Sau khi giảm hơn 50-60% kể từ tháng 8/2008 đến tháng 3/2009, giá thép thế giới hồi phục trở lại vào nửa cuối năm 2009 do kinh tế thế giới hồi phục và giá phôi thép tăng. Kết thúc năm, giá thép cuộn tại Ấn Độ tăng lên mức 32.000-35.000 rupi (680-744 USD) mỗi tấn, tăng 18% so với mức 29.500 rupi (615 USD) hồi tháng 3.
Sở dĩ giá thép thế giới tăng lên là do giá phôi thép và thép phế liệu tăng khá mạnh trong khi nhu cầu thép tăng trở lại. Nguồn cung thép phế trên thị trường đang rất eo hẹp, nhất là sau khi Mỹ triển khai các hợp đồng giao tháng 1 và 400.000 tấn được đặt mua bởi Trung Quốc từ giữa tháng 10 đầu tháng 11. Giá phôi Biển Đen, FOB, hiện đạt 420 – 440 USD/tấn, giá thép phế liệu ở mức 315 – 320 USD/tấn tại thị trường Thổ Nhĩ Kỳ. Tại Trung Quốc, giá quặng nhập CFR chốt ở mức giá là 107,70 USD/tấn. Các thương nhân ở châu Á trả giá quặng Ấn Độ loại chứa 63,5% hàm lượng sắt ở mức 116 – 117 USD/tấn.
Giá các nguyên liệu thô đã tăng trở lại kể từ giữa năm 2009 do các nhà máy thép tái hoạt động các lò cao nhờ lượng đơn đặt hàng được cải thiện trong bối cảnh kinh tế toàn cầu dần thoát khỏi suy thoái. Trong khi đó, nguồn cung nguyên liệu thô vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu. Đây cũng là nguyên nhân khiến giá giao ngay leo thang.
Giá quặng sắt và thép phế liệu vẫn là những động lực chính của giá phôi. Người này dự đoán giá phôi sẽ tiếp tục tăng do các nhà sản xuất hạn chế bán ra.
Trung Quốc, nước nhập khẩu quặng sắt lớn nhất thế giới, chiếm tới 50% tổng lượng tiêu thụ toàn cầu, giữ vai trò chủ chốt trong sự biến động của giá mặt hàng này. Sau một thời gian giảm sút, nhu cầu thép của một số ngành ở Trung Quốc đã cải thiện trở lại và lượng thép tồn kho cũng đang dần được giải phóng.
Các ngành sản xuất có nhu cầu về thép sẽ đẩy mạnh mua mặt hàng này để đề phòng giá tăng cao trong quý I/2010, khi giá các loại nguyên vật liệu và nhiên liệu liên quan như than cốc, quặng sắt đều có xu hướng gia tăng.
Theo Hiệp hội Thép Thế giới (WSA), nhu cầu thép thế giới năm 2009 đạt 1,104 tỷ tấn trong, giảm 8,6% so với năm 2008 - khả quan hơn nhiều so với mức giảm 14,1% dự báo hồi đầu năm. Tốc độ hồi phục của thị trường thép theo dự báo của WSA khiến các nhà quan sát ngạc nhiên. Nhu cầu của Trung Quốc năm qua giảm khoảng 5,6%. Trung Quốc tiêu thụ khoảng 526 triệu tấn, tăng 18,8% so với năm 2008. Tiêu thụ thép tại các nền kinh tế mới nổi giảm 17%, tại 27 quốc gia EU giảm 33% và tiêu thụ tại các nước kinh tế phát triển giảm 34%. Nếu không tính Trung Quốc, nước tiêu thụ 47,7% tổng nhu cầu thép toàn cầu, thì nhu cầu thép thế giới giảm 24,2% trong năm 2009.
Trong suốt hơn nửa năm vừa qua, cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã khiến nhu cầu thép trên thế giới sụt giảm mạnh, các công ty thép hàng đầu thế giới, trừ ở Trung Quốc, đều giảm sản lượng và lợi nhuận. Tại thị trường thép lớn nhất thế giới, mặc dù sản lượng và tiêu thụ thép tăng mạnh nhưng các nhà phân tích vẫn đang lo ngại đó là sự tăng trưởng ảo khi mà nhu cầu đầu cơ chứ không phải nhu cầu thực tế đang chiếm lĩnh thị trường. Tốc độ tiêu thụ thép tại Trung Quốc được dự đoán sẽ chậm lại trong năm tới khi ảnh hưởng bởi gói kích thích kinh tế của chính phủ giảm dần.
Về triển vọng thị trường thời gian tới, các nhà phân tích cho rằng nhu cầu thép phế liệu sẽ tăng cao, đặc biệt là mùa hè năm 2010 khi giá thép phế có thể lên tới 350 – 400 USD/tấn. Giá quặng sắt trong các hợp đồng sẽ được thương lượng lại vào đầu năm 2010 dự kiến tăng 10-25% so với mức 75 USD/tấn trong tài khóa 2008-2009 (tháng 4/08 – tháng 3/09), trong khi giá than cốc đã được ấn định ở mức 300 USD/tấn.
WSA dự đoán thế giới sẽ tiêu thụ 1,206 tỷ tấn thép trong năm 2010, tăng 9,2% so với năm ngoái. Trong đó, tiêu thụ của Trung Quốc tăng 5%, của các nền kinh tế mới nổi tăng 12%, tại EU-27 tăng 12% và ở các nền kinh tế phát triển là 15%.
Tuy nhiên, WSA cũng khuyến cáo cần thận trọng bởi những tín hiệu hồi phục của thị trường thép hiện vẫn chưa chắc chắn. Chủ tịch tiểu ban kinh tế của WSA, Daniel Novegil cho rằng: "Sự thiếu chắc chắn này đặc biệt tập trung vào nền kinh tế Trung Quốc trong năm 2010, do tốc độ hồi phục nhanh chóng của năm nay chủ yếu là nhờ các chính sách kích thích của chính phủ. Thị trường sản xuất thép châu Âu sẽ hồi phục trong năm nay. WSA dự đoán nhu cầu về mặt hàng này của 27 nước thành viên EU sẽ tăng 12% trong năm 2010 sau khi giảm 1/3 trong năm 2009.
Vinanet