Theo diễn biến mới nhất của thị trường thép Việt Nam những tháng đầu năm 2017, sản lượng bán hàng và xuất nhập khẩu có sự thay đổi đáng kể.
Số liệu thống kê từ hiệp hội Thép (VSA), sản lượng bán hàng đầu năm 2017 của ngành thép Việt Nam đạt 9.493.042 tấn, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, thép xây dựng đạt 5.139.029 tấn, tăng 14,5% , ống thép đạt 207.649 tấn, tăng 25,3%, tôn mạ đạt 338.745 tấn, tăng 62% so với cùng kỳ năm 2016.
Bên cạnh đó, thị trường xuất nhập khẩu cũng có ít nhiều biến động. Mặt hàng thép thành phẩm xuất khẩu đạt 2,505 triệu tấn, tăng 26% về số lượng.
Theo thống kê từ Tổng cục hải quan, trong tháng 7, sản lượng nhập khẩu đạt 1.096.249 tấn, tổng giá trị đạt 633.178.713 USD.
Lũy kế 7 tháng đầu năm, tổng sản lượng nhập khẩu đạt 8.997.445 tấn( giảm 18,3% so với cùng kỳ), tổng kim ngạch nhập khẩu đạt 5.241.327.448 USD( tăng 16,8% so với cùng kỳ) do giá thép tại Trung Quốc tăng mạnh trong thời gian gần đây.
Theo tính toán, giá thép trung bình nhập khẩu trong 7 tháng đang ở mức 582,5USD/tấn, tăng 43,9% so với cùng kỳ.
Nhìn chung, giá thành sản phẩm có dấu hiệu tăng trở lại sau khi giảm nhẹ trong quý II. Nguyên nhân chính đến từ việc Trung Quốc tái cấu trúc, giảm sản lượng sản xuất thông qua viêc mạnh tay đóng cửa các nhà máy thép vừa và nhỏ hồi đầu tháng 6.
Cụ thể, phía Trung Quốc sẽ cắt giảm khoảng 100 - 150 triệu tấn thép và 500 triệu tấn than trong năm 2016 - 2020, Theo kế hoạch của Ủy ban kế hoạch và phát triển Quốc gia Trung Quốc.
Lý giải cho điều này, các chuyên gia phân tích cho rằng, việc cắt giảm sản lượng sẽ được bù đắp bởi việc nâng công suất huy động các nhà máy lớn. Mô hình chung Trung Quốc đang tập trung thị phần vào các nhà sản xuất hàng đầu và làm giảm sức ép cạnh tranh về giá cả.
Bên cạnh đó, việc làm này lại có tác động tích cực tới thị trường trong nước, do áp lực dư cung tại nội địa Trung Quốc sẽ giảm thì các doanh nghiệp thép tại Việt Nam sẽ giảm được phần nhiều áp lực cạnh tranh từ thép Trung Quốc tràn sang. Điều này được thể hiện rất rõ qua việc sản lượng thép nhập khẩu giảm và giá bán tăng.
Thuế tự vệ bổ sung giảm 1,5% đối với mặt hàng thép thanh và giảm 2% đối với phôi thép trong năm theo đúng lộ trình của QĐ 2968/BCT, lần lượt về mức 13,9% và 21,3%.
Áp thuế chống bán phá giá mặt hàng thép mạ theo QĐ 1105 tháng 4/2017. Mặt hàng thép mạ trong diện bị áp thuế có xuất xứ từ Trung Quốc lên tới 38%, Hồng Kông, Hàn Quốc là 19%.
Áp dụng biện pháp hạn nghạch thuế quan đối với mặt hàng tôn màu theo QĐ.1931 trong tháng 5/2017. Cụ thể, Bộ Công thương quyết định đưa ra mức hạn ngạch nhập khẩu không chịu thuế đối với sản phẩm tôn mạ màu. Sản lượng vượt quá hạn ngạch sẽ chịu mức thuế tự vệ 19% tới năm 2020 nếu không có quyết định gia hạn.
Nguồn tin: VTC News