻ vẫn “ngấp nghé” tại các cửa khẩu chờ cơ hội xâm nhập thị trường Việt Nam. Sự cạnh tranh với thép ngoại đã khiến doanh nghiệp thép trong nước không thể tiếp tục “tận dụng” việc tăng giá bán, nếu không tính đến các biện pháp cắt giảm chi phí sản xuất để giảm lỗ, hạ giá thép ở mức cạnh tranh hơn. Theo dự báo của VSA, giá thép cuối quý 2/2009 sẽ ổn định, không tăng đột biến. Hiện với 30 nhà sản xuất thép trong nước, doanh nghiệp không thể điều chỉnh tăng vô lý mà phải nhìn nhau.
Nhận định xu hướng giá thép thị trường nội địa năm 2009, VSA cho rằng, việc “sốt” giá thép như năm 2008 (tăng giá gần 100%) là không thể xảy ra vì khả năng kinh tế thế giới chưa thể phục hồi ngay. Do đó, khủng hoảng thừa thép trên thế giới sẽ tiếp tục xảy ra. Các nước dư thừa thép sẽ cạnh tranh giá để xuất khẩu sang các nước đang có nhu cầu. VSA dự kiến, mức tiêu thụ thép năm 2009 của Việt Nam sẽ chỉ bằng năm 2008, khoảng trên dưới 3,8 triệu tấn
(ATPVietnam)