Theo Bộ Công thương, không có cơ sở để nhận định ngành sản xuất trong nước hay một doanh nghiệp sản xuất nào đó "độc quyền" về nhóm sản phẩm này.
Theo Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương) thời gian vừa qua, Bộ Công Thương nhận được một số thông tin phản ánh của một số trang báo về việc thị trường thép không gỉ cán nguội tại Việt Nam đang có dấu hiệu độc quyền, bị thao túng về giá và chất lượng.
Nguyên nhân do Bộ Công Thương áp thuế chống bán phá giá (CBPG) một số sản phẩm thép không gỉ cán nguội nhập khẩu từ năm 2014.
Theo đó, Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) vừa chính thức có những phản hồi liên quan đến các nội dung phản ánh này.
Căn cứ đúng qui định của pháp luật về CBPG
Cục Phòng vệ thương mại cho biết ngày 6/5/2013, Bộ Công Thương nhận được Hồ sơ yêu cầu áp dụng biện pháp CBPG của đại diện ngành sản xuất trong nước đối với một số sản phẩm thép không gỉ cán nguội (còn gọi là thép inox) nhập khẩu từ Trung Quốc, Indonesia, Malaysia và vùng lãnh thổ Đài Loan (Đài Loan).
Sau khi thẩm định hồ sơ, điều tra và thẩm tra tại chỗ đối với các thông tin, số liệu cung cấp bởi nhà sản xuất trong nước, nhà sản xuất, xuất khẩu nước ngoài, nhà nhập khẩu theo đúng qui định của pháp luật về CBPG, kết quả điều tra cho thấy đã có hành vi bán phá giá của các nhà sản xuất thép inox của 4 nước, vùng lãnh thổ nêu này.
Đồng thời, ngành sản xuất trong nước đang bị thiệt hại đáng kể và có mối quan hệ nhân quả giữa việc bán phá giá thép inox và thiệt hại của ngành sản xuất trong nước.
Do đó, ngày 5/9/2014, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 7896/QĐ-BCT áp dụng biện pháp CBPG đối với một số sản phẩm thép không gỉ từ 4 nước, vùng lãnh thổ trên nhập khẩu vào Việt Nam.
Trong quá trình điều tra và trước khi ban hành quyết định cuối cùng của vụ việc (kể cả các quyết định rà soát sau này), Bộ Công Thương đều lấy ý kiến của các bên liên quan trong vụ việc.
Kết luận điều tra bản công khai đã được Bộ Công Thương gửi đến tất cả các bên liên quan nhằm đảm bảo tính minh bạch.
Bộ Công Thương sẽ tiếp tục theo dõi, xem xét các phản ánh liên quan tới độc quyền thao túng giá theo đúng qui định của Luật Cạnh tranh và xử lí theo qui định của pháp luật
Không có căn cứ cho thấy ngành sản xuất trong nước hay một doanh nghiệp "độc quyền"
Theo thông tin của Hiệp hội Thép Việt Nam, hiện nay Việt Nam có khoảng 10 doanh nghiệp sản xuất thép không gỉ cán nguội cán phẳng dạng cuộn và tấm.
Trong đó một số doanh nghiệp sản xuất chủ yếu để phục vụ nhu cầu tiêu dùng nội bộ (dùng để sản xuất ống thép, bình đựng nước và các sản phẩm khác) mà không bán ra thị trường hoặc chỉ bán với số lượng rất ít.
Đơn cử sản lượng năm 2018 của Công ty TNHH POSCO VST (Posco) chiếm dưới 50% tổng sản lượng của ngành (kể cả phục vụ tiêu dùng nội bộ).
Trong thời gian tới, năng lực sản xuất thép không gỉ trong nước sẽ tăng thêm khoảng 400.000 - 500.000 tấn/năm bởi các nhà máy thép không gỉ mới như Nguyễn Minh (trên 200.000 tấn/năm), Việt Quang....
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, sau khi biện pháp CBPG được áp dụng đến nay, thép inox vẫn tiếp tục được nhập khẩu từ 4 nước, vùng lãnh thổ bị áp thuế cũng như từ các nước khác.
Trong giai đoạn điều tra gần nhất (từ 1/7/2017 đến 30/6/2018), nhập khẩu thép inox vẫn chiếm tới 57,2% tổng tiêu thụ trong nước, trong đó nhập khẩu từ các nước không bị áp thuế CBPG chiếm 68,5% tổng nhập khẩu, sản xuất trong nước chỉ chiếm 42,8% tiêu thụ trong nước.
