Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Thị trường thép nội đua theo tỷ giá

Nếu như tháng trước, TCty Thép VN đã phải ba lần giảm giá bán nhưng thị trường vẫn ế ẩm thì nay, nhu cầu thép đã tăng đáng kể do đang vào mùa xây dựng cuối năm. Giá thép theo đó cũng được điều chỉnh theo hướng tăng. Theo nhận định của các chuyên gia, từ nay đến cuối năm mức tiêu thụ thép vẫn ổn định ở mức cao nên giá thép còn tiếp tục tăng nhẹ.     

Hiệp hội Thép VN cho biết, nếu tháng 10 vừa qua tiêu thụ thép đạt hơn 180 nghìn tấn thì tháng 11 có thể đạt trên 300 nghìn tấn, gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện nay giá thép trong nước đã tăng khoảng 200 - 300 nghìn đ/tấn so với tháng 10. Đại diện Cty CP Thép Vân Thái - Vinashin cho biết, 6 tháng trước tình trạng thép tồn đọng thường xuyên xảy ra nhưng hiện nay do nhu cầu của thị trường tăng cao nên Cty sản xuất ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó. Tháng 11 giá bán thép Vân Thái - Vinashin cũng được điều chỉnh tăng 3% so với tháng 10.

Lý giải về việc thép tăng giá, ông Nguyễn Chí Cường - Chủ tịch Hiệp hội Thép VN (VSA) nhận định: Hiện giá thép nội địa của Trung Quốc bắt đầu tăng nhẹ. Trước đây 2 tháng giá thép Trung Quốc giảm vì thừa cung, nhưng cho đến giữa tháng 10 đã chững lại và cầu bắt đầu xuất hiện nên giá thép có phần nhích lên. Nếu tháng 10, giá phôi chào khoảng 500 USD/tấn thì nay đã lên 510 USD/tấn, thép phế liệu từ 300 USD/tấn đã tăng lên 312 USD/tấn. Ở trong nước, do thời điểm tháng 7 - 8 - 9 giá thép Trung Quốc giảm, các nhà tiêu thụ trong nước có ý chờ giá thép giảm thêm mới mua vào càng khiến thị trường thép ảm đạm. Nay giá thép đã chững và đang có xu hướng tăng ở nước ngoài nên các DN trong nước cũng bắt đầu tăng giá theo nhu cầu và lượng hàng dự trữ. Nguyên nhân thứ hai là do chênh lệch tỷ giá USD trước khi Ngân hàng nhà nước công bố tỷ giá mới. Mặc dù thép là ngành được Nhà nước ưu tiên ngoại tệ để nhập khẩu, nhưng thường không đủ nên các DN nhập khẩu vẫn phải mua thêm USD bên ngoài. Chi phí phát sinh này khiến giá đầu vào tăng, nên đầu ra cũng tăng. Tiếp đó là nhu cầu thép trong nước thường tăng về cuối năm do tranh thủ mùa khô, các chủ đầu tư đẩy nhanh hoàn thành để quyết toán công trình. Thêm vào đó, đợt tăng giá xăng dầu vừa rồi cũng khiến chi phí sản xuất một tấn thép cán tăng 25 nghìn đồng, cũng góp phần đẩy giá thép tăng.

Theo ông Đỗ Duy Thái - TGĐ Cty CP Thép Việt, việc chênh lệch về tỷ giá này đang ảnh hưởng rất lớn đến ngành thép và hoạt động kinh doanh thép trong nước. Trong đó, có trên 70% nguyên liệu dành cho sản xuất thép xây dựng được nhập trực tiếp từ nước ngoài và 100% nguyên liệu thép dẹp (thép lá), chiếm 50% thị trường của ngành thép VN đều được nhập. Chính chênh lệch về tỷ giá khiến cho các DN trong  nước mất cân bằng trong việc tiêu thụ thép trên thị trường với giá nguyên liệu đầu vào. 

Thực tế, giá thép đang dao động từ 11 - 11,5 triệu đ/tấn, cao hơn thép ngoại từ 300 - 500 nghìn đ/tấn. Nhận định về xu hướng giá thép trong thời gian tới, các chuyên gia cho rằng, giá thép từ nay đến cuối năm có thể chỉ tăng nhẹ chứ không tăng đột biến như năm 2008 vì kinh tế toàn cầu chưa phục hồi hoàn toàn, nguồn cung thép trên thế giới vẫn thừa so với nhu cầu. Thứ hai là nguồn thép dự trữ trong nước đủ cho nhu cầu. Hơn nữa, năng lực sản xuất thép cán nguội trong nước đã khá lớn, đạt khoảng 2 triệu tấn/năm, trong khi nhu cầu với loại thép này chỉ là 1 triệu tấn. Hiện mức giá chênh lệch giữa thép nội và thép ngoại người tiêu dùng vẫn chấp nhận được, nhưng nếu giá thép trong nước tăng quá cao, sẽ tạo cơ hội cho thép ngoại tràn vào.

Trước đây 2 tháng giá thép Trung Quốc giảm vì thừa cung, nhưng cho đến giữa tháng 10 đã chững lại và nhu cầu bắt đầu xuất hiện nên giá thép có phần nhích lên. Bên cạnh đó, chênh lệch tỷ giá USD trước khi Ngân hàng nhà nước công bố tỷ giá mới khiến giá thép tăng.
Ông Nguyễn Chí Cường - Chủ tịch Hiệp hội VSA

 (DĐ DN)

ĐỌC THÊM