Hiệp hội Thép VN (VSA) cho biết, từ 1/1/2009 đến nay đã có gần 630 nghìn tấn thép cuộn cán nguội nhập khẩu vào VN với giá trị kim ngạch nhập khẩu trên 300 triệu USD. Đây là con số nhập khẩu gấp hơn 2 lần lượng thép tiêu thụ của các công ty thép VN, gây ảnh hưởng đến sản phẩm sản xuất trong nước. Các DN thép đã có công văn gửi Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Hiệp hội Thép VN kiến nghị những giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn này.
Hiện giá thép ngoại từ các nước ASEAN rẻ hơn trong nước từ 500 – 700.000 đồng/tấn. Nhờ ưu thế về giá, thép ngoại nhập đã tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Vì vậy, thép trong nước chỉ tiêu thụ được 1/3 sản lượng so với cùng kỳ. Được biết, lượng thép đang tồn kho rất lớn, đến cuối tháng 11 còn khoảng 225.000 tấn. Thêm vào đó, giá phôi thép thế giới hiện đang tăng thêm 5-10 USD/tấn, lên 470 - 480 USD/tấn, cộng thêm chi phí vận chuyển, tỷ giá USD lại đẩy giá thép bán ra tăng tiếp. Với đà tăng giá này, dự báo thép nội sẽ càng gặp khó hơn trong tiêu thụ.
Theo thống kê của VSA, thép có xuất xứ từ Trung Quốc, Nga, thậm chí là các nước trong khu vực như Malaysia, Thái Lan, Indonesia vài tháng gần đây đang đổ mạnh vào thị trường. Ngay trong nửa đầu tháng 11 các DN nhập khẩu thép đã nhập khẩu tới 32.000 tấn thép cán nguội, còn nếu tính từ đầu năm con số này đã lên tới trên 620.000 tấn.
Trên thực tế, thép nội đã tự làm khó chính mình khi liên tục để xảy ra những cơn sốt giá, trong khi giá thế giới vẫn ở mức thấp. Làm giá quá cao khiến thị trường thép đã rơi vào cảnh ảm đạm ngay giữa mùa xây dựng hồi tháng 10. Đáng nói là việc làm giá này không chỉ gây thiệt hại cho người tiêu dùng mà các nhà sản xuất cũng chẳng được lợi nhiều hơn, bởi đa phần những cơn sốt do giới đầu cơ.
Hiện nay, không chỉ các DN sản xuất mặt hàng thép cuộn cán nguội của VN đang gặp khó khăn trong việc cạnh tranh với thép giá rẻ từ Trung Quốc cũng như thép kém chất lượng từ Nga, mà tình trạng này còn diễn ra khá phổ biến tại một số nước khác trên thế giới. Trước tình hình này, Mỹ đã áp dụng chính sách đánh thuế đối với mặt hàng của Trung Quốc và mới đây EU cũng quyết định áp thuế chống phá giá đối với các sản phẩm sắt, thép ống nhập khẩu từ Trung Quốc. Riêng đối với các nước trong Đông Nam Á như Thái Lan, Indonesia, Malaysia cũng đã áp dụng hàng rào phi thuế quan để chống việc nhập khẩu hàng chất lượng kém và giá thấp từ Trung Quốc. Trong năm 2010 cùng với việc giảm thuế theo lộ trình cam kết WTO, chắc chắn cánh cửa mở ra với thép ngoại sẽ càng rộng hơn. Đặc biệt, khi một số dự án mới đi vào sản xuất vào năm 2010, sự mất cân đối giữa cung – cầu thị trường sẽ càng mạnh hơn, sự cạnh tranh ngay chính các DN nội sẽ càng thêm gay gắt. Cụ thể, sức tiêu thụ của thị trường được dự kiến vẫn ở mức 1 triệu tấn/năm nhưng công suất của các nhà máy hiện có đã là gần 2 triệu tấn. Với thêm nhiều nhà máy mới, công suất dự kiến sẽ gấp 3 lần khả năng tiêu thụ.
Để tự bảo vệ mình, VSA đã đề nghị Nhà nước kiểm soát chặt với các dự án đầu tư mới, các thủ tục cấp phép đầu tư ngoài quy hoạch để cân đối hơn cung cầu, đặc biệt là sử dụng tối đa các điều luật được phép để hỗ trợ sản xuất và tiêu thụ nội địa, kể cả biện pháp tự vệ bằng hàng rào kỹ thuật với thép cán nguội. Hiệp hội cũng đề xuất Bộ Tài chính cần kiểm soát chặt chẽ việc cấp tín dụng của ngân hàng, không để các DN nhập khẩu thép cán nguội đã dư thừa trên thị trường.
Tuy nhiên, nói đi phải nói lại, ngành thép không thể lúc tăng giá thì hưởng, lúc khó bán lại đòi Nhà nước cứu. Điều chỉnh giá bán hợp lý, ổn định thị trường là điều các DN sản xuất thép trong nước phải thực hiện.
(DĐ DN)