Thị trường bất động sản đang có những cải thiện tích cực, đồng thời do có yếu tố mùa vụ, cho nên hầu hết công trình xây dựng đang được các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ để hoàn thiện. Nhờ vậy, trong vài tháng gần đây, sản lượng thép xây dựng của các doanh nghiệp (DN) thép trong nước đạt mức tăng trưởng cao. Tuy nhiên, nhìn về tương lai xa, ngành thép đang chịu áp lực quá lớn từ các thị trường nước ngoài, nếu như không kịp thời thay đổi, thậm chí có thể đối mặt với nguy cơ đổ vỡ.
Tăng trưởng mạnh nhưng thiếu bền vững
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), trong tháng 10 vừa qua, các DN thép thành viên VSA tiêu thụ thép xây dựng đạt sản lượng gần 500 nghìn tấn, tăng 23,7% so cùng kỳ năm trước và hơn 12,3% so với tháng 9. Trong bối cảnh tiêu thụ ảm đạm kéo dài, những con số nêu trên thậm chí đã vượt hẳn dự kiến sản xuất trong tháng của các DN. Tháng 10, các DN đã "mạnh dạn" sản xuất hơn 475.600 tấn, cao hơn tháng 9 khoảng 10% và tăng hơn 27% so cùng kỳ năm 2013. Một nét mới của ngành thép là các DN đã tìm hướng xuất khẩu một số chủng loại sản phẩm, điển hình như ống thép và tôn. Hai mặt hàng này xuất khẩu chiếm tới hơn 30% sản lượng, trong khi mặt hàng thép xây dựng bị cạnh tranh gay gắt lại gần như "bó tay" với việc xuất khẩu. Sản lượng ống thép bán ra của các DN trong tháng 10 đạt hơn 116,6 tấn, tăng đột biến hơn 84% so với năm 2013. Tuy nhiên, thời điểm này cũng ghi nhận thị trường ống thép bắt đầu có những áp lực cạnh tranh lớn. Ðối với mặt hàng tôn mạ kim loại và sơn phủ mầu, trong tháng 10 vừa qua, tiêu thụ đạt gần 161 nghìn tấn, tăng 32,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong tổng lượng tôn tiêu thụ, lượng xuất khẩu chiếm tới hơn 75.500 tấn, tăng 44,3% so cùng kỳ. Hiện tại, giá tôn mạ trên thế giới đang giảm mạnh do nguyên liệu đầu vào giảm, giá bán của các DN sản xuất trong nước có độ trễ. Vì thế, giá nhập khẩu tôn đang rẻ hơn so với giá sản xuất trong nước, đương nhiên mặt hàng này cũng gặp những khó khăn nhất định.
Nhiều chuyên gia đánh giá, từ nay đến hết năm và sang đầu năm tới, thị trường thép trong nước vẫn chưa dứt khỏi những lo lắng thường nhật. Thị trường bất động sản, xây dựng trong nước tuy "ấm lên" song chưa có dấu hiệu khả quan. Thép xây dựng sản xuất trong nước đã vượt xa nhu cầu tiêu thụ thực tế, cộng thêm vào đó, còn bị thép giả danh hợp kim chứa Bo có chất lượng thấp, giá rẻ từ Trung Quốc chèn ép mạnh. Nguyên Chủ tịch VSA Phạm Chí Cường đánh giá, thị trường tiêu thụ thép đang bị thu hẹp do mất cân đối cung - cầu và vấn đề cạnh tranh với thép hợp kim giá rẻ đang chưa tìm được biện pháp đối phó hữu hiệu. Nhận định về diễn biến thị trường thép cuối năm, Tổng Giám đốc Công ty thép Kansai Nguyễn Ngọc Quân cho rằng, theo thông lệ, khi bước vào mùa xây dựng cuối năm, lượng tiêu thụ thép tăng. Tuy nhiên, với những yếu tố bất lợi đang gặp phải, ngành thép sẽ khó có sự gia tăng đột biến trong tiêu thụ.
