Bất động sản đóng băng, hoạt động xây dựng đình trệ... đã khiến hàng loạt doanh nghiệp (DN), đại lý kinh doanh thép xây dựng lâm vào khủng hoảng. Trái với dự báo, sức tiêu thụ trong tháng 5 giảm mạnh khiến giá thép giảm từ 100.000 - 150.000 đồng/tấn.
Nguồn tin: KT&ĐT
Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) Phạm Chí Cường cho biết, để bán được sản phẩm, duy trì hoạt động sản xuất, nhiều DN thép đã phải áp dụng những biện pháp kích cầu như khuyến mại, hỗ trợ phí vận tải, ưu tiên cho khách hàng trả chậm..., nhưng không công bố rầm rộ.
Theo Bộ Tài chính, giá chào phôi thép thế giới trong tháng 5 giảm khoảng 40 USD/tấn so với tháng trước, trong đó, giá tại Đông Nam Á ở mức 620 - 625 USD/tấn. Nhu cầu tiêu thụ thép trong nước ở mức thấp nên để kích cầu, nhiều đơn vị phải giảm giá mạnh. Hiện giá bán thép xây dựng tại các tỉnh phía Bắc - miền Trung khoảng 17.400 và 18.700 đồng/kg, miền Nam quanh mức 17.400 -18.800 đồng/kg.
Thép tồn kho, khách hàng giảm... là chuyện đang diễn ra ở nhiều đại lý, cửa hàng bán thép xây dựng trên địa bàn Hà Nội. Kinh doanh ế ẩm, nhiều công ty chấp nhận bán giá gốc, khuyến mại công vận chuyển, song việc tiêu thụ dường như vẫn... giậm chân tại chỗ. "Nếu thời điểm này năm ngoái có 10 công trình xây dựng lớn nhỏ, thì đến nay chỉ còn 3... Trước đây, mỗi tháng công ty bán được hàng trăm tấn, còn nay chỉ trên dưới 20 tấn, dẫn đến phải nợ lương công nhân... Giá thép trong nước giảm mạnh sau khi nghe tin Trung Quốc giảm giá. Chúng tôi thật sự lo lắng cho hàng tồn kho, lỗ ngày càng lớn. Trong khi đó, kinh tế 1 - 2 tháng tới chắc chưa hết ảm đạm do hậu quả của bất động sản tới kỳ thanh toán nợ, giá thép sẽ còn đi xuống" - anh Hưng, chủ một đại lý thép trên đường La Thành (Hà Nội) chia sẻ.
Theo thống kê của VSA, sức tiêu thụ thép trong tháng qua chỉ còn khoảng 360.000 tấn, giảm 60.000 tấn so với tháng 4. Ông Cường nhận định, nguyên nhân chính là do nhiều DN xây dựng chưa thoát khỏi tình trạng thiếu vốn, xây dựng cơ bản giảm sút. Điều này thể hiện rõ qua chỉ số CPI: Nhóm hàng nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng Hà Nội giảm 1,03%, còn tại TP. HCM chỉ tăng 1%.
Thị trường có ấm lại?
VSA dự báo, giá thép trong tháng 6 khó có khả năng tăng. Sức tiêu thụ có thể khả quan hơn do lãi suất huy động tiếp tục giảm, các giải pháp hỗ trợ DN bắt đầu "ngấm". Thêm vào đó, thông điệp nới tín dụng bất động sản có thể tác động vào tâm lý nhà đầu tư và xét về dài hạn, thị trường bất động sản có thể ấm dần.
Tuy nhiên, bao giờ thị trường thép đạt mức tiêu thụ như trước vẫn là một câu hỏi khó có lời giải. Những người lạc quan nhất trong ngành cũng chỉ đưa ra các dự đoán mơ hồ vào quý III hoặc IV/2012 mà không có một kiến giải phù hợp. Khả năng hồi phục của thị trường rõ ràng vẫn là "khe cửa hẹp". Đồng quan điểm này, lãnh đạo Tập đoàn Hòa Phát nhận định: Chính sách cắt giảm đầu tư công có thể tiếp tục vài năm nữa, và thị trường bất động sản vẫn đang có diễn biến xấu do trước đó đã tăng trưởng quá cao. Tối thiểu 2 năm, thậm chí 5 năm nữa, thị trường thép mới có thể phục hồi.
Giới chuyên gia cho rằng, quy luật khốc liệt của thị trường đã đến lúc khiến ngành thép phải tự xem lại quy mô, công nghệ và tầm vóc của mình. Thị trường sẽ đào thải những DN có công nghệ lạc hậu, sản phẩm kém cạnh tranh. Và việc tái cơ cấu ngành thép đến nay rõ ràng không còn quá sớm.