Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Thị trường thép quý II: Vẫn chưa thể thoát khỏi sự trầm lắng

Mặc dù thị trường bất động sản ghi nhận tâm lý tích cực với nhiều động thái từ Chính phủ nhưng nhiều chuyên gia dự báo thị trường bất động sản sẽ vẫn chưa thực sự thoát khỏi trầm lắng trong quý II này. Do vậy nhiều khả năng nhu cầu thép xây dựng sẽ vẫn chưa thể khởi sắc.

Hoạt động tiêu thụ thép giảm mạnh trong quý I

Trong quý I, các nhà sản xuất thép toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng vẫn phải đối mặt với thách thức lớn trong bối cảnh chi phí giá nguyên liệu và năng lượng sản xuất thép gia tăng mạnh, trong khi các nhà máy gắng tăng giá để cải thiện biên lợi nhuận.

Đồng thời nhu cầu thép sụt giảm trong bối cảnh lo ngại về lạm phát và tăng trưởng kinh tế chậm lại. Theo Ngân hàng Thế giới, tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023 ước tính đạt 1,7%, mức tăng trưởng yếu thứ ba trong gần 3 thập kỷ. 

Dữ liệu Hiệp hội Thép Thế giới cho thấy các yếu tố tiêu cực đã khiến sản lượng thép thô toàn cầu giảm 4,3% xuống 1,83 tỷ tấn trong năm 2022. Hầu hết hoạt động sản xuất bị đình trệ và khó có thể quay trở lại trong năm 2023 vì vậy cán cân cung - cầu hiện sẽ không thay đổi nhiều và có thể tiếp tục kéo dài nửa cuối năm nay. Các nhà máy thép có xu hướng cắt giảm sản lượng để đối với nhu cầu yếu, tỷ suất sinh lời thấp.

Nhìn sang thị trường Việt Nam, hoạt động sản xuất, bán hàng của các nhà máy trong quý I giảm sâu. 

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), sản lượng thép thành phẩm đạt 6,7 triệu tấn, giảm 21% so với cùng kỳ năm ngoái. Bán hàng đạt khoảng 6 triệu tấn, giảm 25,4%; trong đó xuất khẩu giảm 9% xuống 1,6 triệu tấn.

Số liệu: VSA (H.Mĩ tổng hợp)

 

  Số liệu: VSA (H.Mĩ tổng hợp)

Sản lượng phôi trong quý I cũng giảm sâu 24% xuống 4,4 triệu tấn và bán hàng giảm 16% xuống 4,7 triệu tấn. 

Trước những khó khăn chung của thị trường khi giá nguyên liệu sản xuất tăng cao dẫn tới chi phí sản xuất tăng, giá phôi thép trong quý I phục hồi nhẹ và nhu cầu mua phối của các nhà máy cũng cải thiện hơn. Tuy nhiên, bước sang tháng 4, giá phôi quay đầu giảm. Tính đến ngày 13/4, giá phôi thép thế giới giảm 60 - 70 USD/tấn so với cùng thời điểm tháng 3.

Theo số liệu từ Tổng Công ty Thép Việt Nam - CTCP (VNSteel), giá phôi nội địa giảm mạnh 600.000 - 1 triệu đồng/tấn xuống 13,7 - 14,2 triệu đồng/tấn vào cuối tháng 3. Tính đến tuần 2 của tháng 4, giá phôi giảm xuống còn 12,5 - 12,7 triệu đồng/tấn, tuy nhiên chưa ghi nhận được giao dịch nào thành công ở mức giá này. 

 Số liệu:VNSteel

Tốc độ giảm giá phôi thép nội địa nhanh hơn so với thế giới. Giá phôi thép nội địa tính đến ngày 12/4 giảm 8,3% so với cuối tháng 3 trong khi giá khu vực Đông Nam Á giảm 6,6%, phôi nội địa Trung Quốc giảm 4,8%.