Một điểm đáng chú ý khác, lượng thép nhập khẩu đang có xu hướng tăng chóng mặt. Tính chung chín tháng năm nay, lượng nhập khẩu thép thành phẩm và bán thành phẩm đạt tới hơn 10,8 triệu tấn (tăng 5,1% so cùng kỳ), đạt kim ngạch hơn 6,64 tỷ USD; xuất khẩu hơn 2,7 triệu tấn, kim ngạch đạt 2,1 tỷ USD. Trong đó, lượng thép hợp kim nhập khẩu hơn 1,4 triệu tấn (tăng 82,3%). Những con số xuất - nhập khẩu này đã thể hiện sự mất cân bằng khá lớn, xuất khẩu chỉ bằng khoảng 20%. Theo dõi số liệu nhập khẩu thép hợp kim ở nước ta thời gian gần đây, VSA đã phát hiện nhiều dấu hiệu bất thường. Năm 2008, thép hợp kim nhập khẩu chỉ khoảng 300 nghìn tấn, mức giá 1.110 USD/tấn, chín tháng năm nay, tăng vọt lên gần ba triệu tấn, mức giá giảm còn 603 USD/tấn. Theo đà này, trong cả năm nay, Việt Nam sẽ nhập khẩu khoảng bốn triệu tấn thép hợp kim, tăng gần hai lần so năm 2013. Số lượng thép hợp kim (sử dụng cho công nghiệp chế tạo) nhập khẩu vượt xa nhu cầu thật của nền kinh tế và mặc dù là thép hợp kim nhưng giá chỉ ngang giá thép xây dựng thông thường. Ðiều này thể hiện một số chủng loại thép được "biến tướng, lách luật" thành thép hợp kim để gian lận thuế. Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát Trần Tuấn Dương bức xúc: Vấn nạn thép giả danh hợp kim chứa Bo có thể coi là sự gian lận mang tầm quốc tế. Với tỷ lệ vi lượng Bo siêu nhỏ 0,0008%, thép xây dựng sẽ biến thành thép hợp kim. Loại thép này không những được miễn thuế và hoàn thuế ở nước sản xuất, còn được dỡ bỏ thuế quan ở các nước nhập khẩu, tạo sự cạnh tranh bất bình đẳng với các nước khác, trong đó có Việt Nam.
Cải tiến công nghệ, nâng cao sức cạnh tranh
Công ty cổ phần cán thép Thái Trung mới được đầu tư xây dựng tại Thái Nguyên với tổng vốn đầu tư hơn 1.200 tỷ đồng và được coi là một trong những nhà máy cán thép hiện đại nhất Ðông - Nam Á, với công suất 500 nghìn tấn/năm, nhưng tình hình sản xuất, kinh doanh đang gặp khó khăn. Phó Tổng Giám đốc Công ty Lâm Mai Tuyên cho biết: Trong bối cảnh thị trường ảm đạm, thép nhập khẩu giá rẻ ồ ạt tràn về,... việc tiêu thụ chậm, tồn kho cao của thép Thái Trung đã được dự báo trước. Dự kiến, trong cả năm nay, tuy công ty chỉ sản xuất cầm chừng 100 nghìn tấn thép cán, số lỗ đã lên gần 100 tỷ đồng nhưng vẫn buộc phải duy trì sản xuất để bảo đảm việc làm cho hơn 300 lao động. Tình trạng ảm đạm ở Công ty Thái Trung đang là bức tranh chung đối với nhiều DN ngành thép. Phó Chủ tịch VSA Chu Ðức Khải cho biết, năm 2013, phần lớn DN thép trong nước chỉ sản xuất được 40 đến 60% công suất thiết kế, chẳng hạn như phôi thép 60%, còn sản phẩm khác chỉ 40%, luyện gang 30% công suất thiết kế. Trong vài năm tới, ngành thép còn đối mặt nhiều khó khăn, thách thức hơn. Khi Hiệp định thương mại tự do với Liên minh hải quan Nga - Bê-la-rút - Ca-dắc-xtan được ký, việc cạnh