Phát triển không theo qui hoạch đã làm cho ngành sản xuất thép nội địa gặp hết khó khăn này tới khó khăn khác. Bằng giờ này năm ngoái, không ít cơ quan hữu trách “đứng ngồi” không yên trước thông tin nhiều doanh nghiệp sản xuất thép phải ngừng hoạt động do số thép tồn kho đã lên tới gần 3 triệu tấn. Nay, chuyện hàng tồn kho, thép ế đã qua thì các doanh nghiệp ngành này lại than về chuyện thiếu ngoại tệ phục vụ nhập khẩu thép phế liệu và cũng có khả năng họ phải dừng sản xuất. Trong đơn kêu cứu khẩn cấp gửi lên Thủ tướng Chính phủ mới đây, các doanh nghiệp sản xuất phôi từ thép phế liệu đã cho hay, theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), việc nhập khẩu thép phế liệu không thuộc danh mục các mặt hàng được ưu tiên cân đối ngoại tệ. Vì vậy, các ngân hàng thương mại (NHTM) đang quay lưng lại với những yêu cầu loại này của các doanh nghiệp đó. Trong khi đó, các doanh nghiệp thương mại nhập khẩu phôi về cán thép lại không bị chi phối bởi chỉ đạo này. Bởi vậy, theo các doanh nghiệp thép, việc các lò luyện thép đắp chiếu là điều khó tránh khỏi nếu vấn đề ngoại tệ cho nhập khẩu thép phế không được tháo gỡ kịp thời. Cũng cần phải nói thêm rằng, có tới gần 80% thép phế cung cấp cho các lò luyện thép hiện nay được nhập khẩu. Từ tháng 4 trở lại đây, hầu hết các nhà máy thép đều đã hoạt động trở lại, một số còn tăng công suất để đáp ứng nhu cầu
Ông Nguyễn Văn Thắng - chuyên viên Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công Thương) cho hay, trong đề xuất của Vụ và Bộ Công Thương khi góp ý với NHNN về đảm bảo ngoại tệ cho các mặt hàng nói chung thì nhập thép phế là lĩnh vực được đảm bảo cung cấp ngoại tệ, còn nhập khẩu phôi thép thì không. Nhưng không hiểu sao các ngân hàng lại nhận được yêu cầu như vậy và doanh nghiệp sản xuất phôi lại khó mua ngoại tệ.
Rõ ràng rằng, việc kêu cứu này của các doanh nghiệp luyện phôi cần sớm được giải quyết, bởi dẫu sao thay vì nhập khẩu phôi thép để cán như vẫn diễn ra hơn 10 năm qua, các doanh nghiệp đã có những đầu tư thêm vào khâu thượng nguồn của quy trình sản xuất thép, tức là làm ra nhiều giá trị gia tăng hơn tại Việt Nam. Tuy nhiên, cũng cần phải thấy rằng, sự lo ngại về thiếu thép phế nhập khẩu tại thời điểm này của các doanh nghiệp còn là ở chỗ hiện mặt hàng thép đang bán chạy nên các nhà sản xuất không muốn bỏ lỡ cơ hội.
60 dự án thép nằm ngoài quy hoạch nếu được các địa phương thống kê đầy đủ |
Tuy nhiên, từ việc phải phụ thuộc vào nguồn phôi và thép phế liệu nhập khẩu cho tới việc năng lực của các lò nấu thép của các doanh nghiệp trong nước thấp (cỡ 200.000 - 500.000 tấn/năm) cho thấy, khả năng cạnh tranh về lâu dài với thép ngoại là điều đáng phải bàn. Các chuyên gia của Bộ Công Thương cho rằng, doanh nghiệp cần phải xem xét việc tăng giá thép liên tục trong thời gian gần đây bởi thép ngoại vẫn luôn rình rập và có sức hút lớn đối với không ít khách hàng. Nếu như hiện tại, các doanh nghiệp Việt Nam đang chiếm ưu thế về thép cây thì đối với thép cuộn 6 - 8mm, ưu thế lại thuộc về thép ngoại do giá bán rẻ hơn. Đó là chưa kể tới việc sang năm công suất sản xuất thép xây dựng sẽ lên tới 7 triệu tấn/năm trong khi nhu cầu thực tế mới chỉ khoảng 4 triệu tấn/năm và xuất khẩu thép xây dựng lại chưa có nhiều triển vọng.
