Khoảng 4 năm trước đã có những cảnh báo về tình trạng thép hợp kim pha nguyên tố Bo (từ 0,0008% trở lên) nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam để hưởng thuế suất thuế nhập khẩu 0%.
Lúc đầu, chỉ có thép cuộn pha nguyên tố Bo, nhưng sau này, cả thép cuộn cán nóng, thép tấm cán nóng, thép hình đều được pha nguyên tố Bo, khiến thuế suất thuế nhập khẩu thép hình 5%, thép cuộn 5% và thép thanh 10-18% tụt xuống còn 0%. Tình trạng gian lận thương mại này ngày càng trầm trọng, ảnh hưởng đến thị trường thép trong nước, đặc biệt trong tình hình thép tồn kho hiện nay.
Theo Hiệp hội thép Việt Nam (VSA), năm 2012 đã có 679.000 tấn thép cuộn cán nóng, 275.000 tấn thép tấm cán nóng có chứa Bo nhập khẩu vào Việt Nam. Riêng đối với thép xây dựng (thép cuộn, thanh, hình) có chứa Bo, đã nhập khẩu 427.000 tấn từ Trung Quốc, tăng 331% so với năm 2011. Chỉ trong 5 tháng đầu năm 2013, lượng thép cuộn chứa Bo nhập khẩu đã tới 270.000 tấn, cao hơn lượng thép cuộn nhập khẩu cả năm 2012 (248.000 tấn). Thép gian lận "ào ào" chảy vào Việt Nam làm các doanh nghiệp sản xuất thép nội vốn khó khăn lại càng thêm khó khăn, chưa kể hàng trăm tỷ đồng bị thất thoát.
Sản xuất tại Công ty cổ phần Thép Việt Đức. Ảnh: Huy Hùng |
Nhìn lại thị trường thép Việt Nam, ngoài tình trạng quy hoạch chưa hợp lý, nhà máy quy mô nhỏ, sử dụng công nghệ lạc hậu, tiêu hao than, điện cao... còn đang xảy ra tình trạng báo động về thép ngoại lấn lướt thép nội. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, năm 2012, Việt Nam nhập 7.633.000 tấn sắt thép các loại, trị giá 5,981 tỷ USD; riêng 7 tháng năm 2013 nhập 5.477.000 tấn, trị giá 3,966 tỷ USD, thừa sức thỏa mãn nhu cầu trong nước. Ngoài ra, trong năm 2013 có thêm 5 nhà máy thép đi vào sản xuất với công suất 1,5 triệu tấn/năm, nâng tổng công suất thép xây dựng cả nước lên 11 triệu tấn/năm, khiến cho cung càng vượt xa cầu. Tiêu thụ thép xây dựng trong nước chỉ được khoảng 5 triệu tấn, chưa bằng nửa công suất sản xuất.
Một trong những giải pháp mà VSA khuyến cáo các doanh nghiệp thép "tự cứu mình" là tìm đường xuất khẩu. Nhưng, cũng theo Tổng cục Thống kê, năm 2012 các doanh nghiệp chỉ xuất khẩu 1.942.000 tấn sắt thép, trị giá 1,622 tỷ USD; 7 tháng đầu năm 2013 xuất 1.227.000 tấn, trị giá 1,020 tỷ USD. Với giá này thì thép Việt Nam khó cạnh tranh với thép nước ngoài.
Tháng 8 và 9 do ảnh hưởng của mùa mưa bão kéo dài nên lượng thép xây dựng tiêu thụ giảm so với tháng 7. Theo VSA, tháng 8 sản xuất thép xây dựng của các công ty thành viên trong Hiệp hội thép vẫn tăng 3,63% so với tháng trước và tăng 7,06% so với cùng kỳ năm 2012, đạt 384.101 tấn. Tuy nhiên, tiêu thụ chỉ đạt khoảng 368.025 tấn, giảm 6,86% so với tháng trước.
Trong lúc tiêu thụ cầm chừng thì giá nguyên liệu đầu vào cho sản xuất thép vẫn tiếp tục có xu hướng tăng, nhưng giá bán lại giảm liên tục, ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. VSA cảnh báo, trong 2 tháng tới, khi thêm một nhà máy sản xuất ống thép có công suất 30.000-40.000 tấn/năm đi vào sản xuất, sức ép cạnh tranh sẽ càng gay gắt hơn, do đó các doanh nghiệp phải tự ý thức thực hiện các biện pháp đã thống nhất, tránh tình trạng lấn sân không lành mạnh, dẫn tới "gậy ông đập lưng ông".