Cùng với việc sản lượng của doanh nghiệp lớn nhất chiếm dưới 50% sản lượng trong nước thì không có cơ sở để nhận định ngành sản xuất trong nước hay một doanh nghiệp sản xuất nào đó "độc quyền" về nhóm sản phẩm này, Cục Phòng vệ thương mại khẳng định.
Riêng đối với sản phẩm thép không gỉ khổ rộng, số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy Việt Nam vẫn đang nhập khẩu loại sản phẩm này với tỉ lệ khoảng 25% tổng nhập khẩu thép không gỉ cán nguội vào Việt Nam năm 2018.
Diễn biến giá bán bình quân của thép không gỉ. Nguồn: Tổng hợp từ số liệu của TCHQ và nhà sản xuất trong nước
Theo Cục phòng vệ thương mại, với việc áp dụng biện pháp CBPG mức chênh lệch giá giữa hàng nhập khẩu và hàng sản xuất trong nước đã thu hẹp lại.
Mặt khác, biến động tăng, giảm giá của công ty Posco và các nhà sản xuất trong nước khác theo cùng một xu hướng.
Thị phần của Posco không biến động quá lớn kể từ khi biện pháp CBPG được áp dụng. Trong khi đó, thị phần của các nhà sản xuất trong nước khác lại có xu hướng tăng lên rõ rệt trong giai đoạn từ POI-3 đến POI-1 và giảm đi trong giai đoạn POI.
Bên cạnh đó, thị phần của hàng hóa nhập khẩu sau khi giảm dần từ giai đoạn 2014-2015 (POI-3) đến giai đoạn 2016-2017 (POI-1) đã tăng lên trong giai đoạn 2017-2018 (POI).
"Như vậy, không có căn cứ cho rằng việc áp dụng biện pháp CBPG của Bộ Công Thương làm tăng vị thế của Posco trên thị trường thép không gỉ cán nguội", Cục Phòng vệ thương mại kết luận.
Nếu không áp dụng biện pháp CBPG, hàng nhập khẩu giá rẻ sẽ ồ ạt vào Việt Nam
Sau khi áp dụng biện pháp CBPG từ tháng 10/2014, ngành sản xuất trong nước bắt đầu phục hồi và dần tăng trưởng.
"Nếu không có biện pháp CBPG, với việc hàng nhập khẩu gia tăng ồ ạt vào Việt Nam thì ngành sản xuất trong nước khó có thể tồn tại và phát triển.
Có thể thấy, thị trường thép không gỉ cán nguội của Việt Nam trước đây chỉ có sự tham gia của công ty Posco cùng một số công ty qui mô nhỏ khác, nay đã bắt đầu có sự tham gia của các doanh nghiệp lớn trong nước", Cục Phòng vệ thương mại nhận định.
Mặc khác trong quá trình điều tra, áp dụng biện pháp, Bộ Công Thương đã cân nhắc, xem xét miễn trừ áp dụng biện pháp CBPG đối với các sản phẩm thép không gỉ cán nguội làm nguyên liệu đầu vào mà trong nước chưa sản xuất được hoặc chưa đáp ứng nhu cầu nhằm đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng.
Theo thống kê, thép inox của Trung Quốc, Indonesia, Malaysia và Đài Loan đã từng bị nhiều nền kinh tế trên thế giới điều tra chống bán phá giá hoặc chống trợ cấp như Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Brazil, Mexico, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Liên minh kinh tế Á Âu (EAEU).
Do đó, theo Cục Phòng vệ thương mại, trong bối cảnh mặt hàng này phải chịu nhiều áp lực từ việc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại ở nước ngoài, nếu không áp dụng biện pháp CBPG này, hàng nhập khẩu giá rẻ sẽ ồ ạt xuất khẩu vào Việt Nam.
Khi đó, không những ngành sản xuất thép không gỉ trong nước phải chịu thiệt hại mà các mặt hàng ống thép, đồ gia dụng do Việt Nam sản xuất từ nguyên liệu đầu vào là thép không gỉ cán nguội nhập khẩu cũng sẽ đối mặt với việc bị áp dụng biện pháp chống lẩn tránh thuế CBPG của các nước khác khi xuất khẩu.
Nguồn tin: Vietnambiz