Năm 2019, thị trường bất động sản (BĐS) trong nước khá sôi động với hàng loạt dự án là một trong những lý do khiến ngành Thép có mức tăng trưởng khá. Nhiều chuyên gia nhận định, giai đoạn còn lại của năm 2019, thị trường BĐS vẫn còn dư địa phát triển nên ngành Thép vẫn có những cơ hội phát triển nhất định. Tuy nhiên, doanh nghiệp thép cũng phải đối mặt với nguy cơ bị khởi kiện từ các vụ án phòng vệ thương mại khi xuất khẩu thép.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Hạn chế rủi ro khi xuất khẩu thép
Cụ thể, theo Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC), việc sản xuất thép cuộn cán nguội và thép chống ăn mòn từ nguồn nguyên liệu Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc là chuyển đổi không đáng kể trong việc giúp lẩn tránh thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp mà Hoa Kỳ đang áp dụng. Tuy nhiên, DOC vẫn sẽ áp dụng biện pháp chống lẩn tránh thuế tạm thời với 2 sản phẩm trên nhập khẩu từ Việt Nam thông qua việc thu tiền ký quỹ khi nhập khẩu.
Đầu tháng 7 vừa qua, DOC đã ban hành kết luận sơ bộ trong vụ việc điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với thép cuộn cán nguội (CR) và thép chống ăn mòn (CORE) của Việt Nam sử dụng nguyên liệu thép cán nóng nhập khẩu từ vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc. Vụ việc này được phía Hoa Kỳ khởi xướng điều tra từ ngày 2/8/2018, sau khi Hoa Kỳ áp dụng biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp với thép CR, CORE của vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc từ năm 2016.
Tuy nhiên, đây là vụ việc điều tra xác định hành vi lẩn tránh thuế với nguyên liệu từ Hàn Quốc và vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc), trong trường hợp thép CR, CORE được sản xuất từ nguyên liệu của Việt Nam hoặc các nước, vùng lãnh thổ khác sẽ không bị áp thuế trong vụ việc này.
Trao đổi về vấn đề này, ông Trịnh Khôi Nguyên - Phó Chủ tịch VSA nhấn mạnh: Trong xu thế hội nhập toàn cầu về kinh tế, việc các nước sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại là một việc làm tất yếu để bảo vệ sản xuất trong nước, tuân thủ những quy định của WTO. Vì thế, các doanh nghiệp cần chủ động tiếp cận, nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm của mình thông qua việc nâng cao chất lượng sản phẩm, tiết kiệm chi phí sản xuất, cải tiến, nâng cao năng lực quản trị để từ đó hạ giá thành để có được năng lực cạnh tranh cao hơn; đồng thời, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu để tránh rủi ro; tuân thủ luật thương mại, pháp luật cạnh tranh quốc tế; tích cực phối hợp với các đối tác bạn hàng thị trường xuất khẩu để biết thông tin, cung cấp thông tin trung thực với cơ quan điều tra các nước để bày tỏ thiện chí hợp tác lâu dài...
Bộ Công Thương cũng cảnh báo, khuyến nghị các doanh nghiệp về việc các cơ quan điều tra của nước nhập khẩu có thể thay đổi quy định, đề ra các yêu cầu khắt khe hơn trong các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại để các doanh nghiệp nghiên cứu, đề ra chiến lược kinh doanh phù hợp, đặc biệt là chuyển sang sử dụng nguồn nguyên liệu sản xuất trong nước hoặc các nguồn khác.
Duy trì mức tăng trưởng khá
Theo đánh giá mới nhất của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), ngành sản xuất thép trong nước 7 tháng đầu năm tương đối ổn định về giá cả và thị trường các sản phẩm. Tăng trưởng sản xuất và bán hàng thép trong 7 tháng đầu năm 2019 lần lượt đạt 7,2% và 10% so với cùng kỳ năm 2018.
Cụ thể, tháng 7/2019, sản xuất thép đạt hơn 2,1 triệu tấn; tăng 1,4% so với tháng trước và tăng so với cùng kỳ 2018 là 4,3%. Lượng bán hàng đạt hơn 2 triệu tấn, tăng 8,43% so với tháng trước, và tăng 12,3% so với cùng kỳ năm 2018. Nếu loại trừ tăng trưởng của thép cuộn cán nóng thì tốc độ tăng trưởng sản xuất và bán hàng các sản phẩm thép đều tăng lần lượt là 3% và 9% so với cùng kỳ năm 2018.
Tính chung 7 tháng đầu năm 2019, lượng thép sản xuất đạt 14,8 triệu tấn, tăng 7,2% so với cùng kỳ 2018; Bán hàng đạt xấp xỉ 13,7 triệu tấn, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu thép là 2,8 triệu tấn, tăng 4,8% so với 7 tháng 2018.
Về tình hình xuất khẩu các sản phẩm thép, tính đến ngày 30/6/2019, Việt Nam xuất khẩu hơn 4,12 triệu tấn thép thành phẩm và bán thành phẩm, tăng 13,3% về lượng so với cùng kỳ năm 2018. Tổng kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2019 đạt hơn 2,68 tỷ USD. Nhưng trong đó, xuất khẩu một số sản phẩm thép có ưu thế của Việt Nam lại giảm như tôn mạ KL&SPM giảm 17,6%; ống thép giảm 22,3%;
Nhận định về tình hình trên, đại diện VSA cho rằng, kết quả khả quan trên là nhờ kinh tế vĩ mô trong nước những tháng đầu năm 2019 đạt kết quả đáng kể trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu tăng chậm lại, ngành công nghiệp 6 tháng đầu năm 2019 duy trì tăng trưởng khá ở mức 9,13% (quý II tăng 9,24%). Đặc biệt, thị trường BĐS phát triển ổn định là cơ sở để ngành Thép đạt mức tăng trưởng khá.
Nguồn tin: Baoxaydung