tranh với "người khổng lồ" thép Nga không hề dễ dàng. Các nhà máy của Nga có lò cao vào loại lớn nhất thế giới, công nghệ sản xuất hiện đại, mỗi tấn phôi thép sản xuất tại Nga chỉ mất 150 kW giờ điện trong khi Việt Nam mất khoảng 450 kW giờ. Chủ tịch VSA Hồ Nghĩa Dũng kiến nghị các bộ, ngành hữu quan xem xét, điều tra chống bán phá giá một số mặt hàng thép; có biện pháp hậu kiểm hữu hiệu, thực hiện nghiêm Thông tư 44, nhất là đối với thép hợp kim chứa Bo từ Trung Quốc, nhằm ngăn chặn hiện tượng gian lận thương mại, làm thiệt hại đến các nhà sản xuất thép trong nước và thất thu thuế nhà nước. Việc kiểm tra chất lượng thép được thực hiện theo hình thức kiểm tra tại nguồn (nước xuất khẩu) hoặc đánh giá sự phù hợp theo lô hàng hóa. Ðồng thời, ban hành các chính sách bảo hộ cho DN trong thời gian đầu ký kết Hiệp định Thương mại giữa nước ta với Liên minh Thuế quan Nga - Bê-la-rút - Ca-dắc-xtan; đưa mặt hàng sắt, thép vào danh mục hàng hóa cần được bảo hộ có lộ trình để các DN thép trong nước có thời gian khắc phục những hạn chế về công nghệ, cũng như cải tiến kỹ thuật.
Nhiều chuyên gia kinh tế phân tích, mối đe dọa không chỉ đến từ thị trường nước ngoài mà còn ở trong nước. Một số dự án "khủng" sản xuất thép của nước ngoài đầu tư chuẩn bị đi vào sản xuất, hoàn toàn có thể lấn át tất cả các DN thép trong nước, còn đáng lo hơn việc cạnh tranh với thép của Nga. Lợi thế về chi phí lao động giá rẻ của ngành thép hiện nay sẽ không có tác dụng, nếu không kịp thời đổi mới công nghệ, nâng cao sức cạnh tranh, nguy cơ đổ vỡ đối với ngành thép sẽ không phải là điều không thể xảy ra. Theo như nhận định của một số chuyên gia, sự chèn ép của thép ngoại lúc này, ở khía cạnh nào đó, là một cảnh tỉnh có giá trị đối với ngành thép. Các DN thép đã được "nuông chiều" quá lâu, trở nên "còi cọc" và yếu đuối trước sóng gió thị trường. Cách đây chừng 20 năm, các DN đầu tư sản xuất thép chỉ đơn thuần ở công đoạn đơn giản nhất là cán thép. Các biện pháp bảo hộ sản xuất trong nước, đã phản tác dụng, không làm cho ngành thép bắt kịp xu thế hội nhập như kỳ vọng mà còn khuyến khích thêm nhiều DN nhập về các dây chuyền lạc hậu. Một thời gian dài, các DN gần như không quan tâm công nghệ luyện gang từ quặng thô vì đây là công nghệ đòi hỏi đầu tư lớn, mà chỉ muốn "ăn xổi ở thì". Chuỗi sản xuất thép chỉ bắt đầu phần "ngọn", luôn bị động về giá, theo giá phôi thép thế giới. Thời điểm này, không còn cơ hội để các DN tiếp tục sử dụng "lá bùa" bảo hộ mãi như trước đây, những cam kết hội nhập là uy tín của cả quốc gia và nền kinh tế. Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, nhưng đó phải là những sản phẩm đạt chất lượng, giá cả hợp lý, chứ không bao giờ chấp nhận mua thép Việt với chất lượng thấp do công nghệ lạc hậu, nhưng lại bán với giá cao ngất ngưởng.
Nguồn tin: Nhân dân