Trong lúc năng lực sản xuất đang trên đà dư thừa lớn thì thép vẫn là lĩnh vực thu hút được mối quan tâm của các nhà đầu tư. Hàng loạt các dự án lớn với quy mô hàng tỷ đô la đã được cấp phép với kỳ vọng biến Việt Nam thành một trung tâm luyện kim mới của khu vực trong 5 - 10 năm nữa, dù không ít nhà đầu tư không hề có tên tuổi gì trong ngành thép thế giới như Formosa (dự án tại Hà Tĩnh), Lion (dự án tại Ninh Thuận)… Không chịu kém cạnh, nhiều nhà đầu tư trong nước cũng tìm cách để điền tên mình vào các dự án thép mà không quan tâm nhiều tới việc thị trường trong nước và thế giới hiện như thế nào.
Trong một báo cáo gửi Chính phủ hồi đầu năm, Bộ Công Thương đã chỉ ra được tới 32 dự án đã được các địa phương cấp giấy chứng nhận đầu tư nằm ngoài Quy hoạch phát triển ngành thép giai đoạn 2006 - 2015, có tính tới 2025 mà Chính phủ đã ban hành. Hiện con số này vẫn tiếp tục tăng lên. Trong báo cáo về tình hình cấp phép và triển khai các dự án thép trên địa bàn mà các địa phương gửi về Bộ Công Thương, tỉnh Đắc Nông dù không có lợi thế về quặng thép và không có cảng, nhưng vẫn đăng ký một dự án thép với quy mô 500.000 tấn/năm để phục vụ phát triển các dự án công nghiệp đang xây dựng ở địa phương. CTCP Tôn Hoa Sen cũng đề nghị Bộ Công Thương bổ sung dự án thép 2 triệu tấn/năm của mình tại Bà Rịa-Vũng Tàu vào qui hoạch, mặc dù hiện đã có rất nhiều dự án thép được cấp phép và triển khai tại đây. Như vậy, trong khi chưa thể chấn chỉnh tình trạng nở rộ các dự án thép thông thường tại các địa phương nhằm tránh tình trạng cung dư thừa lớn thì các cơ quan hữu trách ở Trung ương lại phải đối mặt với việc địa phương vẫn tiếp tục cấp phép mới cho các dự án thép thông thường bởi thấy “cần thiết”. Với đà này, số dự án thép ngoài quy hoạch nếu được các địa phương thống kê đầy đủ chắc chắn sẽ không dưới 60 dự án. Đó là chưa kể, rất nhiều dự án trong số này chỉ đơn thuần cán thép từ phôi.
Như vậy, cái vòng luẩn quẩn: thi nhau đầu tư nhiều dự án dẫn tới dư thừa thép; tranh nhau mua nguyên liệu dẫn tới việc ngân hàng không đủ sức cung cấp tín dụng và ngoại tệ cho tất cả các doanh nghiệp dẫn tới việc thi nhau kêu cứu để không bị phá sản sẽ còn là câu chuyện dài của ngành thép nếu các cấp chính quyền địa phương và Trung ương cứ thả cho doanh nghiệp tự quyết định đầu tư mà bỏ quên trách nhiệm định hướng để tránh lãng phí nguồn lực của xã hội. Câu chuyện dễ thì thi nhau lao vào làm, ngăn thế nào cũng không được, khi khó thì kêu cứu của ngành thép sẽ vẫn chưa thể có hồi kết, nhất là khi mức độ cạnh tranh ngày càng khốc liệt.