Thị trường thép xây dựng nội địa không khởi sắc càng gia tăng thêm áp lực lên mặt hàng phôi thép. 

Theo đó, sản lượng thép xây dựng trong quý I giảm 23% so với cùng kỳ năm ngoái xuống 2,7 triệu tấn và bán hàng giảm 28,5% xuống 2,6 triệu tấn.

Giá nguyên liệu tăng khiến các nhà máy tăng giá bán nhiều lần để giảm lỗ. Tuy nhiên, trong tháng 4, nhiều nhà máy đã phải giảm giá thép xây dựng 2 lần với tổng mức giảm 500.000 - 600.000 đồng/tấn trong bối cảnh nhu cầu yếu.

  Số liệu: Steel Online (H.Mĩ tổng hợp)

Thị trường bất động sản trì trệ cùng với chính sách thắt chặt tín dụng khiến nhu cầu sử dụng thép xây dựng thấp hơn so với kỳ vọng khi bước vào mùa cao điểm sau Tết. Theo các nhà thương mại, tốc độ ra hàng trong tháng 3 năm nay tại nhiều khu vực thị trường chỉ bằng một nửa so với tháng 3/2022. 

Ngoài ra, các kỳ vọng về tác động tích cực từ thị trường thép Trung Quốc tới thị trường thép thế giới đã không diễn ra như mong đợi. Giá phôi thép và nguyên liệu đầu vào giảm là lý do để các doanh nghiệp giảm giá bán thép xây dựng cho phù hợp với chi phí.

Ngoài ra, trong báo cáo mới đây, VSA cho biết bên cạnh việc giảm giá, nhiều nhà máy thông báo bảo lãnh giá nên trong trường hợp nguyên liệu chính cho sản xuất như thép phế, phôi thép tiếp tục đi xuống, giá thép xây dựng có thể giảm hơn nữa. 

Theo số liệu từ trang Investing, giá nguyên liệu sản xuất thép trong tháng 4 đang có xu hướng giảm. Điển hình như giá than luyện cốc tại Trung Quốc tính đến giữa tháng 4 đã giảm 50% so với mức đỉnh thiết lập hồi quý I/2022 và giảm 36% so với hồi đầu năm xuống 1.705 USD/tấn. 

 Số liệu: Investing.com (H.Mĩ tổng hợp)

Giá quặng sắt chất lượng cao 62%Fe thời gian gần đây cũng bắt đầu giảm sau khi tăng mạnh trong quý I. Tính đến ngày 18/4, giá mặt hàng nguyên liệu này giao dịch ở mức 120 USD/tấn, giảm 8% so với cuối tháng 3.

  Số liệu: Investing.com (H.Mĩ tổng hợp)

"Thời điểm xấu nhất của thị trường thép đã qua"

Đó là nhận định của ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Hoà Phát và ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Hoa Sen ở kỳ ĐHĐCĐ vừa qua. 

Tại đại hội cổ đông thường niên 2023 tổ chức ngày 30/3, Hòa Phát đã đề ra mục tiêu doanh thu 150.000 tỷ đồng và lãi sau thuế 8.000 tỷ đồng trong năm nay. 

Ông Trần Đình Long cho biết mặc dù đã dự báo ngành thép sẽ “thê thảm” nửa sau của năm 2022 nhưng mọi thứ lại diễn ra tệ hơn ông nghĩ. Mặc dù vậy, ông Long cho rằng những khó khăn nhất của ngành thép cũng đã qua, nội lực của Hoà Phát nói riêng và ngành thép nói chung vẫn ổn nhưng phải phụ thuộc vào nhu cầu trong nước và thế giới. 

Sau khi thua lỗ tổng cộng 3.875 tỷ đồng trong nửa cuối năm 2022, ông Long cho biết Hòa Phát tiếp tục lỗ trong tháng 1 và 2/2023 nhưng tình hình tháng 3 có phần khả quan hơn. 

