Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Thị trường thép tháng 2/2019: Trong nước và thế giới đồng loạt tăng

 Mặc dù giá thép tăng mạnh trong tháng 2/2019, nhưng mức tiêu thụ vẫn tăng trưởng tốt. Dự báo, quý 1/2019 ngành thép tăng trưởng và năm 2019 ước tính tăng 10%.

Thế giới
Thị trường thép thế giới 2 tháng đầu năm 2019 duy trì đà tăng mạnh của giá quặng sắt và phôi thép. Trong đó, giá quặng sắt tăng vọt từ tuần cuối tháng 1/2019 do thị trường thép thế giới lo ngại nguồn cung quặng sắt từ Brazil sẽ bị gián đoạn sau sự cố vỡ đập nước thải tại khu khai thác quặng của Tập đoàn Vale ngày 25/1 vừa qua.
Giá phôi thép ở mức 468 - 472 USD/tấn, tăng 10 USD/tấn; giá thép phế ở mức 325 – 330 USD/tấn, tăng so với đầu tháng 1/2019.

 
Nguồn: Hiệp hội Thép Việt Nam
Việt Nam
Cùng với đà tăng mạnh của giá quặng sắt thế giới, gây ảnh hưởng tới giá bán trong nước. Thị trường thép xây dựng nội địa có 3 đợt điều chỉnh tăng. Tháng 1, 2/2019 giá thép điều chỉnh tăng 400 – 500 đồng/kg (400.000 – 500.000 đồng/tấn). Hiện giá thép trong nước ở khoảng 12,5 - 12,6 triệu đồng/tấn.

Giá thép xây dựng tháng 2/2019

(Giá chỉ mang tính chất tham khảo)

Nguồn: Thép xây dựng
Nguyên nhân giá tăng do ngành thép Việt Nam gần như phải nhập khẩu tới 90 – 95% nguyên liệu để sản xuất, trong đó quặng sắt nhập khẩu 80%; sắt thép vụn trên 60% và than cốc là 100%.
Mặc dù giá thép tăng cao, nhưng mức tiêu thụ vẫn rất tốt. Cụ thể, bán hàng các sản phẩm thép vẫn đạt 1.958.009 tấn, tăng 18,9% so với cùng kỳ năm 2018; trong đó, xuất khẩu thép đạt 456.949 tấn, tăng 27,8% so với tháng 1/2018. Nguyên nhân là do các đơn vị tiêu thụ, doanh nghiệp thương mại có sự chuẩn bị cho mùa xây dựng tháng 4, 5/2019 là cao điểm mùa xây dựng, mua vào số lượng khá lớn để dự trữ. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng có quan tâm hơn các dự án đầu tư công, thúc đẩy thị trường xây dựng; đồng thời, triển vọng nền kinh tế năm 2019 là rất sáng. Đây có thể là những lý do khiến thị trường sôi động hơn trong những tháng đầu năm.
Về hoạt động sản xuất và xuất – nhập khẩu
Sản xuất
Tháng 2/2019, lượng sắt thép thô ước đạt 1,549 triệu tấn, tăng 88,79% so với cùng kỳ năm 2018; lượng thép cán ước đạt 430.000 tấn, tăng 3,38%; lượng thép thanh, thép góc ước đạt 391.700 tấn, tăng 36,42%.
Tính chung 2 tháng đầu năm, lượng sắt thép thô đạt 3,295 triệu tấn, tăng 75,9% so với cùng kỳ năm 2018; thép cán đạt 909.800 tấn, giảm 0,5%; thép thanh, thép góc đạt 830.600 tấn, giảm 0,2%.

 
 
Nguồn: Hiệp hội Thép Việt Nam
Xuất - nhập khẩu
Theo số liệu thống kê sơ bộ từ TCHQ, Việt Nam đã xuất khẩu 458,8 nghìn tấn sắt thép các loại, trị giá 290,95 triệu USD, giảm 40,5% về lượng và 39,9% trị giá so với tháng 1/2019. Tính chung 2 tháng đã xuất khẩu 1,22 triệu tấn, trị giá 773,6 triệu USD, tăng 34,4% về lượng và 18,6% trị giá so với cùng kỳ 2018; Sản phẩm từ sắt thép đạt 174,6 triệu USD, giảm 39,9% so với tháng 1/2019, tính chung 2 tháng đạt 464 triệu USD, tăng 5,3% so với cùng kỳ.
Cùng với xuất khẩu, nhập khẩu sắt thép cũng sụt giảm trong tháng thứ hai của năm 2019. Theo đó:
+ Phế liệu sắt thép: Tháng 2/2019 đã nhập 217,1 nghìn tấn, trị giá 61,5 triệu USD, giảm 20,9% về lượng và giảm 31,2% trị giá so với tháng đầu năm 2019. Tính chung 2 tháng đã nhập 487,2 nghìn tấn, trị giá 149,2 triệu USD, giảm 44,9% về lượng và giảm 5,11% trị giá so với cùng kỳ.
+ Sắt thép: Lượng nhập là 864,2 nghìn tấn trong tháng 2/2019, trị giá 553,6 triệu USD, giảm 24,9% về lượng và giảm 30,8% trị giá so với tháng 1/2019. Tính chung 2 tháng đầu năm đã nhập trên 2 triệu tấn, trị giá 1,3 tỷ USD, giảm 2,7% về lượng và giảm 5,8% trị giá so với cùng kỳ.
+ Sản phẩm từ sắt thép: Kim ngạch nhập 219,3 triệu USD trong tháng 2/2019, giảm 42% so với tháng 1/2019, tính chung 2 tháng 2019 đạt 601,6 triệu USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ.