Trong quý đầu tiên của năm 2023, lượng bán hàng thép xây dựng, phôi thép vàthép cuộn cán nóng (HRC) đạt 1,37 triệu tấn, giảm 37% so với 3 tháng đầu năm ngoái. 

Tuy nhiên, xét riêng trong tháng 3, số liệu bán liệu cho thấy bán hàng của Hoà Phát đã bắt đầu có sự cải thiện.

Theo đó, bán hàng các sản phẩm phôi thép, thép xây dựng, HRC đạt 500.000 tấn, giảm 40% so với cùng kỳ 2022 nhưng tăng 5% so với tháng 2 vừa qua. Đây là tháng thứ hai liên tiếp tổng tiêu thụ thép của Hòa Phát tăng so với tháng liền trước. Dự kiến trong tháng 4, lượng xuất khẩu HRC sẽ tăng mạnh tới các quốc gia thuộc khu vực châu Âu và châu Á.

Với Hoa Sen, ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch của tập đoàn cho biết công ty đã hết tồn kho giá cao và chỉ còn tồn kho thấp. 

“Thời điểm khó khăn nhất của ngành thép rơi vào cuối năm ngoái và cũng đã qua đi. Thời điểm đó giá thép cuộn cán nóng rơi từ hơn 900 USD/tấn xuống khoảng 500 USD/tấn. Hoa Sen cũng đã xử lý xong hàng tồn kho giá cao. Hàng tồn kho trung bình của công ty khoảng 630 USD/tấn và đủ bán đến tháng 5. Giá bán hiện khoảng 700 USD/tấn. Do đó, 3 tháng tới công ty có lời tốt để bù lỗ trong 4 tháng đầu niên độ tài chính 2022-2023”, ông Vũ cho biết. 

Chờ ngày mưa tan

Mặc dù những gì xấu nhất cũng đã xảy ra với ngành thép nhưng không có nghĩa là mọi thách thức đã qua đi và ngành bước vào chu kỳ tăng mới. Theo ông Vũ, thị trường còn nhiều rủi ro kinh tế vĩ mô, xung đột địa - chính trị còn nhiều bất ổn.

Bên cạnh đó, việc cạnh tranh gay gắt tại thị trường nội địa, các chính sách thắt chặt tiền tệ, giá thép cán nóng còn nhiều biến động phức tạp có thể sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới nhu cầu và hoạt động sản xuất kinh doanh của các đơn vị trong ngành.

Do đó, năm nay, Hoa Sen đặt ra hai kịch bản kinh doanh. Kịch bản đầu tiên doanh nghiệp lên kế hoạch doanh thu 34.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 100 tỷ đồng, lần lượt thấp hơn 32% và 60% so với kết quả của niên độ trước. Trong khi đó, ở kịch bản thứ hai, doanh nghiệp đặt mục tiêu doanh thu 36.000 tỷ đồng, giảm 28% so với cùng kỳ nhưng lợi nhuận sau thuế 300 tỷ đồng, cao hơn 20%.

Theo Tổng Công ty Thép Việt - CTCP (VNSteel), nhiều khả năng nhu cầu thép xây dựng sẽ vẫn chưa thể khởi sắc trong quý II.

“Mặc dù thị trường bất động sản ghi nhận tâm lý tích cực với nhiều động thái từ Chính phủ và các bộ, ngành và sang quý II sẽ có thêm nhiều văn bản pháp luật được thực thi nhưng nhiều chuyên gia dự báo thị trường bất động sản sẽ vẫn chưa thực sự thoát khỏi trầm lắng trong quý II này.Do vậy nhiều khả năng nhu cầu thép xây dựng sẽ vẫn chưa thể khởi sắc trong quý II”, VNSteel nhận định. 

Từ đầu năm 2023 đến nay, Chính phủ đã có hàng loạt chỉ đạo, chỉ thị, công điện, nghị định... nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững; vực dậy niềm tin cho nhà đầu tư. 

Điển hình như Nghị định số 08/2023/NĐ-CP được ban hành đã bổ sung quy định cho phép doanh nghiệp có thể đàm phán với người sở hữu trái phiếu để thanh toán gốc, lãi trái phiếu đến hạn bằng tài sản. Cùng với Nghị quyết 33/2023/NQ-CP tiền đề cho nhiều chính sách hỗ trợ khác, giảm áp lực đáo hạn trái phiếu lên chủ đầu tư trong ngắn hạn...

Ngày 11/4, Phó Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Xây dựng phối hợp với Bộ Tài nguyên Môi trường lập Tổ công tác làm việc với UBND tỉnh Đồng Nai, UBND tỉnh Bình Thuận để giải quyết các vướng mắc khó khăn cho các dự án của Novanland tại Đồng Nai và Bình Thuận.

Theo ông Long, hiện tại lực hỗ trợ thị trường thép vẫn còn khá yếu bởi thị trường bất động sản trầm lắng: “Cầu thị trường hiện tại thấp quá. Không chỉ ngành thép mà ngành khác trong ngành xây dựng cũng vậy. Tôi có nói chuyện với một anh bạn làm trong ngành gạch và anh ấy chia sẻ quý I doanh số không bằng 1/3 so với cùng kỳ năm ngoái”.

Hiệp hội Các nhà Sản xuất và Xuất khẩu Thép cây Quốc tế (IREPAS) nhận định không mấy khả quan cho thị trường thép tháng 5 và tháng 6 mặc dù có một số yếu tố tích cực trên thị trường như giá năng lượng và chi phí vận chuyển đang giảm. Nút thắt của thị trường thép toàn cầu vẫn là nhu cầu thép thành phẩm không chắc chắn ở nhiều nơi trên thế giới. 

Trong báo cáo mới đây, Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS) dự báo tiêu thụ thép trong năm 2023 vẫn chưa khả quan. Theo đó, ngành bất động sản nội địa khó khăn là rào cản lớn cho tăng trưởng ngành thép 2023. Đây là lĩnh vực chiếm tới 60% lượng tiêu thụ thép trong nước nhưng hiện đang gặp khó khăn do khó tiếp cận nguồn vốn mới, rủi ro pháp lý vẫn hiện hữu. 

“Hiện nay, số dự án đang triển khai tại miền Nam thấp hơn cả thời kỳ COVID-19. Số dự án cấp phép mới trong 2022 cũng thấp kỷ lục, cho thấy nhu cầu xây dựng 2023 ở mức rất yếu”, VCBS nhận định.

Ngoài ra, xuất khẩu dự kiến tiếp tục thấp trong bối cảnh kinh tế các khu vực Mỹ, EU và Trung Quốc đều ghi nhận suy yếu, đặc biệt là EU chưa cho thấy tín hiệu kiểm soát được lạm phát.

Mặc dù vậy, đầu tư công tiếp tục là lĩnh vực được kỳ vọng sẽ tạo lực đỡ cho nhu cầu thép trong bối cảnh hiện nay. Năm 2022, giải ngân đầu tư công chậm tiến độ khá nhiều do giá vật liệu biến động mạnh và thủ tục giải ngân tốn thời gian. Do đó, VCBS kỳ vọng năm 2023 đầu tư công sẽ bứt phá bởi giải ngân cho các dự án tồn đọng từ 2022 chuyển sang, và gói kích thích kinh tế bổ sung của chính phủ.

 Nguồn: VCBS

Tuy nhiên, tỷ trọng của thép trong đầu tư công là không nhiều, bởi vậy đóng góp chưa thực sự đáng kể. VCBS ước tính tổng sản lượng tiêu thụ thép xây dựng trong năm 2023 sẽ giảm khoảng 4% trước khi hồi phục mạnh 7% vào năm 2024. Động lực thúc đẩy tăng trưởng phần lớn tới từ sự hồi phục của thị trường xây dựng dân dụng.

Nguồn tin: Vietnambiz

ĐỌC THÊM