Doanh nghiệp

Về phía doanh nghiệp, đại diện Tập đoàn Hòa Phát cho hay, tháng 2/2019, thép xây dựng Hòa Phát đạt sản lượng 200.000 tấn, tăng 21,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tiêu thụ khá cao mặc dù Tết Nguyên đán với kỳ nghỉ dài 9 ngày nằm trọn trong tháng. Nguyên nhân do thị trường khu vực miền Trung - Tây Nguyên và khu vực miền Nam có mức tăng trưởng vượt bậc so với cùng kỳ. Cụ thể, sản lượng bán hàng tại các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên tăng gần gấp rưỡi so với năm trước với trên 33.000 tấn và khu vực phía Nam tăng đột biến tới 3,7 lần. Mức tăng trưởng này báo hiệu một năm bán hàng sôi động cho thép xây dựng Hòa Phát ở khu vực phía Nam.
Nguyên nhân, thời gian qua nhu cầu xây dựng nhà dân dụng tăng cao ở khắp 3 miền. Thêm vào đó, dây chuyền mới tại Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất (Quảng Ngãi) hoạt động ổn định đã giúp Hòa Phát đẩy mạnh sản lượng tại thị trường miền Nam hơn so với năm ngoái.
Đối với thị trường xuất khẩu, thép xây dựng Hòa Phát đạt hơn 15.000 tấn trong tháng 2, giảm nhẹ so với năm trước do tập trung phục vụ thị trường xây dựng trong nước đầu năm. Lũy kế 2 tháng đầu năm, thép xây dựng Hòa Phát đã cho ra thị trường tổng cộng 450.000 tấn, tăng 24,5%.
Dự báo
Mức tiêu thụ tháng 1, 2 đều rất tốt, mọi năm do ảnh hưởng của tháng Tết nên tháng 1,2,3 sản xuất và tiêu thụ đều giảm, nhưng năm nay tháng 3 ước tính tăng kéo theo Quý 1 cũng sẽ tăng, Phó chủ tịch VSA cho biết.
Đại diện Hiệp hội Thép cũng nhận định, năm nay, kỳ vọng tăng trưởng ngành thép sẽ ở mức 10%, mức khá cao do ngành này cũng đã ở ngưỡng đỉnh của tăng trưởng.
Việc Bộ Công Thương đề xuất tăng giá điện thêm 8,3%, sẽ kéo chi phí sản xuất thép tăng theo. Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng của mỗi công ty là khác nhau, tùy thuộc vào công nghệ sản xuất. Đối với mảng thép dài, các doanh nghiệp thép chọn lựa công nghệ EAF – lò điện, hoặc công nghệ BOF.
Theo Hiệp hội các nhà sản xuất thép Việt Nam (VSA), sản lượng từ các cơ sở sản xuất theo công nghệ EAF chiếm đến 65% tổng sản lượng sản xuất thép trong nước. Với công nghệ này, mức tiêu thụ điện khoảng trên mỗi tấn khoảng 600 KWh.
Giá điện thường chiếm 8 - 9% chi phí sản xuất, các doanh nghiệp sản xuất thép sử dụng công nghệ EAF như Pomina hay Vinakyoei sẽ chịu tác động lớn hơn từ việc tăng giá điện.
Trong khi đó, các doanh nghiệp sản xuất theo công nghệ BOF như Hòa Phát hay Tisco sẽ có lợi thế cạnh tranh hơn so với các doanh nghiệp áp dụng công nghệ EAF. Chỉ có 35% sản lượng thép trên cả nước được sản xuất theo công nghệ BOF với chi phí giá điện chiếm khoảng dưới 5% chi phí sản xuất.
Đặc biệt, HPG còn sở hữu lò luyện than cốc nội bộ, nhờ vậy công ty có thể tự cung cấp 40 - 45% nhu cầu điện hàng năm thông qua việc thu hồi nhiệt thải ra từ lò luyện than cốc.
Đối với mảng tôn, không có sự chênh lệch lớn về mức tiêu thụ điện trên mỗi tấn giữa các nhà sản xuất tôn do sử dụng công nghệ sản xuất công nghệ tương tự. Tuy nhiên, việc giá điện tăng chắc chắn sẽ kéo chi phí sản xuất tăng lên đối với các sản phẩm tôn. Hiện nay, Tập đoàn Hoa Sen (HSG) và Công ty Thép Nam Kim (NKG) là hai doanh nghiệp lớn nhất trong lĩnh vực sản xuất tôn.
Nguồn tin: Vinanet

ĐỌC THÊM